pnvnonline@phunuvietnam.vn
Bất bình đẳng trong tiếp cận nước sạch, vệ sinh còn tồn tại
Ủy viên dự khuyết Trung ương Đảng, Phó Chủ tịch Hội LHPN Việt Nam Tôn Ngọc Hạnh phát biểu khai mạc hội thảo. Ảnh: VA
Sáng nay (6/9), tại thành phố Buôn Ma Thuột, tỉnh Đắk Lắk, Trung ương Hội LHPN Việt Nam phối hợp với UBND tỉnh Đắk Lắk tổ chức Hội thảo Giải pháp Hỗ trợ phụ nữ tiếp cận với nước sạch và vệ sinh môi trường khu vực nông thôn. Chương trình có sự hỗ trợ của Quỹ Nhi đồng Liên hợp quốc (UNICEF) tại Việt Nam và Trung tâm quốc gia nước sạch vệ sinh môi trường nông thôn - Bộ Nông nghiệp Phát triển Nông thôn.
Phát biểu khai mạc hội thảo, Ủy viên dự khuyết Trung ương Đảng, Phó Chủ tịch Hội LHPN Việt Nam Tôn Ngọc Hạnh nhấn mạnh: Hội thảo có ý nghĩa rất quan trọng, góp phần cùng tìm ra giải pháp hỗ trợ phụ nữ tiếp cận với nước sạch và vệ sinh ở khu vực nông thôn một cách hiệu quả, đem lại lợi ích thiết thực cho phụ nữ và trẻ em trên địa bàn nói riêng và vấn đề an sinh xã hội của tỉnh Đắk Lắk nói chung.
Theo Phó Chủ tịch Tôn Ngọc Hạnh, việc tiếp cận nước sạch, vệ sinh được coi là một trong những quyền cơ bản của con người do nó có ảnh hưởng trực tiếp tới sức khỏe và môi trường sống của con người. Tuy nhiên, vẫn còn tồn tại bất bình đẳng trong tiếp cận nước sạch, vệ sinh.
Những năm qua, Đảng và Nhà nước đã thực hiện nhiều chính sách nhằm tăng khả năng tiếp cận nước sạch, vệ sinh cho nhân dân, đặc biệt là vùng đồng bào dân tộc thiểu số. Trong đó, Hội LHPN Việt Nam cũng xác định rõ vai trò, trách nhiệm tham gia xóa bỏ bất bình đẳng trong tiếp cận nước sạch và vệ sinh đối với phụ nữ và trẻ em.
Theo UNICEF năm 2020, tại Việt Nam, tỷ lệ người dân nông thôn được tiếp cận nước an toàn là 37,88%, tỷ lệ hộ gia đình không có nhà tiêu là 4,39%. Tỷ lệ hộ gia đình có nhà tiêu an toàn là 58,29%.
Việc đảm bảo tiếp cận nước sạch và vệ sinh đóng vai trò vô cùng quan trọng trong nâng cao chất lượng cuộc sống và phúc lợi của người dân, đặc biệt là đối với phụ nữ và trẻ em.
Tuy nhiên, do nhiều nguyên nhân khách quan và chủ quan, trên thực tế, sự chênh lệch về khả năng tiếp cận nước sạch và vệ sinh giữa các khu vực nông thôn so với mức trung bình của cả nước vẫn còn rất lớn.
Riêng tại Đắk Lắk, theo Bộ chỉ số theo dõi, đánh giá nước sạch nông thôn năm 2024, tỷ lệ hộ gia đình sử dụng nước sạch đáp ứng quy chuẩn Việt Nam là rất thấp, mới chỉ đạt 25,67%. Trong đó, tỷ lệ hộ gia đình sử dụng nước đáp ứng QCVN từ công trình cấp nước tập trung là 14,01%; tỷ lệ hộ gia đình sử dụng nước đạt QCVN từ cấp nước nhỏ lẻ là 11,65%.
Về vệ sinh, theo số liệu mới điều tra năm 2023 của Trung tâm kiểm soát bệnh tật tỉnh, tỷ lệ hộ gia đình không có nhà tiêu trên toàn tỉnh vẫn chiếm tới 5% (tương đương với 17.598 hộ).
Theo Phó Chủ tịch Hội LHPN Việt Nam, tình trạng này có nhiều nguyên nhân. Trong đó, nhiều hộ gia đình điều kiện kinh tế còn khó khăn nên chưa có khả năng tự cải thiện được điều kiện vệ sinh và nước sạch ở gia đình; chưa có nhận thức đầy đủ về tầm quan trọng của vấn đề nước sạch, vệ sinh. Bên cạnh đó, sau khi đạt chuẩn nông thôn mới, nhiều xã có tâm lý lơ là, buông lỏng, không sát sao nên kết quả các tiêu chí dễ thay đổi sau thời gian đạt được.
Để hỗ trợ phụ nữ Đắk Lắk thúc đẩy cộng đồng tiếp cận với nước sạch và vệ sinh, thời gian qua, Trung ương Hội cùng với chuyên gia của UNICEF đã phối hợp chặt chẽ, hỗ trợ Hội LHPN tỉnh xây dựng dự thảo Đề án: "Nâng cao chất lương xây dựng gia đình 3 sạch, xóa bỏ hộ không có nhà tiêu, giai đoạn 2024 - 2026".
Phát biểu tại hội thảo, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Đắk Lắk H'Yim Kđoh đề nghị các ngành, cơ quan có liên quan ở Trung ương và địa phương tăng cường các chính sách hỗ trợ, đầu tư các công trình nước sạch tại các vùng khó khăn về nguồn nước, vùng sâu, vùng xa, vùng đồng bào dân tộc thiểu số; tuyên truyền, vận động thay đổi hành vi, thói quen để nhận thức đúng tầm quan trọng của nguồn nước sạch đối với chất lượng cuộc sống và sức khỏe hội viên phụ nữ…
Tại hội thảo, các đại biểu tập trung chia sẻ, thảo luận về các vấn đề cách thức, giải pháp để phát huy vai trò của các cấp Hội LHPN tỉnh Đắk Lắk trong thực hiện Nông thôn mới; thảo luận về tính khả thi của Đề án, đối tượng, phạm vi thực hiện; chỉ tiêu, giải pháp và lộ trình thực hiện cụ thể để có thể đảm bảo phát huy tối đa nguồn lực cho Đề án; thúc đẩy sự phối hợp của các ngành, các cấp cần được thể hiện trong Đề án để thực sự khả thi và hiệu quả.
Nhân dịp này, các đại biểu và các chuyên gia đã thực địa về vấn đề nước sạch, vệ sinh dành cho phụ nữ, trẻ em tại huyện Ea H'Leo, tỉnh Đắk Lắk và thăm 3 hộ gia đình chưa có nước sạch và vệ sinh.