pnvnonline@phunuvietnam.vn
Bất chấp lệnh cấm, ứng dụng giao hàng của Grab tại Hà Nội vẫn hoạt động
Ảnh minh họa
Ngày 27/7, Sở Giao thông Vận tải nhận được thông tin phản ánh về việc các đơn vị vẫn cung cấp ứng dụng cho đối tác để thực hiện việc vận chuyển hàng hóa bằng xe môtô hai bánh. Các lực lượng chức năng đã xử phạt hàng chục trường hợp đối tác Grabbike giao hàng trên các tuyến phố nội đô.
Khi bị lực lượng chức năng yêu cầu dừng xe xử lý, các shipper tỏ ra rất ngạc nhiên và cho biết không nhận được thông báo từ đơn vị cung cấp ứng dụng về việc tạm dừng hoạt động. Thậm chí, trên điện thoại của tài xế Grabbike, qua kiểm tra của lực lượng chức năng, các ứng dụng vẫn hoạt động bình thường.
Trước sự việc này, chiều 27/7, Sở Giao thông Vận tải Hà Nội đã gửi văn bản đến Công ty TNHH Grab (ứng dụng Grab), Công ty cổ phần Be Group (ứng dụng Be), Công ty TNHH Gojek Việt Nam (ứng dụng Gojek), Công ty TNHH MTV Logistics Viettel (ứng dụng My Go), Công ty cổ phần FastGo Việt Nam (ứng dụng FastGo) và các tổ chức, cá nhân liên quan yêu cầu ngừng ngay việc cung cấp ứng dụng cho các đối tác hoạt động vận chuyển hành khách, hàng hóa bằng xe môtô, bao gồm xe có sử dụng phần mềm ứng dụng công nghệ kết nối với hành khách (xe ôm) và kinh doanh giao hàng công nghệ (shipper).
Đồng thời, Sở Giao thông Vận tải Hà Nội đề nghị Công an thành phố chỉ đạo kiểm tra và xử lý các trường hợp vi phạm quy định về phòng, chống dịch Covid-19.
Trước đó, thực hiện Chỉ thị số 17/CT-UBND, Sở Giao thông Vận tải đã yêu cầu Grab, Be Group, Gojek Việt Nam, Logistics Viettel, FastGo Việt Nam dừng hoạt động xe ôm và shipper từ ngày 24/7/2021 cho đến khi có thông báo mới. Với hoạt động vận tải hàng hóa, việc giao hàng thiết yếu sẽ do shipper của siêu thị, trang thông tin điện tử, bưu chính viễn thông tổ chức để đảm bảo phòng dịch vì đó là "lực lượng shipper có quản lý".
Ngay sau đó, bà Nguyễn Thái Hải Vân - giám đốc điều hành Grab - cho biết đã có văn bản gửi Sở Giao thông vận tải và Sở Công thương Hà Nội, cho rằng việc yêu cầu 5 ứng dụng trên dừng vận chuyển hàng hóa, trong khi đang có rất nhiều đơn vị khác cùng cung cấp dịch vụ này trên địa bàn TP là "chưa hợp lý và thiếu nhất quán với chính sách hiện hành của Nhà nước trong việc tạo lập, duy trì một môi trường cạnh tranh lành mạnh, công bằng, bình đẳng, cũng như có thể gây hiểu nhầm không đáng về chủ trương của TP".
Theo Grab, khi chính quyền Hà Nội đang hết sức hạn chế việc người dân đổ xô tới các siêu thị, địa điểm mua sắm, làm tăng cao nguy cơ lây nhiễm dịch bệnh thì những dịch vụ giao hàng như GrabFood, GrabExpress, GrabMart hỗ trợ đắc lực cho người dân, cơ quan chức năng trong giai đoạn giãn cách.
Ứng dụng này bày tỏ mong muốn được hoạt động và cam kết đủ năng lực thực thi phương án hoạt động dịch vụ giao nhận lương thực, thực phẩm, hàng hóa thiết yếu qua ứng dụng. Đồng thời đảm bảo chặt chẽ, nghiêm túc các biện pháp phòng chống dịch.
Theo đó, Grab đảm bảo tài xế chỉ giao nhận lương thực, thực phẩm, hàng hóa thiết yếu. Vì hiện nay số lượng đơn hàng đặt trên ứng dụng chủ yếu là nhu yếu phẩm thiết yếu được đặt từ chợ dân sinh, siêu thị, cửa hàng kinh doanh thực phẩm. Các cơ quan chức năng hoàn toàn có thể kiểm tra, xử phạt nếu tài xế không chứng minh được đang hoạt động vận chuyển hàng hóa thiết yếu...