Bất công trong hôn nhân

Hoàng Anh Tú
10/02/2025 - 17:09
 Bất công trong hôn nhân

Ảnh minh họa

Ai cũng mong được đối xử công bằng trong hôn nhân. Nhưng thứ duy trì hôn nhân lại là sự cân bằng.
Công bằng thì tốt - Cân bằng tốt hơn

Không phải là Công Bằng mà là Cân Bằng. Dù đúng, Công Bằng rất tốt. Như vợ được đối xử công bằng chứ không phải "chồng chúa vợ tôi". Như chồng cần hành xử công bằng giữa mẹ và vợ mình. Hay nhiều người chồng chỉ mong vợ công bằng với mình một chút, đừng lúc nào cũng con con cái cái mà bỏ bê mình.

Công bằng trong hôn nhân thì tốt, nơi việc nhà được chia sẻ, nơi người chồng không cần phải gồng lên làm trụ cột kinh tế, người vợ không phải nặng gánh nội trợ. Công bằng trong các mối quan hệ giữa vợ với bạn bè, chiến hữu của chồng, giữa nhà nội với nhà ngoại. 

Nhiều cuộc ly dị khởi nguồn từ những bất công như thế, thậm chí nhỏ hơn, như "tại sao anh chỉ biết nghĩ cho anh mà không nghĩ cho em", như "em đòi hỏi anh phải thế này hay thế nọ trong khi em thì chẳng chịu thay đổi em?". Vợ chồng nào cũng muốn đối phương phải tự gọt giũa để phù hợp với mình như thế, mà thành bất công với nhau.

Nên mới nói, công bằng thì tốt nhưng cân bằng thì tốt hơn là thế! Là vợ chồng đừng 50/50 theo kiểu "ông phải đưa cái chân giò, bà mới chịu thò cái thủ lợn". Vợ chồng là 100/100, là đổ 100% mình vào cuộc hôn nhân này. Chỉ là bao nhiêu người chịu làm như vậy?

Công bằng thì tốt nhưng cân bằng thì tốt hơn. Là cân sao cho bằng chính bản thân mình, thay vì đo đếm, định lượng nhau bằng sự đòi hỏi công bằng. Là giá như vợ chồng tiện tay ai thì người nấy làm, miễn sao gia đình hạnh phúc là được. 

 Bất công trong hôn nhân- Ảnh 1.

Nhà văn Hoàng Anh Tú

Là giá mà chúng ta đừng chỉ chăm chăm công bằng mà nghĩ đến cân bằng với nhau, cân bằng trong mình, cân bằng cho vợ, cân bằng cho chồng. Là hôn nhân thăng bằng, tròn trịa là được. Để cùng nhau nhìn về một hướng chứ không phải nhìn nhau rồi thấy mình thiệt thòi, thấy mình bị đối xử bất công.

Công bằng mà nói...

Nếu ta cứ tức điên lên vì những bất công ta gặp trong đời thì cả đời ta chỉ mang những muộn phiền, bực tức.

Công bằng mà nói, làm người tử tế không dễ. Ngoài kia chúng ta vẫn gặp rất nhiều người tử tế nhưng không dám nhận mình là người tử tế vì sợ miệng lưỡi người đời. Nhưng mà tử tế không phải là một lựa chọn, tử tế là sự tự nhiên có trong mỗi chúng ta. 

Vì nó mặc định ở trong mỗi chúng ta nên việc của bạn là có làm, có sử dụng chúng không thôi chứ không phải vì miệng lưỡi người đời mà ta phải tỏ ra là người tử tế hay vì sợ miệng lưỡi người đời mà ta giấu đi sự tử tế trong mình.

Công bằng mà nói, thành công của bạn cũng vậy. Luôn đi cùng với nó là sự đố kị, ganh ghét, nói xấu, thậm chí là bị tấn công. Nhưng bạn sợ mà không dám thành công ư? Sợ mất đi một người bạn mà không dám thành công hơn bạn mình ư? Sợ hơn chồng mà phải giả ngu, giả ngơ ư?

Công bằng mà nói, hôn nhân hạnh phúc thì ai cũng muốn nhưng làm sao để có một cuộc hôn nhân hạnh phúc thì mỗi người sẽ có một cách khác nhau vì khẩu vị về hạnh phúc của mỗi người khác nhau. 

Ta nghĩ ta đang đem đến hạnh phúc cho chồng, cho con nhưng khẩu vị hạnh phúc của chồng và con lại khác khẩu vị hạnh phúc của ta. Là bởi ta đang lấy mình ra làm thước đo tiêu chuẩn cho chồng con ta vậy.

Công bằng mà nói hay cân bằng mà sống? Là học cách thấu hiểu nhau thì mới biết đổ đầy vào nhau thứ mà người kia thấy thiếu chứ không phải những gì ta có sẵn đâu.

 Bất công trong hôn nhân- Ảnh 2.

Ảnh minh họa

Bất công đấy, thì sao nào?

Trước đây, tôi cũng như nhiều người, luôn kêu gọi phụ nữ ngừng hy sinh, hãy thương lấy mình và đừng cam chịu nữa, hãy đứng lên giành lại quyền bình đẳng. Nhưng rồi, khi tham gia vào nhiều hoạt động của Hội Liên hiệp phụ nữ Việt Nam, tôi nhận ra rằng, với nhiều phụ nữ, việc họ chọn hy sinh cho chồng, cho con cũng là một hạnh phúc của họ. 

Những phụ nữ yêu căn bếp của họ chẳng phải vì phụ nữ phải ở xó bếp mà là vì họ hạnh phúc xiết bao khi thấy chồng con ăn ngon miệng món mình nấu. Như vợ tôi, người luôn đuổi tôi ra khỏi căn bếp của nàng không phải vì "đàn ông thì không nên bếp núc" mà chỉ đơn giản là khi làm bếp, nàng tận hưởng cảm giác hạnh phúc trong nấu nướng của nàng. 

Nhiều phụ nữ từ bỏ việc lên chức không phải vì chồng con, vì gia đình mà vì họ tự nhận thấy bản thân mình chưa sẵn sàng với vị trí đó. Là lòng tự trọng của họ muốn bồi dưỡng thêm, nâng cấp bản thân mình lên nữa. Hoặc thậm chí, họ thấy người khác xứng đáng hơn họ. Khi lòng tự trọng trong họ đủ lớn, họ luôn làm những điều đúng đắn với lòng tự trọng đó của họ.

Trong hôn nhân cũng vậy, bình đẳng giới không phải em là "nóc nhà", anh là "trụ cột". Mà là chúng ta cùng là "nóc nhà", chúng ta cùng là "trụ cột". Chẳng nề hà, chẳng so đo, chẳng tỵ nạnh gì nhau. 

Tất cả những gì chúng ta làm đều là làm cho cuộc hôn nhân này tốt đẹp lên. Chẳng nghĩ gì về bất công cả vì "của chồng công vợ", mất đi đâu? Là cứ dốc cả vào nhau đi, để ta có một cuộc hôn nhân giàu có. Là thương nhau thì trăm chỗ lệch cũng thành bằng hết. Bất công chỉ đến khi ta cân đong đo đếm mọi thứ trong đời ta vậy.

TA KHỔ TÂM VÌ KHÔNG CAM TÂM

Vì không cam tâm khi mình đã hy sinh bao nhiêu mà chồng không quan tâm, không đền đáp, không phản hồi, không trân trọng. Nên ta khổ tâm. Là cái tâm ta đau khổ, vật vã, bức bối, khó chịu. Lòng như ngày nực không gió. Mà nẻ bợt mắt, tim, lòng!

Làm sao cam tâm nổi khi mình một dạ sắt son, thuỷ chung, tin tưởng, dốc lòng mà họ lại đi vui cùng kẻ khác, lừa dối mình, bất trung với mình kia chứ? Nên khổ tâm vì cái tâm bị phản trắc, bị coi rẻ, bị bỏ xó. Sĩ diện của ta bị xé rách. Chưa kể nhìn con mà càng không cam tâm.

Rốt cuộc, phụ nữ cứ mãi khổ tâm vì chồng, vì hôn nhân vốn là bởi 3 tiếng: KHÔNG CAM TÂM. Là bởi phụ nữ luôn nặng lòng với hôn nhân, nặng lòng với chồng. Nhưng thử hỏi, nếu không nặng lòng thì hôn nhân đó đã bị bỏ hoang từ lâu rồi. Người ta chỉ nhẹ lòng khi coi nhẹ hôn nhân này, coi nhẹ cái người chồng kia. Chỉ là đàn ông mãi chẳng hiểu, chẳng trân quý sự nặng lòng của vợ mình, coi trọng hôn nhân, muốn chăm chút cho hai tiếng Gia Đình. Đàn ông ạ, một khi nặng quá, họ buông thì chả còn gì cả nữa đâu…

"Vậy, làm sao để chị em chúng tôi thôi khổ? Hay anh viết 1 bài đánh thức những người chồng giùm chúng tôi đi!". Không! Đàn ông họ chỉ thay đổi khi họ nhận ra họ cần thay đổi, khi họ sợ mất đi cuộc hôn nhân này, người vợ này mà thôi. Nên tôi có viết cả ngàn bài cho đàn ông thì họ cũng chỉ cười khẩy cho qua vì trong mắt họ: Vợ vẫn chình ình ra đấy, hôn nhân này vẫn vững như bàn thạch. Chưa kể còn nhiều đàn ông coi vợ chỉ như y phục, thích thì mặc, không thích thì đổi. Là những người vợ phải thay đổi mình hoặc thay đổi chồng thôi!

Thay đổi mình nếu chưa muốn thay đổi chồng. Là ở 3 tiếng KHÔNG CAM TÂM kia vậy. Là chấp nhận anh ta như anh ta vốn thế. Là mình sẽ thay đổi mình để bớt khổ tâm đi thôi. Bởi khổ tâm là cái tâm ta thấy khổ chứ có phải ai làm khổ cái tâm ta đâu? Là điều chỉnh lại cái tâm của mình bớt thấy khổ, hãy hướng cái tâm của ta đến những niềm vui sống mới đi. Để mình thôi làm người vợ nhàu nhĩ bởi khổ sở. Để mình là người phụ nữ mà chồng sợ mất mình. Để hôn nhân này không có mình là nó thành vườn hoang. Chỉ có vậy bạn mới thoát ra khỏi đời khổ đau thôi, những phụ nữ rực rỡ ơi!

Ý kiến của bạn
(*) Nội dung bắt buộc cần có
0 bình luận
Xem thêm bình luận

Nhập thông tin của bạn

Đọc thêm