pnvnonline@phunuvietnam.vn
Ấm áp, thiêng liêng một tiếng NHÀ
![Ấm áp, thiêng liêng một tiếng NHÀ](https://phunuvietnam.mediacdn.vn/thumb_w/1098/179072216278405120/2025/2/7/20-1738921819424778589394-0-0-1600-2560-crop-17389218447811959060458-127-13-1250-1809-crop-17389370520591710662546.jpg)
Ảnh minh hoạ
Chỉ một tiếng NHÀ mà quá đỗi ấm áp, gần gụi, yêu thương, có thể xua tan chông chênh, bao nhọc nhằn, đau khổ của con người. Bước chân ra khỏi cửa NHÀ, hoà vào dòng người và nhịp sống, ta phải gồng mình, nỗ lực không ngừng để chứng minh năng lực, khẳng định giá trị bản thân để tồn tại, đứng vững trong thế giới mênh mông bao người xa lạ.
NHÀ không chỉ là nơi ta trú nắng, trú mưa, ăn uống, sinh hoạt, nghỉ ngơi; NHÀ không chỉ là nơi ta được sinh ra và lớn lên bên ông bà, cha mẹ, anh chị em cùng những người thân yêu ruột thịt… NHÀ, nghĩa rộng hơn, đó chính là GIA ĐÌNH - là nơi nuôi dưỡng nhân cách, hun đúc tâm hồn, bản ngã của ta; là mạch nguồn của tình yêu thương, lòng vị tha, bao dung, nhân hậu. Thế nên, "một con ngựa đau, cả tàu bỏ cỏ", nếu NHÀ không ấm không êm, người trong NHÀ không vì nhau mà vị tha, trân quý thì chẳng mong tử tế với nhân gian.
Đất trời rộng lớn, vũ trụ bao la nhưng con người không có một mái NHÀ thì đó là bất hạnh. Không có NHÀ là bơ vơ, cô độc giữa thế gian. Đứa trẻ mồ côi vẫn có thể có một mái NHÀ ấm áp, chỉ là thiếu bóng mẹ cha nhưng còn có ông bà, cô, dì, chú, bác, họ hàng xung quanh. Song, còn bao đứa trẻ bị bỏ rơi đang bơ vơ, khao khát một mái NHÀ bớt lạnh, bớt cô đơn. Thế nên, bạn có thể chưa thành công, thiếu may mắn, ít tiền, thậm chí là đang chiến đấu với bệnh tật nhưng bạn có NHÀ, có người thân yêu là bạn đã và đang hạnh phúc hơn nhiều người không chốn nương thân. Đừng phàn nàn, chớ kêu ca, mà hãy tìm cách để ngôi NHÀ của bạn ngày càng ấm áp.
Chủ tịch Hồ Chí Minh từng khẳng định: "Quan tâm đến gia đình là đúng vì nhiều gia đình cộng lại mới thành xã hội, gia đình tốt thì xã hội mới tốt, xã hội tốt thì gia đình càng tốt hơn, hạt nhân của xã hội là gia đình". Đảng ta cũng khẳng định, gia đình là tế bào của xã hội, gia đình có vai trò đặc biệt quan trọng trong chiến lược phát triển nguồn nhân lực chất lượng cao phục vụ đất nước, đồng thời có vai trò giữ gìn, lưu truyền, phát triển văn hóa dân tộc.
Vào ngày 4/5/2001, Thủ tướng Chính phủ đã ban hành Quyết định lấy ngày 28/6 hàng năm là Ngày Gia đình Việt Nam, nhằm đề cao trách nhiệm của các ngành, các cấp, các đoàn thể và tổ chức xã hội cùng các gia đình thường xuyên quan tâm xây dựng gia đình no ấm, bình đẳng, tiến bộ, hạnh phúc, đẩy mạnh công tác bảo vệ, chăm sóc và giáo dục trẻ em, góp phần xây dựng và bảo vệ Tổ quốc.
Người xưa có câu "Tu thân - Tề gia - Trị quốc - Bình thiên hạ". Ở đây, "Tu thân" ý nói đến sự nghiêm khắc với bản thân mình, sửa chữa những thiếu sót, không bảo thủ để nhận rõ sai sót nhằm hoàn thiện bản thân; "Tề gia" là chỉnh đốn gia đình, dòng họ, ngày một nề nếp gia phong; "Trị quốc" là lo toan việc nước, cai trị đất nước cho có kỷ cương, phép nước và "Bình thiên hạ" là làm cho thiên hạ thái bình, lòng người quy thuận. Điều này càng khẳng định gia đình là tế bào của xã hội, mỗi NHÀ đều có vai trò quan trọng đối với xã hội, với quốc gia. Bởi vậy, NHÀ có yên thì NƯỚC mới ổn.
![Ấm áp, thiêng liêng một tiếng NHÀ- Ảnh 1. Ấm áp, thiêng liêng một tiếng NHÀ- Ảnh 1.](https://phunuvietnam.mediacdn.vn/thumb_w/700/179072216278405120/2025/2/7/19-173892156712276869672.jpg)
Trong xã hội hiện đại, trước xu hướng hội nhập toàn cầu, có sự hoà nhập văn hoá giữa các quốc gia, châu lục, quan điểm về gia đình của con người cũng có nhiều thay đổi, kéo theo sự thay đổi về hình thái, cấu trúc gia đình. Từ gia đình nhiều thế hệ dần được thay bằng mô hình gia đình hạt nhân (cha mẹ và con cái), gia đình một thế hệ (cặp ông bà/bố mẹ), gia đình một người (đơn thân)… Dù là mô hình gia đình nào thì con người vẫn luôn khát khao sau mỗi ngày lao động mệt mỏi, sau những chuyến đi xa, sau những bôn ba ngoài đời, được trở về ngôi NHÀ thân yêu.
Thực tế, với sự phát triển của xã hội hiện đại, thời gian dành cho NHÀ của mỗi cá nhân có phần hạn chế hơn. Tuy nhiên, không vì thế mà tình cảm với gia đình mai một. Có người nói, giới trẻ bây giờ ít quan tâm tới gia đình, người thân, coi nhẹ giá trị gia đình, có thể đâu đó trong cuộc sống này có hiện tượng ấy, con người cụ thể ấy, song, tôi tin, sâu thẳm trong trái tim mỗi người, gia đình luôn thiêng liêng, là chốn đi về, là bến đậu an yên. Thế nên, có một dạo, khi bài hát "Đi về nhà" (của JustaTee và Đen Vâu) ra đời, lập tức nó nhận được sự yêu thích của đông đảo công chúng. Điệp khúc "Đường về nhà là vào tim ta/ Dẫu nắng mưa gần xa/ Thất bát vang danh/ Nhà vẫn luôn chờ ta/ Đường về nhà là vào tim ta/Vật đổi sao dời/ Nhà vẫn luôn là nhà" ngân vang ở nhiều nơi, như thể là slogan sống. Giọng rap của Đen Vâu như thôi thúc con người ta bước chân trở về: "Hạnh phúc chỉ đơn giản là còn được về nhà/ Hạnh phúc đi về nhà/ Cô đơn đi về nhà/ Thành công đi về nhà/ Thất bại đi về nhà/ Mệt quá đi về nhà/ Mông lung đi về nhà/ Chênh vênh đi về nhà…". Và quả thực, đúng như Đen Vâu viết: "Nhà có thể lớn, có thể nhỏ, có thể không khang trang/ Cha mẹ nào cũng muốn con được sống đàng hoàng/Lớn lên làm người mong một tương lai xán lạn/ Cặm cụi cả đời không bao giờ thấy than vãn".
Cũng đúng thôi, cuộc sống càng áp lực, càng nhiều "sóng gió" thì ta lại càng thêm nhớ nhà. Cả thế giới có thể không tin bạn, quay lưng với bạn, làm tổn thương bạn nhưng gia đình luôn ấm áp, chở che. NHÀ là nơi ta không phải đề phòng, không toan tính thiệt hơn, không cô đơn khi chẳng may lầm lạc: "Bước chân ra là sóng gió chỉ có nhà mãi an yên/ Ngoài kia phức tạp như rễ má và dây mơ/ Về nhà để có lúc cho phép mình được ngây thơ"…
Mỗi chúng ta, từ tấm bé cho đến lúc trưởng thành, rồi già đi, trong tim ai cũng khắc sâu một tiếng NHÀ. Nói đến NHÀ là nói đến sự trở về, là nơi ta được vô tư khóc cười, được là chính ta. NHÀ là tâm nên "đường về nhà là vào tim ta", về nhà là về với yêu thương, sự chở che vô điều kiện. NHÀ - chỉ có nơi này mới đủ bao dung khi ta phạm sai lầm và dang tay đón ta trở về sau vấp ngã. Chỉ có sống trong NHÀ của ta, ta mới có cảm giác bình an đến trọn đời.