Bất động sản "ấm" lên, chuyên gia điểm danh cổ phiếu tiềm năng

Tuệ Anh
28/03/2025 - 23:47
Bất động sản "ấm" lên, chuyên gia điểm danh cổ phiếu tiềm năng

Ảnh minh họa

Trước nhiều kỳ vọng tăng trưởng của thị trường chứng khoán 2025, bất động sản được cho là một trong những nhóm ngành có mức tăng trưởng cao so với mặt bằng chung.

Bất động sản là nhóm ngành có mức tăng trưởng cao

Từ đầu năm đến nay, thị trường chứng khoán Việt Nam cho thấy sự hồi phục tích cực sau khi vượt và duy trì tại vùng điểm quan trọng 1.300 điểm.

Đưa ra kịch bản tăng trưởng năm 2025, nhóm phân tích Chứng khoán Nhất Việt (VFS) dự báo, lợi nhuận toàn thị trường sẽ tăng trưởng 11,6%, lạc quan hơn sẽ đạt 18%. Ngược lại, với kịch bản tiêu cực, con số này sẽ chỉ 5%.

Trong đó, bên cạnh ngân hàng, bất động sản (BĐS) là nhóm ngành có đóng góp trực tiếp tới toàn thị trường khi đạt mức tăng trưởng cao hơn mặt bằng chung.

Nhận định về nhóm ngành này, ông Trần Đức Anh, Giám đốc Kinh tế vĩ mô và Chiến lược thị trường, Chứng khoán KB, khẳng định, BĐS là một trong những nhóm ngành tiềm năng trong năm nay khi nhận về nhiều yếu tố hỗ trợ. 

Cụ thể như lãi suất đang ở mức thấp, giúp thúc đẩy nhu cầu mua cao hơn cho BĐS. Bởi khi người dân mua nhà với mặt bằng lãi suất thấp như bây giờ sẽ hỗ trợ họ vay vốn mua nhà với chi phí thấp hơn.

Kèm theo đó, năm 2025, Ngân hàng Nhà nước đã đặt mục tiêu tăng trưởng tín dụng 16%, tương đương với mức 2,5 triệu tỷ đồng nhằm thúc đẩy và phát triển nền kinh tế.

Thực tế, các ngân hàng thương mại lớn đã triển khai nhiều gói vay mua nhà với lãi suất ưu đãi, nhằm hỗ trợ người trẻ sớm sở hữu nhà như: ACB với chính sách lãi suất chỉ từ 5,5% lên đến 30 năm; HDBank với gói vay 30.000 tỷ, lãi suất chỉ từ 4,5%/năm và thời hạn vay lên đến 50 năm.

Điều này cho thấy sự đồng thuận và hỗ trợ từ các tổ chức tín dụng đối với thị trường BĐS nhằm cung ứng nguồn vốn giá rẻ để kích cầu thị trường.

Bổ sung thêm về vấn đề này, ông Bùi Ngọc Trung, Chuyên viên tư vấn đầu tư, Hội sở Chứng khoán Mirae Asset, cho rằng, đây sẽ là một cú hích lớn cho toàn nền kinh tế nói chung và thị trường BĐS nói riêng sau khi trải qua nhiều khó khăn trước đó về dòng tiền, thanh khoản khi chính sách tiền tệ được thắt chặt.

Thời gian qua, Chính phủ đã có những hành động nhằm hỗ trợ các doanh nghiệp BĐS trong thực hiện các dự án, đẩy nhanh tiến độ hoàn thiện, gồm: khơi thông dòng vốn tín dụng, cải thiện môi trường pháp lý...

Ông đánh giá, khơi thông pháp lý và duy trì chính sách tiền tệ tốt giúp nguồn cung được cải thiện, đảm bảo sự phát triển bền vững của thị trường, bên cạnh đó, các dự án Nhà ở xã hội cũng đang được gấp rút triển khai từ các chủ đầu tư uy tín.

Bất động sản

Khơi thông dòng vốn giúp kích cầu thị trường BĐS

Do vậy, có thể nói, thị trường BĐS Việt Nam năm 2025 đang đứng trước nhiều cơ hội mới nhờ các yếu tố quyết tâm từ Chính phủ, lãi suất, pháp lý.

Các phân khúc sản phẩm như chung cư, biệt thự, shophouse cũng sẽ hồi phục dần theo thời gian và thanh khoản dự kiến sẽ cải thiện đáng kể, tuy nhiên, với nguồn cung còn hạn chế, đặc biệt tại các đô thị lớn vẫn đang là thách thức cho việc giá nhà tăng nhanh ảnh hưởng đến cơ hội tiếp cận nhà ở của nhiều người.

Cổ phiếu BĐS hưởng lợi nhưng cần có chọn lọc

"Với những tín hiệu khởi sắc trong năm nay, nhóm cổ phiếu BĐS phần nào hưởng lợi đáng kể trên sàn chứng khoán. Nhiều cổ phiếu đã tăng mạnh từ đầu năm nay, cho thấy sự phản ánh từ kỳ vọng thực tế và nội lực riêng của từng doanh nghiệp", ông Bùi Ngọc Trung nhấn mạnh.

Bất động sản "ấm" lên, chuyên gia điểm danh cổ phiếu tiềm năng - Ảnh 2.

Cổ phiếu VHM tăng tích cực trong thời gian qua. Ảnh: SSI iBoard

Theo đó, cổ phiếu VHM (Vinhomes, HOSE) gây bất ngờ nhất khi đã tăng hơn 26,5% chỉ trong một tháng, dẫn dắt và đóng góp lớn vào chỉ số chung của thị trường với xu hướng phát triển các siêu dự án, dự kiến đóng góp doanh thu lớn cho VHM trong năm nay, như: Vinhomes Wonder, Vihomes Global Gate,...

Hay AGG (Bất động sản An Gia, HOSE) đã bật tăng mạnh từ cuối tháng 1 khi mới đây, doanh nghiệp đã ra mắt dự án chủ lực trong 2025 - The Gió Riverside, ước tính dự án này sẽ đóng góp khoảng 7.000 tỷ đồng cho An Gia trong 2-3 năm tới.

Sau nhiều thách thức, PDR (Bất động sản Phát Đạt, HOSE) đã bước vào một kỳ tăng trưởng mới về kế hoạch kinh doanh khi triển khai mở bán 6 dự án với tổng doanh thu dự kiến từ 40.000-50.000 tỷ đồng, đảm bảo tăng trưởng bền vững từ 2025-2027. Đáng nói, trong năm nay, PDR sẽ ghi nhận đóng góp lớn từ 2 dự án chủ lực là Quy Nhơn Iconic và tổ hợp dự án chung cư Thuận An 1&2.

Dù vậy, ông Trần Đức Anh vẫn đưa ra lưu ý: "Bên cạnh những yếu tố tích cực, khó khăn về nguồn vốn và dòng tiền vẫn là vấn đề mà nhiều doanh nghiệp BĐS đang phải đối mặt. Vì vậy, nhà đầu tư cần thận trọng khi lựa chọn cổ phiếu nhóm ngành này".

Nêu ra một số tiêu chí để lựa chọn cổ phiếu BĐS, ông cho rằng: Cần tìm đến những cổ phiếu đầu ngành; Có tỷ lệ vay nợ thấp; Dòng tiền ổn định; Quỹ đất sạch và có thể mở bán trong thời gian gần.

Một số cổ phiếu cụ thể nhà đầu tư có thể xem xét: NLG (Đầu tư Nam Long, HOSE), KDH (Nhà Khang Điền, HOSE).

Ý kiến của bạn
(*) Nội dung bắt buộc cần có
0 bình luận
Xem thêm bình luận

Nhập thông tin của bạn

Đọc thêm