Số phận những phụ nữ nghèo đẻ thuê
Phát ngôn viên Tòa án thành phố Phnom Penh, Ly Sophana ,cho biết 11 phụ nữ đang mang thai và 4 người khác vừa bị buộc tội buôn người và lạm dụng trẻ em. 3 người nữa bị buộc tội âm mưu nhưng không xuất hiện.
Các nghi phạm bị cảnh sát đột kích và bắt giữ trong tuần trước với tội danh mang thai hộ và sinh đẻ ngoài giá thú. Đây là hành vi đã bị cấm từ tháng 11/2016 sau khi Campuchia trở thành điểm đến phổ biến của người nước ngoài tới tìm kiếm phụ nữ sinh con hộ. Người làm trung gian giữa cha mẹ nuôi và phụ nữ nhận mang thai sẽ nhận án 1-6 tháng tù giam.
Trong những năm gần đây, các nước đang phát triển trở thành nơi lý tưởng để tìm người mang thai hộ so với Australia hay Mỹ - nơi dịch vụ tương tự có thể có giá lên đến 150.000 USD. Ngành công nghiệp mang thai hộ bùng nổ ở Campuchia sau khi các nước Thái Lan, Ấn Độ và Nepal bắt đầu có những động thái siết chặt vòng kiểm soát các phố đèn đỏ. Nhằm lách luật cấm đẻ thuê ở Thái Lan, Ấn Độ và Nepal, các đường dây môi giới đã tìm cách chuyển địa điểm đẻ thuê sang Campuchia.
Nhiều phòng khám ở thủ đô Phnom Penh cung cấp dịch vụ IVF (thụ tinh trong ống nghiệm) và chuyển nhượng phôi thai. Sau đó các đường dây môi giới tiến hành dịch vụ chuyển phôi thai cho các cặp vợ chồng người nước ngoài. Đẻ thuê mang lại nguồn thu nhập lớn, giúp không ít phụ nữ đổi đời. Điều này khiến cho nhiều người tiếp tục đẻ thuê sẵn sàng sang Campuchia theo lời mời gọi của những người môi giới bất hợp pháp.
Tuy nhiên, những kẻ môi giới đã lợi dụng sự nhẹ dạ của nhiều phụ nữ để chèn ép, ăn chặn và đẩy họ vào tình trạng rủi ro. Chi phí trung bình cho một “giao kèo” đẻ thuê là từ 25.000-30.000 USD nhưng người đẻ thuê chỉ nhận được 7.000 USD - tương đương với số tiền có được từ việc làm thuê khoảng 6-7 năm. Những tay cò mồi nhận số tiền còn lại với mục đích chi trả cho dịch vụ thăm khám sức khỏe sản phụ và thai nhi. Thực tế, trong các hợp đồng đẻ thuê, người mẹ phải cam kết bất chấp tình trạng nguy kịch thế nào cũng phải chấp nhận duy trì mạng sống cho đến khi đứa trẻ chào đời. Chưa hết, họ phải gánh chịu mọi rủi ro về tâm lý, y tế mà không được “làm phiền” những người thuê mình cũng như bác sĩ hay bất cứ ai khác. Ngoài yêu cầu đến khám ở bệnh viện, họ không nhận được sự hướng dẫn nào khác, không được cảnh báo về những ảnh hưởng tinh thần sau khi đẻ thuê hay được giải thích về các giấy tờ liên quan đến pháp luật mà họ buộc phải ký.
Vào đầu tháng 7/2018, 33 phụ nữ Campuchia mang thai được thuê làm mẹ đẻ chính thức bị buộc tội buôn người và lạm dụng trẻ em trong khi một người đàn ông Trung Quốc và 4 phụ nữ Campuchia khác bị buộc tội quản lý và trung gian.
Cô Srey Pech (24 tuổi, ở tỉnh Kratie) là một trong những phụ nữ mang thai bị bắt và bị giam giữ trong 1 bệnh viện ở Phnom Penh với cảnh sát canh gác suốt ngày đêm. Srey lần cuối gặp mặt chồng cách đây 5 tháng, khi cô quyết định lên Phnom Penh để đẻ thuê. Phía cảnh sát cho hay, Công ty Fertility Solutions PGD thuê Srey đẻ thuê và trả 10.000 USD cho 1 ca sinh thành công. Cô được đưa trước 500 USD và mỗi tháng được cung cấp 300 USD, rồi đến ngày sinh nhận tiếp 6.000 USD cho gói dịch vụ đẻ thuê.
Sophat, chồng của Srey, cho biết mới chỉ gặp vợ 1 lần, khoảng 15 phút ở bệnh viện kể từ khi cô bị đưa vào đó. Sophat đã khuyên vợ không tham gia mang thai hộ vì sẽ bị tù tội nhưng do cần tiền, người vợ đã không nghe lời can ngăn của chồng.
Bà Chou Bun Eng - Chủ tịch Ủy ban Quốc gia chống buôn người Campuchia - cho biết đang cố gắng giúp đỡ 33 phụ nữ nói trên. Độ tuổi của các bà mẹ mang thai thuê dao động từ 20 đến trên 30 tuổi, hầu hết đến từ các tỉnh lân cận Phnom Penh. Vài người trong số họ đã kết hôn hoặc là góa bụa. “Luật sư của chúng tôi cố gắng giúp, nhưng không biết số phận của họ thế nào. Điều đó phụ thuộc vào câu trả lời của họ trước tòa”, bà Chou Bun Eng nói.
Theo bà Chou Bun Eng, họ không đáng bị xử phạt với tội buôn người, họ chỉ đẻ thuê vì cần tiền nhưng tòa không quan tâm điều đó mà chỉ muốn biết họ có ý định “bán” đứa trẻ để lấy tiền hay không. “Nếu họ thuyết phục được tòa rằng họ sẽ nuôi đứa trẻ và không đem chúng cho người khác, hy vọng họ sẽ được tự do”, bà Chou Bun Eng nói. Hiện Tổ chức Agape International Missions đang hỗ trợ pháp lý để giúp 33 phụ nữ trên tại ngoại.
Án tù cho nữ y tá người Australia làm “đầu nậu”
Vào tháng 7/2017, một tòa án Campuchia đã kết án 1 phụ nữ Australia và 2 tòng phạm người Campuchia 1 năm 6 tháng tù vì đã cung cấp các dịch vụ trung gian, tìm người đẻ thuê. Đó là nữ y tá người Australia Tammy Davis-Charles (49 tuổi) đã vi phạm luật cấm đẻ thuê. Tháng 8/2017, Tòa sơ thẩm Phnom Penh tuyên 18 tháng tù đối với bà Tammy Davis-Charles tội môi giới giữa người muốn có con với người đẻ thuê và làm giả giấy tờ.
Thẩm phán thành phố Phnom Penh, Sor Lina, cho biết, đường dây này hoạt động bất chấp Campuchia đã có lệnh cấm về đẻ thuê. Sau khi bị tòa phúc thẩm bác đơn kháng án, nữ y tá Tammy Davis-Charles vẫn muốn kháng án với lý do “có vấn đề về da và mắt”.
Theo hồ sơ của cảnh sát, bà Tammy Davis-Charles đã tới Campuchia mở phòng mạch và làm dịch vụ đẻ thuê bất hợp pháp từ năm 2015 sau khi dịch vụ này bị cấm ở Thái Lan. Sau hơn 1 năm hành nghề, đến tháng 11/2016, cảnh sát chống buôn người và bảo vệ trẻ em Phnom Penh đã bắt được bà Tammy Davis-Charles cùng 2 người Campuchia là y tá Samrith Chan Chakriya và công chức Bộ Thương mại Pich Rithy.
Theo lời khai của bà Tammy Davis-Charles, một số phụ nữ Campuchia đã được thuê đẻ từ tinh trùng và trứng của đàn ông và phụ nữ Australia. Trong khi được trả từ 50.000 USD đến 70.000 USD/ca nhưng bà Tammy Davis-Charles chỉ cho cho mỗi người đẻ thuê 10.000 USD/ca. Còn nữ công chức Bộ Thương mại Pich Rithy được nhận thêm từ 400 đến 1.500 USD để làm giấy khai sinh và các loại giấy tờ liên quan tới mỗi ca đẻ thuê.
Được biết, đã có 23 cặp vợ chồng người Australia và người Mỹ sử dụng dịch vụ của bà Tammy Davis-Charles. Giới truyền thông đưa tin, giá đẻ thuê ở Australia khoảng 150.000 USD/ca, nên số tiền đã chi cho bà Tammy Davis-Charles rẻ vào khoảng 1/3, còn những người trực tiếp “mang nặng đẻ đau” chỉ nhận chưa tới 1/10 số tiền kể trên.