pnvnonline@phunuvietnam.vn
“Bật mí” Tết của chuyên gia tâm lý gia đình
Gia đình Tiến sĩ tâm lý Bùi Hồng Quân
Tiến sĩ tâm lý Bùi Hồng Quân: Tết không thể thiếu những lời chúc và mong muốn duy nhất là người thân của mình thật vui
Hồi nhỏ, tôi luôn chờ đón Tết với sự háo hức, hồ hởi. Tết được mua những bộ đồ mới, được ăn nhiều món ăn ngon, được đi chơi, đi thăm mọi người suốt ngày và nhất là được nhiều tiền lì xì nên ký ức về Tết rất dễ thương. Đó là một món quà lớn đối với một đứa trẻ trong tuổi thơ của tôi.
Những ngày Tết vẫn có rất nhiều người nhắn tin, gọi điện để tôi hỗ trợ tư vấn các vấn đề của gia đình họ nảy sinh trong dịp Tết. Tóm gọn lại thành 3 nhóm vấn đề. Thứ nhất là câu chuyện của Tết nội Tết ngoại. Khi xây dựng gia đình thì một chốn bốn quê, về cơ bản chồng muốn về nội, vợ muốn về ngoại, câu chuyện này khó thống nhất mà thường vợ lép vế trong việc này nên thường là tâm sự của phụ nữ. Tôi nghĩ việc này cũng không khó giải quyết nếu vợ chồng cùng đưa ra nguyên tắc cho việc này. Ví dụ nhà nào có sự kiện trọng đại hơn thì sẽ ưu tiên về.
Thêm nữa, trong năm cũng có nhiều dịp để về quê nên có thể cân đối hài hòa việc này. Tết bên nội, bên ngoại hay ở chính nhà mình thì đều vẫn hướng về người thân, luôn trân trọng hỏi thăm, chúc Tết, gửi quà Tết đầy đủ thì sự kết nối gia đình nội ngoại sẽ luôn thân thiết, gắn bó.
Thứ hai là đối với người trẻ sinh giai đoạn sau này, cuộc sống bố mẹ bận rộn, rời quê đi làm ăn xa nên ít có thời gian gắn bó với ông bà, họ hàng, việc thăm hỏi bà con, họ hàng, lễ nghi ngày Tết đã mai một rồi nhưng ông bà, ba mẹ vẫn duy trì, các bạn trẻ thấy có những thứ rườm rà quá, phức tạp quá, khiến họ không thực sự thoải mái lắm.
Thứ ba là các bạn trẻ về quê hay gặp nhiều người, là họ hàng thật đấy nhưng không gặp nhau nhiều, chia sẻ nhiều và ai cũng thăm hỏi sao chưa lấy chồng, lấy vợ. Họ thấy ngại, thấy phiền vì bị hỏi như vậy, đến nỗi nhiều bạn trốn Tết, giả vờ có người yêu để không được "quan tâm thái quá".
Điều tôi nhất định làm cho những người thân yêu của mình khi Tết đến Xuân về được phân định thành các nhóm đối tượng. Đối với người lớn trong nhà như ông bà, bố mẹ, cô dì chú bác, tôi sẽ dành thời gian đến thăm hỏi hoặc gọi điện chúc Tết. Nó giống như một lời chào của thế hệ đi sau, dành những lời chúc, lời hỏi thăm, quà sức khỏe cho người lớn trong nhà.
Tôi vẫn giữ thói quen Tết gửi lời thăm, chúc Tết đến các thầy cô của mình. Đó là những người quan trọng đã giúp mình có sự trưởng thành về kiến thức và cuộc sống. Tôi cũng dành thời gian cho những người bạn, gặp nhau, trò chuyện cùng với nhau để có sự kết nối.
Không thể thiếu một điều là đối với vợ con. Đó là những lời chúc mừng, phần quà lì xì để những người thân yêu nhất của mình thực sự vui. Đó cũng là những thông điệp gửi gắm tới người thân yêu nhất trong một năm mới. Với tôi, chọn quà Tết cho vợ con không quá là khó, quan trọng nhất là tấm lòng.
Cuối cùng là những việc liên quan đến câu chuyện truyền thống, phong tục tập quán như mua đồ trang trí Tết như mâm ngũ quả, chuẩn bị mâm cơm bình dị để thắp hương cho ông bà, tổ tiên trong thời khắc đặc biệt của năm. Đó là dịp để chúng ta tưởng nhớ, nhìn lại và kết nối với những thế hệ đi trước của gia đình mình.
Tết là một truyền thống, một nét rất đẹp trong tâm thức người Việt nên có những điều tôi mong mỏi giữ được trong dịp Tết cho thế hệ con cháu mai này, giữ gìn nó, bảo tồn nó cho dù cuộc sống có hiện đại đến cỡ nào.
Thứ nhất là việc thăm hỏi, chúc Tết những người lớn trong gia đình, giúp các bạn trẻ hiểu nguồn cội, rằng mình được sinh ra, lớn lên và mình phải biết ơn những thế hệ đi trước. Đó cũng là một sự gắn kết giữa các thành viên, nhất là các thế hệ trong gia đình và dòng họ, giúp các bạn trẻ thấy xung quanh có nhiều mối quan hệ rất đáng trân trọng.
Thứ hai, dịp Tết là cơ hội cho mọi người để sum vầy cùng nhau, có thể không phải nhất thiết là trở về nhà nhưng nó là sự kết nối, cùng gặp mặt, cùng nhìn lại một năm mình đã làm được gì, chưa làm được gì so với mục tiêu đầu năm chúng ta đã đặt ra.
Mong đợi thứ ba là các bạn trẻ hiểu được giá trị của Tết, thời khắc đặc biệt của Tết, nhận thấy sau một năm rất bận rộn mình có thời gian nghỉ ngơi, hướng về những điều thiêng liêng của gia đình, của truyền thống.
Có thể cảm nhận rõ, khi đón Tết cùng nhau, khi gặp người thân, bạn bè hồ hởi chúc Tết nhau thì mọi người đều vui và hạnh phúc.
Chuyên gia tâm lý Phạm Thị Thúy: Tết nhất định về quê, năm nào cũng đặt vé máy bay từ tháng 10
Có rất nhiều kỷ niệm Tết nhưng Thúy muốn nhắc về bố, người vừa chia xa gia đình hơn 1 năm nay. Từ khi Thúy bé xíu, bố mẹ đã tạo một cái nếp cả nhà sẽ cùng nhau dọn dẹp nhà cửa đón Tết. Bố và Thúy thường quét mạng nhện rồi vôi ve lại tường nhà, cảm thấy rất hạnh phúc, vì khoác áo mới cho ngôi nhà của mình Thúy cũng nhớ cái Tết đầu tiên, cũng là duy nhất, gia đình nhỏ của mình không về quê đón Tết với bố mẹ hai bên nội ngoại. Năm đó Thúy mới sinh con nên chưa về quê được. Vợ chồng Thúy cố gắng tạo không khí Tết quê hương cho ngôi nhà nhỏ, cũng gói bánh chưng, làm giò chả, những món ăn ngày Tết truyền thống để hương vị Tết tràn ngập xung quanh mình.
Tết hiện đại khác với Tết xưa nhiều lắm, nhất là trong 5-10 năm gần đây. Nó thay đổi ở chỗ, chúng ta không có nhiều hoạt động mang tính truyền thống như hái lộc đêm Giao thừa, lên chùa hay rước kiệu chỉ còn ở một số vùng quê. Khi những hoạt động truyền thống giảm đi thì những hoạt động mang tính hiện đại tăng lên. Người trẻ bắt đầu đi du lịch. Họ cũng về nhà Tết nhưng sẽ về ngắn thôi.
Ngay như gia đình Thúy, bắt đầu từ Tết năm ngoái, gia đình đã không còn đủ đầy bên nhau. Bố của Thúy đã đi xa thật xa. Và con Thúy thì đi học bên Đức. Mình phải chấp nhận một trong những người thân của mình không còn nữa hoặc đang làm việc và học tập nơi xa. Gia đình Thúy không thể thực hiện được mong muốn một cái Tết sum vầy có đầy đủ các thành viên trong gia đình. Đó là một xu hướng, là sự khác biệt của Tết hiện đại.
Một sự khác biệt nữa của Tết hiện đại là đơn giản hóa mọi thủ tục, cúng kiếng. Ngày xưa, nhà chồng Thúy cúng các bữa trong ngày Tết nhưng giờ chỉ cúng 1 bữa thôi, phụ nữ trong nhà đỡ vất vả hơn. Các tục lệ ngày Tết khác như thăm hỏi lẫn nhau, sang nhà nhau ăn cơm cũng đơn giản hóa đi, chú trọng vào nghỉ ngơi, vui chơi nhiều hơn những lễ nghi như trước đây.
Năm nào Tết nhà Thúy cũng ưu tiên về quê thăm ông bà. Mọi năm 4 người về hết, năm nay chỉ có 3 người thôi, cảm xúc ngay khi mua 3 vé máy bay thôi đã buồn rồi. Mấy ngày Tết rất thương nhớ con. Rất may con đi học cùng đợt với nhiều bạn khác, con bớt cô đơn vì có nhiều bạn bè. Thêm nữa, con vẫn có thể video call cho bố mẹ, ông bà nên cả nhà vẫn kết nối được với nhau nhờ công nghệ hiện đại. Giá trị Tết lớn nhất của người Việt là sum vầy và tình thân. Tết là lúc con người dẹp mọi công việc lại để về với tổ tiên, ông bà. Dù là thế hệ nào, dù cuộc sống hiện đại ra sao Thúy cũng mong điều đó không mai một, thay đổi.
Việc cúng kiếng ngày Tết cần giữ gìn như một sự kết nối giữa các thế hệ, tưởng nhớ công ơn của tổ tiên, ông bà. Dâng hương, dâng hoa, dâng mâm cơm cúng tổ tiên rồi cùng quây quần ăn với nhau bữa cơm trong ngày Tết, có ý nghĩa rất lớn về sự sum họp gia đình. Nếu mình đơn giản quá, bỏ qua nếp nhà này, mình sẽ đánh mất ý nghĩa sum vầy của ngày Tết.
Việc thứ hai Thúy mong gìn giữ được là nếp nhà trong ngày Tết. Như tục lệ mừng tuổi, chúc Tết ông bà, người lớn trong nhà, trong họ hàng, trong làng, trong cộng đồng, nhất là các cụ đang ốm đau, bệnh tật của thế hệ con cháu, nhất là những người con đi xa về. Rồi tục lệ mừng tuổi cho các con, cháu bé trong nhà cũng nên duy trì. Đây là một sự quan tâm đến trẻ, gửi gắm vào đó những lời chúc các cháu chăm ngoan, chăm học, là một tục lệ đẹp nên giữ dù xã hội có hiện đại đến thế nào. Thúy còn có thói quen mừng tuổi thêm một vài cuốn sách ý nghĩa ngày Tết cho các con, cháu trong nhà, khuyến khích các con đọc sách nhiều hơn, không dành quá nhiều thời gian với các thiết bị công nghệ. Nếu gia đình có điều kiện cho con, cháu một khoản lớn thì nên giao cho bố mẹ các cháu.
Thúy đặc biệt ưu tiên việc Tết về quê và ở bên người thân của mình. Cơ quan luôn tạo điều kiện cho Thúy có cha mẹ già ngoài Bắc nên thường không phân công lịch trực hay làm việc cho Thúy dịp Tết. Trừ một năm con nhỏ không về quê ăn Tết được, nhà Thúy đã duy trì việc này như một lẽ đương nhiên, một tập tục, thói quen không thể thiếu. Thúy luôn đặt vé máy bay về quê ăn Tết từ tháng mười hàng năm. Món ăn Tết của người Bắc luôn được ông bà nội ngoại chuẩn bị đầy đủ chờ đón con cháu. Thúy thích món miến nấu lòng gà thơm nức hành tỏi phi và xanh dịu mát hành mùi, chỉ ngửi thôi đã sực mùi Tết rồi.
Thúy có nhận các cuộc gọi, nhắn tin tư vấn dịp Tết. Họ phát sinh vấn đề và cần mình nên lúc nào Thúy cũng thu xếp trả lời hoặc nhắn tin hồi đáp hỗ trợ.
Một tâm sự nhiều nhất của dịp Tết, rất may vài năm gần đây đã giảm nhiều rồi, đó là gánh nặng của phụ nữ khi thực hiện quá nhiều tục lệ Tết và gánh nhiều việc dọn dẹp, nấu nướng quá, làm thế nào để chồng con chia sẻ, làm thế nào để thuyết phục bố mẹ hai bên giảm bớt các thủ tục Tết rườm rà. Thúy khuyên họ, mình là người chịu trách nhiệm chính những việc này nên hãy chủ động, sắp xếp để mình nhàn nhất có thể, bớt vất vả nhất có thể và kéo chồng con vào cùng làm.
Tâm sự thứ hai là Tết về các con online, xem điện thoại, các thiết bị công nghệ quá nhiều, không đụng tay đụng chân việc nhà, không dành nhiều thời gian nói chuyện với ông bà, họ hàng. Các con ở thành phố về quê cũng hơi khó gần gũi, thích nghi, khó hòa nhập với không khí chung, nhất là các bé tuổi teen với cuộc sống ở quê, phải nhớ quá nhiều người, quá nhiều mối quan hệ… Cho nên bố mẹ hãy kể cho các con nghe nhiều hơn về mọi thứ, mọi người ở quê. Các câu chuyện sẽ kéo gần khoảng cách, làm các con gần gũi hơn với quê, với những người thân mà mỗi năm chỉ gặp một lần trong quãng thời gian ít ỏi.
Tâm sự nữa là có một vài trường hợp cãi nhau ngày Tết. Vợ chồng mâu thuẫn, xung đột trong việc đi chúc Tết, mua quà Tết, Tết bên nội, Tết bên ngoại, chỉ là về mấy ngày thôi cũng có thể tranh luận gay gắt rồi. Họ cảm thấy khó dung hòa vì ai cũng cương lên bảo vệ chính kiến của mình, đôi khi gây nên những mâu thuẫn không đáng có.
Được mọi người tin tưởng, chia sẻ và giúp được họ là niềm vui của Thúy nên Thúy không bao giờ thấy phiền với những bận rộn ấy. Nhiều khi chỉ là sự lắng nghe, chia sẻ kịp thời mà mình có thể làm cho những ngày Tết của cả một gia đình trở nên nhẹ nhõm hơn.