pnvnonline@phunuvietnam.vn
Bất ngờ vì ngồi ăn ở vỉa hè bị xử phạt vì không đeo khẩu trang
Ảnh minh họa: ST
Có ai ăn uống mà đeo khẩu trang không?
Mới đây, 3 người ngồi ăn nhậu trên vỉa hè bị lực lượng chức năng TP.HCM xử phạt 6 triệu đồng do không đeo khẩu trang. Phía cơ quan chức năng cho rằng, nhóm nhậu đã được nhắc đeo khẩu trang nhưng vẫn không chấp hành nên mới phải phạt.
Sau khi thông tin trên được chia sẻ, nhiều ý kiến cho rằng 3 người trên thiếu ý thức phòng dịch nơi công cộng nên phải xử phạt. Đây là lời nhắc nhở cần thiết cho người dân bởi thực tế vẫn còn nhiều người lơ là phòng dịch nơi công cộng. Tuy nhiên, cũng có nhiều ý kiến băn khoăn, bởi khi đó 3 người đang ăn uống.
"Có ai đi ăn uống mà đeo khẩu trang không. Chả nhẽ, gắp đồ ăn xong cho vào miệng rồi lại đeo khẩu trang à. Tôi chưa thấy nơi nào mà xử phạt hành vi không đeo khẩu trang khi ăn uống. Bởi nếu xét là nơi công cộng thì các nhà hàng, quán xá cũng là nơi công cộng. Nếu xử phạt thì cơ quan chức năng cũng phải phạt những người ăn uống trong nhà hàng mà không đeo khẩu trang", chị Trần Thị Hằng (quận Gò Vấp, TP.HCM), nói.
Theo quy định của Nghị định 117, người dân không đeo khẩu trang nơi công cộng có thể bị phạt từ 1 triệu đến 3 triệu đồng. Thời gian qua, TP.HCM là một trong những nơi thực hiện quyết liệt việc kiểm tra, xử lý người dân không đeo khẩu trang nơi công cộng. Chỉ riêng phường Phạm Ngũ Lão (quận 1), lực lượng chức năng đã xử phạt 9 người không đeo khẩu trang nơi công cộng theo quy định, với tổng số tiền 18 triệu đồng.
Tuy nhiên, nhiều người cho rằng đây là số tiền quá cao, nhất là so với thu nhập của người dân nông thôn thì 3 triệu đồng tương đương 5 tạ thóc. Ông Nguyễn Thế Công, Phó Chủ tịch UBND huyện Phú Xuyên (Hà Nội), cho rằng, với đặc thù văn hóa nông thôn nên việc đeo khẩu trang chưa thực hiện nghiêm túc. Trong khi đó, mức phạt từ 1 triệu đến 3 triệu đồng so với đời sống chủ yếu làm nông nghiệp của người dân là quá cao. Trước đây, các đoàn kiểm tra của huyện xử phạt được 165 trường hợp, theo quy định cũ phạt từ 100.000 đồng đến 300.000 đồng, nhưng nay dù đã thành lập 3 đoàn kiểm tra nhưng chưa phạt được trường hợp nào.
Còn tại khu vực hồ Hoàn Kiếm (Hà Nội), lực lượng chức năng thường xuyên nhắc nhở du khách và người dân đeo khẩu trang. Những trường hợp chống đối, cố tình không đeo khẩu trang thì bị xử phạt theo quy định.
Theo thống kê, khi áp dụng phạt theo Nghị định 176, lực lượng chức năng địa bàn quận Hoàn Kiếm đã xử lý, phạt hành chính khoảng 600 trường hợp không đeo khẩu trang, nộp ngân sách trên 100 triệu đồng. Tuy nhiên, với mức phạt tăng nặng từ 1 triệu đến 3 triệu đồng theo Nghị định 117, quận đang tập trung phương thức tuyên truyền, nhắc nhở là chủ yếu chứ chưa xử phạt.
Tại Trung tâm thương mại Royal City (quận Thanh Xuân, Hà Nội), mỗi ngày có hàng ngàn người đi mua sắm, tham quan hay tập thể dục. Trong đó, có nhiều người không đeo khẩu trang nhưng cũng không thấy ai nhắc nhở, xử phạt.
"Trước đây, mỗi khi vào khu trung tâm thương mại đều có người đứng bên cạnh cầu thang nhắc đeo khẩu trang, đo nhiệt độ và trang bị nước sát khuẩn nhưng nay đều không còn nữa. Trong khi đó, nhiều du khách từ nơi khác đến không thực hiện đeo khẩu trang theo quy định khiến nguy cơ lây lan dịch bệnh rất cao", bà Trần Thị Lưỡng (khu đô thị Royal City), chia sẻ.
Nhắc nhở là chính
Luật sư Lê Văn Hùng (Đoàn Luật sư Hà Nội) cho rằng, nơi công cộng được xem là những nơi phục vụ chung cho nhu cầu của nhiều người, nơi đông người và vỉa hè cũng được xem là nơi công cộng. Vì thế, việc xử phạt người dân không đeo khẩu trang tụ tập trên vỉa hè là có cơ sở. Hơn nữa, trong bối cảnh dịch diễn biến phức tạp như hiện nay, mọi người cần có biện pháp phòng, chống dịch tại nơi công cộng, cụ thể là phải đeo khẩu trang, giữ khoảng cách theo hướng dẫn của cơ quan y tế.
Về vấn đề này, bà Trần Thị Trang, Phó Vụ trưởng Vụ Pháp chế (Bộ Y tế), cho rằng, trước đây Nghị định 176 quy định phạt từ 100.000 đồng đến 300.000 đồng đối với hành vi không đeo khẩu trang nơi công cộng. Mức phạt này là phù hợp với đa số người dân. Tuy nhiên, hiện nay tình hình dịch bệnh rất phức tạp, nguy cơ lây nhiễm bệnh rất cao. Trong khi đó, mức phạt của Nghị định 176 độ răn đe không cao nên nhiều người xem thường, sẵn sằng móc ví nộp phạt nếu vi phạm dẫn đến "nhờn luật".
Bà Trần Thị Trang cho rằng, với công tác phòng, chống dịch, chỉ một hành động nhỏ nhưng sơ sểnh là có thể gây ra hậu quả khôn lường. Do đó, việc tăng nặng xử phạt theo Nghị định 117 để người dân nghiêm túc thực hiện là cần thiết.
Bà Trần Thị Trang cũng cho biết, hiện nay lực lượng chức năng chủ yếu là tuyên truyền. Những trường hợp cố tình không đeo khẩu trang sau khi đã nhắc nhở thì mới xử phạt. "Mục tiêu của phòng chống dịch là để phòng chứ không phải chống. Chúng ta không mong muốn là phải chống dịch mà mong muốn dịch không xảy ra. Muốn như vậy, người dân cần thực hiện đầy đủ các khuyến cáo của cơ quan y tế", bà Trang chia sẻ.