Bất thường vụ ly hôn của vợ chồng cà phê Trung Nguyên: Quyết định khó hiểu của thẩm phán

28/05/2019 - 07:00
PNVN đã phản ánh những bất thường trong quá trình thụ lý giải quyết vụ án ly hôn của vợ chồng chủ cà phê Trung Nguyên từ phía thẩm phán Nguyễn Văn Xuân. Trong bài báo này, PV nhận thấy một thẩm phán khác của TAND cấp cao tại TPHCM cũng có việc làm bất thường ngay trước khi nghỉ hưu.

Bất thường tiếp theo trong quá trình thụ lý giải quyết vụ án này là việc ban hành Quyết định giải quyết khiếu nại số 01/2017/QĐ-HN-GĐKTIII ngày 28/9/2017 ký bởi ông Lý Khánh Hồng, nguyên Phó chánh án TANDCC tại TP HCM liên quan đến việc tách yêu cầu chia tài sản chung là số cổ phần tại công ty Trung Nguyên Singapore (TNS) do bà Thảo là chủ sở hữu ra khỏi vụ án ly hôn để giải quyết trong một vụ án khác.

 

bathaoongvu.jpg
Bà Lê Hoàng Diệp Thảo và ông Đặng Lê Nguyên Vũ

 

Trước đó, ngày 22/5/2017, phía thẩm phán Nguyễn Văn Xuân đã ban hành Quyết định số 42/2017/QĐST-DS (Quyết định 42) để tách yêu cầu chia tài sản chung là số cổ phần tại công ty Trung Nguyên Singapore (TNS) ra thành một vụ án khác để giải quyết.

Ngày 02/6/2017, bà Thảo đã có đơn khiếu nại Quyết định 42 và ngày 07/7/2017, Chánh án TAND TP HCM, bà Ung Thị Xuân Hương đã chấp nhận khiếu nại và ban hành Quyết định số 61/2017/QĐST-DS (Quyết Định 61), tiếp tục đưa TNS vào khối tài sản chung để phân chia trong vụ á ly hôn.

Ngày 14/7/2017, bà Ước (mẹ ông Vũ), bà Thùy và TNG đã có đơn khiếu nại Quyết định 61 đến TAND cấp cao để yêu cầu TAND cấp cao hủy bỏ Quyết định 61, khôi phục hiệu lực của Quyết định 42 với cùng lý do như đã nêu trên. 

Bất ngờ, vào ngày 31/10/2017, bà Thảo được các luật sư tư vấn và đại diện cho bà tại Singapore cho biết: Đại diện của ông Vũ đã cung cấp cho Tòa án Singapore Quyết định số 01/2017/QĐ-HN-GĐKTIII ngày 28/9/2017 (Quyết định 01) được ký bởi ông Lý Khánh Hồng, qua đó hủy Quyết định 61 và khôi phục lại Quyết Định 42. Quyết định 01 cũng tồn tại nhiều bất thường và sai phạm như sau:

Theo quy định, mọi quyết định giải quyết khiếu nại của Tòa án đều phải được gửi cho người khiếu nại, đương sự có liên quan và nếu là quyết định của Chánh Án còn phải được gửi cho Viện KSND cùng cấp. Tuy nhiên, cho đến nay bà Thảo không hề được tống đạt Quyết định 01 nói trên của TAND cấp cao. Điều kỳ lạ là Quyết định 01 cũng không được TAND cấp cao chuyển cho TAND TP HCM - là Tòa án có thẩm quyền và đang giải quyết vụ án ly hôn của bà Thảo, mặc dù phần nơi nhận của Quyết định 01 có nêu rõ đương sự và TAND TP HCM là đối tượng nhận Quyết định 01 này.

Kỳ lạ hơn, Thẩm Phán Nguyễn Văn Xuân là Thẩm phán được phân công giải quyết vụ án ly hôn này cũng đã có Văn bản số 1085/TATP-TLĐ, ngày 13/3/2018, xác nhận: “Hiện nay, trong hồ sơ vụ án chỉ có duy nhất một Quyết định do ông Phước đã cung cấp. Ngoài ra, Tòa án nhân dân Thành phố Hồ Chí Minh không nhận được bất cứ các Quyết định nào khác”.

 

b11.jpg
Thẩm phán Nguyễn Văn Xuân đọc bản án tại phiên tòa sơ thẩm

Tại phần ký tên của Quyết định 01 thể hiện rằng việc ông Hồng ký tên trên quyết định này là ký thay cho Chánh án TAND cấp cao, tức là quyết định này buộc phải được gửi cho Viện KSND cấp cao tại TP HCM, là Viện kiểm sát cùng cấp với TAND cấp cao. Tuy nhiên, tại phần nơi nhận của Quyết Định 01, Viện KSND cấp cao tại TP HCM lại không phải là một đơn vị được nhận Quyết định 01 để thực hiện chức năng kiểm sát của mình.

Đó là chưa kể đến việc ông Hồng đã ban hành Quyết định 01 mà không xem xét, đánh giá đầy đủ các chứng cứ hay xác minh các tình tiết, diễn biến của các sự việc có liên quan trước khi ký ban hành Quyết định 01 để hủy Quyết định 61 của Chánh án TAND TP HCM, khi mà vụ kiện số HC/S 1206/2015 về việc xác định quyền sở hữu số cổ phần và quyền tài sản tại Công ty Trung Nguyên International (Singapore) đã được Toà án Tối cao nước Cộng hoà Singapore giải quyết bằng quyết định số HC/ORC 6254/2015 ngày 11/8/2016 về việc đình chỉ xét xử giải quyết cho đến khi có phán quyết cuối cùng của vụ kiện ly hôn đang được xét xử tại Việt Nam.

Một điều trùng hợp khác là Quyết định giải quyết khiếu nại số 01/2017/QĐ-HN-GĐKTIII ngày 28/9/2017 được ký bởi ông Lý Khánh Hồng chỉ hai ngày trước khi ông Hồng về hưu, kết thúc thời gian làm việc tại TAND Cấp cao tại TP HCM.

Ngoài những bất thường như đã nêu trên, quá trình thụ lý vụ án này, thẩm phán Nguyễn Văn Xuân đã vội vàng đưa vụ án ra xét xử trong khi đang vi phạm nghiêm trong thủ tục tố tụng về định giá và kiểm toán tài sản.

Cụ thể: ngày 03/08/2018, Thẩm phán Nguyễn Văn Xuân ban hành Quyết định đưa vụ án ra xét xử số 3446/2018/QĐXXST-HNGĐ về việc mở phiên tòa xét xử vụ án ly hôn vào ngày 05/09/2018. Như vậy thời hạn chuẩn bị xét xử vụ án đã chấm dứt từ thời điểm nêu trên.

Tuy nhiên, thật kỳ lạ là sau thời điểm này, thẩm phán Xuân vẫn tiếp tục triệu tập các đương sự đến làm việc vào các ngày 14/08/2018 và tiếp đó là ngày 29/08/2018. Điều này cho thấy sự vội vàng của thẩm phán Nguyễn Văn Xuân, bất kể việc vi phạm các quy định về tố tụng, cụ thể:

Việc định giá theo quyết định của Tòa án chưa được thực hiện, chưa có kết luận về giá đối với tài sản yêu cầu định giá, là chứng cứ quan trọng để giải quyết vụ án.

Chưa thực hiện việc kiểm toán theo quyết định trưng cầu kiểm toán mà tòa án đã ban hành.

Nhận thấy những vi phạm nghiêm trọng nêu trên, đến ngày 30/08/2018, thẩm phán Xuân đã ban hành công văn số 5174/TATP-TLĐ gián tiếp thừa nhận vi phạm khi ban hành quyết đinh Quyết định đưa vụ án ra xét xử số 3446/2018/QĐXXST-HNGĐ, để khắc phục các sai phạm nghiệm trọng về thủ tục tố tụng để cố tình đưa vụ án ra xét xử khi việc thu thập chứng cứ chưa đầy đủ bằng cách gượng ép, quy chụp và vi phạm các quyền và lợi ích hợp pháp của bà Thảo.

Được biết, sau khi xét xử sơ thẩm vụ án này một thời gian ngắn, thẩm phán Xuân cũng đến tuổi nghỉ hưu. 

Bên cạnh những bất thường nên trên, qua nghiên cứu hồ sơ vụ án, chúng tôi nhận thấy còn rất nhiều dấu hiệu vi phạm pháp luật khác trong quá trình thụ lý, xét xử vụ án này và phunuvietnam.vn sẽ tiếp tục thông tin trong những bài báo khác.

Ý kiến của bạn
(*) Nội dung bắt buộc cần có
0 bình luận
Xem thêm bình luận

Nhập thông tin của bạn

Đọc thêm