pnvnonline@phunuvietnam.vn
Bất tiện khi làm thủ tục hành chính vì sổ hộ khẩu giấy đã bị thu hồi
Hiện nay, việc giải quyết nhiều thủ tục hành chính vẫn yêu cầu sổ hộ khẩu giấy. Ảnh minh họa
Gặp khó khi làm giấy khai sinh cho con
Chị Nguyễn Thị Nhung (quận Hai Bà Trưng, Hà Nội) cho biết: "Vợ chồng tôi kết hôn hồi tháng 4 năm nay. Sau đó, chồng tôi có mang sổ hộ khẩu ra phường để xin xác nhận nhập khẩu cho tôi. Khi có tên tôi trong sổ hộ khẩu nhà chồng thì quyển sổ hộ khẩu đã được cán bộ phường thu lại. Đến tháng 8, vợ chồng tôi đi đăng ký khai sinh cho con nhưng cán bộ phường vẫn yêu cầu phải xuất trình sổ hộ khẩu để xác minh thông tin. Chồng tôi phải đi làm các thủ tục theo hướng dẫn của cán bộ phường, mất mấy ngày mới làm xong cái giấy khai sinh cho con. Theo tôi tìm hiểu thì CCCD gắn chip đã có đầy đủ thông tin rồi, tại sao vẫn yêu cầu người dân phải xuất trình sổ hộ khẩu giấy nữa?".
Chị Giang (quận Hoàng Mai, Hà Nội) kể, gia đình chị có người thân vừa mất. Chị muốn bỏ tên người mất khỏi sổ hộ khẩu nhưng nếu làm việc này thì quyển sổ hộ khẩu của gia đình chị sẽ bị thu lại, kéo theo nhiều khó khăn khi thực hiện các thủ tục hành chính đòi hỏi sổ hộ khẩu giấy. Vì vậy, gia đình chị quyết định không thay đổi thành viên trong sổ hộ khẩu nữa. Gần đây, con chị làm thủ tục xin visa đi nước ngoài và được yêu cầu phải có sổ hộ khẩu giấy. Chị thấy thật may mắn khi quyết định không điều chỉnh thông tin trong sổ hộ khẩu giấy.
Chị Lê Thị Thùy (35 tuổi, tỉnh Hưng Yên) cho biết, vợ chồng chị đều đã có CCCD gắn chip. Tuy nhiên, khi đi làm các thủ tục hành chính, chị vẫn mang theo sổ hộ khẩu giấy… cho chắc. "Ở địa phương tôi, từ trước đến nay đi làm các thủ tục như: mua bán đất, đăng ký kết hôn, làm giấy khai sinh cho con… cán bộ vẫn yêu cầu phải có sổ hộ khẩu. Bây giờ có CCCD gắn chip rồi cũng không có thay đổi gì", chị Thùy nói.
"Do thông tin chưa đồng bộ, đầy đủ trên cổng dịch vụ công"
Một cán bộ phường tại quận Đống Đa (Hà Nội) cho biết, thời gian gần đây, bộ phận một cửa tiếp nhận nhiều thủ tục hành chính liên quan đến sổ hộ khẩu. "Các thủ tục như khai sinh, kết hôn, báo tử, thay đổi hộ tịch... đều là những công việc yêu cầu phải có sổ hộ khẩu. Vai trò của sổ hộ khẩu ở đây là để xác định thẩm quyền giải quyết hồ sơ của công dân. Hiện nay, cổng dịch vụ công có tích hợp về thông tin cư trú nhưng lại chưa thể hiện cụ thể thời gian công dân đó ở trong thời gian nào đến thời gian nào. Có trường hợp xác minh tình trạng hôn nhân còn yêu cầu theo từng giai đoạn nên vai trò của sổ hộ khẩu giấy vẫn rất quan trọng", vị cán bộ phường này cho biết.
Trong trường hợp công dân bị thu sổ hộ khẩu giấy, công dân phải làm việc với Công an phường để xin giấy xác nhận cư trú. Sau khi có giấy xác nhận cư trú thì UBND phường sẽ thực hiện các bước tiếp theo theo quy định. Một cán bộ xã thuộc huyện Khoái Châu (tỉnh Hưng Yên) cho biết, hiện tại địa phương này vẫn dựa vào các thông tin trong sổ hộ khẩu để xác nhận, làm các thủ tục hành chính cho người dân, do thông tin của cư dân chưa được đồng bộ, đầy đủ trên cổng dịch vụ công. "Thời gian tới, khi cổng dịch vụ công đã thể hiện đầy đủ các thông tin cá nhân của người dân, khi làm thủ tục, chúng tôi sẽ không yêu cầu người dân mang theo sổ hộ khẩu giấy nữa", vị cán bộ này nói.
Thu hồi sổ hộ khẩu để tránh sử dụng thông tin cũ sai lệch với dữ liệu quốc gia
Trả lời báo chí, trung tá Vũ Hoàng Đạt, Trưởng Phòng Tham mưu, Cục Cảnh sát quản lý hành chính về trật tự xã hội, Bộ Công an, nguyên Phó Giám đốc Trung tâm dữ liệu quốc gia về dân cư, cho biết: Theo Quy định tại khoản 3, điều 38 Luật Cư trú, sổ hộ khẩu, sổ tạm trú giấy có hiệu lực đến ngày 31/12/2022 và có giá trị xác định nơi cư trú của công dân. Trong khoảng thời gian từ ngày 1/7/2021 đến ngày 31/12/2022, khi công dân thực hiện các thủ tục đăng ký cư trú hoặc điều chỉnh các thông tin về cư trú, dẫn đến sự thay đổi các thông tin trong sổ hộ khẩu giấy thì cơ quan công an có trách nhiệm thu hồi sổ hộ khẩu giấy và cập nhật các thông tin của công dân vào cơ sở dữ liệu quốc gia về dân cư và cơ sở dữ liệu quốc gia về nơi cư trú. Như vậy, khi Luật Cư trú có hiệu lực, Bộ Công an sẽ không cấp mới sổ hộ khẩu, sổ tạm trú".
Theo quy định pháp luật, trong sổ hộ khẩu có các thông tin về nhân thân công dân, các thông tin về hộ gia đình, các thông tin về thành viên trong gia đình và thông tin nơi cư trú. Khi có sự thay đổi các thông tin, công dân đến cơ quan đăng ký cư trú sẽ được tiến hành các thủ tục về đăng ký cư trú hoặc điều chỉnh thông tin của công dân trong sổ hộ khẩu. Như vậy sẽ dẫn đến sự thay đổi thông tin của công dân trong sổ hộ khẩu với dữ liệu quốc gia về dân cư, cơ sở dữ liệu quốc gia về nơi cư trú. Vì vậy, Luật Cư trú quy định, khi công dân có sự thay đổi về hộ khẩu thì cơ quan công an sẽ có trách nhiệm thu hồi sổ hộ khẩu đó để tránh người dân tiếp tục sử dụng sổ hộ khẩu có thông tin cũ sai lệch với 2 cơ sở dữ liệu trên để thực hiện các thủ tục hành chính khác.
Trung tá Vũ Hoàng Đạt giải thích thêm, theo quy định của Luật Cư trú, Luật Căn cước công dân và các văn bản hướng dẫn thi hành, Căn cước công dân gắn chip, thông báo số định danh cá nhân và xác nhận thông tin về nơi cư trú là những giấy tờ của cơ quan có thẩm quyền cấp và có giá trị chứng minh nơi thường trú của công dân. Công dân có thể sử dụng các giấy tờ này chứng minh nơi thường trú để thực hiện các thủ tục hành chính.