Bé 10 tuổi nguy kịch vì đắp lá thuốc trị rắn hổ mang cắn

17/08/2018 - 17:13
Con bị rắn hổ mang cắn vào tay, thay vì đưa đến bệnh viện cấp cứu, gia đình lại dùng thuốc lá và hạt đậu lào đắp vào vết cắn khiến bé V. bị hoại tử ngón tay IV, V trái, hoại tử thâm đen diện rộng cánh tay trái.
Ngày 17/8, bác sĩ Nguyễn Thành Nam, Phụ trách Khoa Nhi (BV Bạch Mai, Hà Nội) cho biết, khoa đang điều trị cho bệnh nhi T.K.V. (10 tuổi, ở Bắc Kạn) bị rắn độc cắn.
 
Gia đình cho biết, bé V. bị rắn hổ mang bành cắn vào mu bàn tay trái khi đang đi chăn bò trên đồi. Tuy nhiên, gia đình đã không đưa bé vào BV mà dùng thuốc lá và hạt đậu lào đắp vào vết cắn. Sau đó vài giờ, V. xuất hiện đau nhức, sưng nề, hoại tử lan rộng, gia đình mới đưa con đến BV Đa khoa Bắc Kạn rồi chuyển xuống BV Bạch Mai.
 
Theo bác sĩ Nam, BV tiếp nhận bệnh nhi trong tình trạng hoại tử rộng mu bàn tay trái (chỗ bị rắn cắn), hoại tử ngón tay IV, V trái, hoại tử thâm đen diện rộng cánh tay trái, lan ra vùng cổ và hố thượng đòn, cơ ngực lớn trái.
10t.jpg
Bác sĩ Nguyễn Thành Nam đang chăm sóc cho bệnh nhi V. 

Ngay sau đó, bác sĩ đã cho bệnh nhi làm các xét nghiệm cơ bản, rối loạn đông máu và được chỉ định sử dụng dùng huyết thanh kháng nọc rắn hổ đất. Tuy nhiên, do bệnh nhân đến viện muộn khi vết hoại tử đã sưng nề, phát triển lan rộng nên tuy có dấu hiệu phục hồi song liệu trình điều trị cho bệnh nhi sẽ còn nan giải.

 

Theo các bác sĩ, sau khi đã điều trị đủ huyết thanh kháng độc và kháng sinh sẽ phải hội chẩn ngoại khoa và chuyển viện bỏng quốc gia để xử trí vết thương và hoại tử tại chỗ.
 
Bác sĩ Nam cho biết, hiện tại đang là mùa mưa - mùa sinh sôi phát triển của rắn. Vì vậy, gần đây BV tiếp nhận nhiều bệnh nhi bị rắn độc cắn. Trong đó, nhiều bệnh nhân đến BV Bạch Mai trong tình trạng muộn, khi xuất hiện tình trạng sưng nề, hoại tử lan rộng. Có những bệnh nhân rắn cắn ở vùng mắt cá chân, ngón chân nhưng khi bệnh nhân sưng nề đến đùi hoặc gối mới đến viện.
 
Theo bác sĩ Nam, nhiều trường hợp khi bị rắn cắn, người thân áp dụng kinh nghiệm dân gian, chỉ đến khi có các biểu hiện của suy hô hấp (tím tái, co cơ, khó thở…) hoặc sưng nề hoại tử diện rộng thì mới đưa bệnh nhân đến các cơ sở y tế.

Các bước sơ cứu khi bị rắn cắn:

- Động viên bệnh nhân bình tĩnh để làm các động tác sơ cứu, tìm cơ sở y tế tốt nhất có thể đến cấp cứu kịp thời.

- Không để bệnh nhân tự đi lại; bất động chân, tay bị rắn cắn bằng nẹp.

- Băng ép bất động khi bị một số loại rắn hổ cắn.

- Đưa bệnh nhân đến cơ sở y tế, đồng thời duy trì băng ép, bất động.

- Nếu bệnh nhân khó thở thì hô hấp nhân tạo (hà hơi thổi ngạt hoặc bằng phương tiện y tế có tại chỗ như bóp bóng, máy thở xách tay...)

- Không nên mất thời gian đi tìm thuốc lá hoặc thầy lang làm kéo dài thời gian chờ đợi của bệnh nhân, vì đến BV muộn sẽ mất cơ hội

Ý kiến của bạn
(*) Nội dung bắt buộc cần có
0 bình luận
Xem thêm bình luận

Nhập thông tin của bạn

Đọc thêm