Bé 5 tuổi bị nát bàn tay vì máy xay thịt

29/01/2018 - 16:55
Trong lúc người lớn sơ ý, bé nghịch cho tay vào máy xay thịt. Người nhà phát hiện hốt hoảng tắt máy xay thịt nhưng bàn tay phải của bé đã bị xay nát.
Ngày 29/1, trao đổi với PNVN, đại diện khoa Hồi sức cấp cứu (BV Việt Đức) cho biết, vừa tiếp nhận và điều trị cho bệnh nhi N.A. (5 tuổi, ở Phú Thọ) bị máy xay thịt xay nát bàn tay phải.

Gia đình cho biết, trước đó bé chơi ở nhà gần chiếc máy xay thịt đang hoạt động. Trong lúc người lớn sơ ý, bé nghịch cho tay vào máy xay thịt. Người nhà phát hiện hốt hoảng tắt máy xay thịt nhưng bàn tay phải của bé đã bị xay nát. Ngay sau đó, người nhà vội vàng tháo máy cùng bàn tay cháu mắc kẹt trong đó đưa xuống BV Việt Đức cấp cứu.

Theo hồ sơ bệnh án, bệnh nhi nhập viện lúc 20h ngày 25/1 trong tình trạng bàn tay phải đang được đút trong chiếc máy xay thịt, bé sốc do mất máu... Ngay lập tức, các bác sĩ đã tiến hành hồi sức cấp cứu cho bé. Tuy nhiên, các bác sĩ không thể cứu được bàn tay cho bé.
26758261_1800192703332238_2361673255336201542_o.jpg
Bệnh nhi được đưa xuống BV Việt Đức cấp cứu với bàn tay trong máy xay thịt

Gần đây, tại các BV, nhiều trẻ đã phải cấp cứu do sự bất cẩn của người lớn. Trước đó, BV Nhi TƯ tiếp nhận trường hợp bé L.B.V (2 tuổi, ở Cao Bằng) nhập viện trong tình trạng khó thở, ho, suy hô hấp, nôn nhiều, đau bụng.

Theo chia sẻ của gia đình, trước đó bé có nhặt được chai nước ở ngoài đường nên uống. Ngay sau uống, bé có biểu hiện nôn, khó thở. Gia đình nghi ngờ chai nước là hóa chất nên vội đưa bé đến cơ sở y tế địa phương sơ cứu, rồi chuyển tới BV Nhi TƯ. Qua thăm khám và xét nghiệm, các bác sĩ phát hiện cháu bị chảy máu đường tiêu hóa. Các bác sĩ nghi ngờ bé uống phải hóa chất là thuốc diệt cỏ nên tiến hành cấp cứu.

Theo thống kê của Bộ LĐTB&XH, trung bình mỗi năm, cả nước xảy ra từ 130.000 -150.000 vụ tai nạn thương tích ở trẻ em, như đuối nước, bỏng, vật nhọn đâm…

Theo các chuyên gia, tai nạn thương tích hoàn toàn có thể phòng tránh được, trong đó, vai trò của các bậc cha mẹ và người chăm sóc trẻ hết sức quan trọng. Để đề phòng tai nạn thương tích trẻ em, các bậc phụ huynh không nên để trẻ đến gần những nơi nguy hiểm như: Bếp than, lò sưởi và các thiết bị điện... Mặt khác, trẻ nhỏ thường hiếu động, thích leo trèo. Vì thế, cầu thang phải có lan can, cửa sổ, ban công phải có rào chắn bảo vệ. Ngoài ra, tuyệt đối không cho trẻ tiếp xúc với các vật sắc nhọn như dao, kéo, mảnh kính vỡ hoặc các vật nhỏ dễ gây hóc như cúc áo, đồng xu, viên bi, đỗ, lạc...

Ý kiến của bạn
(*) Nội dung bắt buộc cần có
0 bình luận
Xem thêm bình luận

Nhập thông tin của bạn

Đọc thêm