Ngày 6/9, bác sĩ Đinh Hữu Việt, Khoa Nam học (BV Nam học và Hiếm muộn Hà Nội) cho biết, bệnh nhi Đ.C.H. (6 tuổi, huyện Văn Lâm, Hưng Yên) vừa phải cắt bỏ tinh hoàn do gia đình chủ quan.
Gia đình cho biết, sáng ngày 4/9, bệnh nhi bị đau tinh hoàn trái và đau vùng bụng dưới. Tuy nhiên, gia đình tự điều trị. Đến ngày 5/9, bệnh nhi đau quá, gia đình mới đưa đến BV khám.
Theo bác sĩ Việt, khi bé đến viện, các bác sĩ đã nhanh chóng thăm khám và xác định bệnh nhi bị xoắn tinh hoàn. Tuy nhiên, do gia đình đưa đến muộn nên tinh hoàn đã hoại tử, tím đen. Không còn cách nào khác, các bác sĩ đành phải chỉ định cắt bỏ tinh hoàn hoại tử.
Bác sĩ Việt cho biết, xoắn tinh hoàn là cuống của tinh hoàn bị xoắn quanh trục của nó, từ đó làm tắc nghẽn mạch máu nuôi dưỡng khiến tinh hoàn bị thiếu máu.
Xoắn tinh hoàn có thể xảy ra ở mọi lứa tuổi, nhưng gặp nhiều nhất ở nam giới từ 10 đến 25 tuổi; có tới 65% trường hợp xoắn tinh hoàn xảy ra ở thanh thiếu niên từ 12 - 18 tuổi; tỷ lệ mắc bệnh đối với nam giới trước 25 tuổi là 1/4000. Nếu được chẩn đoán sớm, tỷ lệ cứu được tinh hoàn có thể đạt 100%.
Bệnh nhân bị xoắn tinh hoàn thường có các triệu chứng như xuất hiện cơn đau dữ dội và đột ngột ở một bên tinh hoàn, kéo dài dưới 6 giờ; bìu sưng to; buồn nôn và nôn; đau bụng; một tinh hoàn có thể ở vị trí cao hơn bình thường; đau tinh hoàn có thể đột ngột hết đau dù chưa điều trị do tư thế của bệnh nhân khiến tinh hoàn được tháo xoắn. Theo các chuyên gia, những triệu chứng nêu trên có thể xuất hiện bởi nhiều nguyên nhân khác nhau, nhất là trong hoặc sau khi bị chấn thương bìu hay hoạt động thể chất.
“Nếu được can thiệp trong 6 giờ đầu, tỷ lệ bảo vệ được tinh hoàn ở người bệnh bị xoắn tinh hoàn là 90%, sau 12 giờ, tỷ lệ này giảm xuống 50%; còn nếu sau 24 giờ thì khả năng tinh hoàn được giữ lại chỉ còn 10%”, bác sĩ Việt nhấn mạnh.
Do đó, khi gia đình thấy trẻ nam hoặc nam giới có dấu hiệu bất thường ở bìu như đau nhức, sưng to thì bạn cần đến ngay các cơ sở chuyên khoa để được chữa trị kịp thời, tránh nguy cơ hoại tử tinh hoàn, bác sĩ Việt khuyên.