Ông Phạm Văn Tú (thị trấn Ia Kha, huyện Ia Grai, tỉnh Gia Lai) cho biết: Khoảng 17h ngày 10/6/2016, gia đình đưa 2 con là Phạm Tấn Lộc (15 tuổi) và Phạm Như Quỳnh (12 tuổi) đến BV Hoàng Anh Gia Lai để khám bệnh. Sau khi làm các xét nghiệm, cả hai bệnh nhi được xác định bị sốt xuất huyết.
Các bác sĩ cho biết bệnh của Lộc nặng hơn nên cho nhập viện và được bác sĩ chăm sóc, truyền dịch. Còn Quỳnh do bệnh nhẹ nên bác sĩ cho nằm tạm tại phòng của anh trai và lấy thuốc của Lộc cho uống. Khi đó, một điều dưỡng tới đo nhiệt độ cho Quỳnh, thấy 38,8 độ C nên ghi đơn thuốc đưa cho người nhà ra ngoài mua về uống.
Sáng ngày 11/6, sau khi khám cho Quỳnh, bác sĩ tên Vi nói bệnh nhân chỉ sốt nhẹ. Bác sĩ Vi cho biết, trường hợp của Quỳnh nhập viện cũng được, nếu không thì về nhà uống thuốc hạ nhiệt rồi hàng ngày tái khám. Gia đình đồng ý cho Quỳnh nhập viện để tiện chăm sóc cho hai con.
Trưa ngày 11/6, Quỳnh vẫn đi lại bình thường và ăn cơm tại căng tin của BV với mẹ. Đến 14 giờ cùng ngày, gia đình xin cho Quỳnh nhập viện để được bác sĩ chăm sóc và được đồng ý. Bác sĩ thấy nhiệt độ của bé là 37,5 độ C. Một lúc sau, gia đình yêu cầu truyền nước cho Quỳnh. Tuy nhiên, điều dưỡng cho biết bé còn khỏe, ăn được nên không cần truyền nước.
Một trong những biểu hiện của sốt xuất huyết là trên da nổi các nốt đỏ |
Đến khoảng 22h ngày 11/6, Quỳnh bị nôn nhẹ. Gia đình gọi bác sĩ tới khám. Bác sĩ cho biết gan bé bị sung và thực hiện truyền nước. Sau đấy, bác sĩ truyền liên tục với tốc độ nhanh và tiêm nhiều loại thuốc. Thấy Quỳnh kêu khó thở, bác sĩ cho bé thở oxi.
Đến 2h sáng ngày 12/6, gia đình thấy Quỳnh yếu dần nên gọi xin chuyển viện, nhưng bác sĩ bảo không sao. Bác sĩ trực cũng cho biết, bệnh không ảnh hưởng đến tính mạng nên gia đình tiếp tục cho bé điều trị tại BV. Khoảng 3h, gia đình thấy cháu yếu quá nên yêu cầu bác sĩ cho đi siêu âm. Kết quả cho thấy, Quỳnh bị dịch tràn màng phổi và bụng. Tuy nhiên, bác sĩ không cho vào phòng cấp cứu mà lại chuyển về khoa Nhi và tiếp tục truyền nước. Khi Quỳnh la lên “con khó thở quá” thì bác sĩ cho thở bằng máy (khoảng 4h30) rồi lịm dần đi. Lúc này, bác sĩ thông báo: “Người nhà chuẩn bị tinh thần đi, cháu Quỳnh khó cứu”. Quỳnh qua đời sau đó ít phút.
Gia đình cho rằng, các bác sĩ của BV đã hời hợt trong cấp cứu, bởi bé chỉ bị sốt nhẹ mà dẫn đến tử vong. Gia đình cũng đặt câu hỏi, có chăng bệnh nhân tử vong là do bị sốc thuốc, bởi sốt xuất huyết không thể diễn biến nhanh như vậy. Vì vậy, gia đình đề nghị các cơ quan chức năng làm rõ.
Chiều 21/6, trao đổi với PNVN qua điện thoại, ông Mai Xuân Hải, Giám đốc Sở Y tế Gia Lai cho biết, sau khi nhận được đơn của gia đình, Sở Y tế đã thành lập Hội đồng khoa học, mời chuyên gia của BV Nhi Đồng 2 (TP.HCM) cùng tham gia phân tích để làm rõ nguyên nhân. “Chúng tôi sẽ gửi hồ sơ, bệnh án cho các chuyên gia của BV Nhi Đồng 2 nghiên cứu trước. Sau đó, các chuyên gia của BV Đại học Y Dược Hoàng Anh Gia Lai, Sở Y tế Gia Lai và BV Nhi Đồng 2 sẽ nhóm họp và phân tích cụ thể”, ông Hải nói.
Về nguyên nhân bệnh nhân tử vong, ông Hải cho rằng do Quỳnh bị sốc sốt xuất huyết chứ không phải sốc thuốc như gia đình phản ánh. Ông Hải phân tích: Sốt xuất huyết do một loại virus gây nên. Hiện bệnh không có thuốc điều trị đặc hiệu, trong khi bệnh thường sốc vào ngày thứ 3 và thứ 5. Do đó, các bác sĩ thường điều trị triệu chứng và chống sốc. Trường hợp bệnh nhân Quỳnh tử vong do sốc sốt xuất huyết nặng nên bị tràn dịch màng phổi và bụng. Nếu bị sốc thuốc hoặc do truyền dịch thì không thể chết người, bởi nhân viên y tế chỉ cần khóa lại và ủ ấm là được. Tuy nhiên, để đảm bảo khách quan, Sở Y tế đã thành lập Hội đồng chuyên môn và mời các chuyên gia cùng phân tích xác định nguyên nhân.