Bệnh cường giáp mà Á hậu Trúc Diễm mắc nguy hiểm thế nào?

10/06/2019 - 16:33
Mới đây, thông tin Á hậu PNVN Qua ảnh - Miss Photo 2005 Trương Tri Trúc Diễm xuất hiện trong tình trạng sức khỏe sa sút, mắt lồi, mặt sưng khiến dư luận giật mình. Trúc Diễm cho biết, 2 năm qua, cô phải điều trị bệnh cường giáp, hiện đã bị suy giáp.

Hậu quả của căn bệnh này là Trúc Diễm thường bị nhức đầu, đau khớp gối, người mệt và mất tập trung. Đó cũng là nguyên nhân khiến cô chưa thể mang thai, dù kết hôn đã 4 năm. Trong khi đó, các bác sĩ cho biết bệnh này dai dẳng, theo suốt cuộc đời, phải uống thuốc mỗi ngày. Vậy bệnh cường giáp nguy hiểm ra sao mà khiến sức khỏe của Á hậu Trúc Diễm sa sút như vậy?

 

hoa-hau-truc-diem.jpg
Trương Tri Trúc Diễm đăng quang Á hậu 1 cuộc thi Hoa hậu PNVN Qua ảnh - Miss Photo 2005 do Báo PNVN tổ chức

 

diem.jpg
Bệnh cường giáp khiến gương mặt Trúc Diễm bị ảnh hưởng

 

Theo các chuyên gia, cường giáp là một hội chứng, tức là không phải một bệnh riêng biệt. Có nhiều bệnh gây ra hội chứng này, trong đó có thể kể đến bệnh Basedow. Bệnh cường giáp hay gặp nhất với bướu cổ có lồi mắt, cường giáp; cường giáp do bướu nhân độc tuyến giáp, viêm tuyến giáp. Nguyên nhân gây bệnh cường giáp là bởi tình trạng tăng tiết hormone tuyến giáp (triiodothyronine và thyroxin) dẫn đến các triệu chứng tim mạch, tăng chuyển hóa quá mức.

Bệnh nhân bị cường giáp có các biểu hiện như, cảm giác tim đập nhanh, mạnh trong lồng ngực, có thể cảm thấy đau ngực, khó thở; sợ nóng; tiêu chảy; run tay khiến bệnh nhân không thể tự kiểm soát, thường run với tần số nhanh và biên độ nhỏ; bướu cổ; sụt cân; ra mồ hôi nhiều kể cả khi không vận động; tính tình thay đổi; rối loạn giấc ngủ; cơ thể yếu mệt…

Còn theo TS Trần Ngọc Lương, Giám đốc BV Nội Tiết Trung ương, bệnh cường giáp rất nguy hiểm, nếu không được phát hiện và điều trị kịp thời, người bệnh có thể gặp các biến chứng như tim mạch. Theo đó, tình trạng nhịp tim nhanh thường gặp ở bệnh nhân cường giáp, các rối loạn nhịp nghiêm trọng hơn như rung nhĩ có thể gặp phải. Nếu không được điều trị kịp thời có thể dẫn tới tình trạng suy tim ở người bệnh cường giáp.

Khi tình trạng hormone tăng quá cao, các triệu chứng đột ngột trở nên nặng nề, lúc này, tính mạng của người bệnh có thể bị đe dọa nếu không kịp thời được chẩn đoán và điều trị. Trong cường giáp do bệnh Basedow, người bệnh có thể bị lồi mắt, thường xuyên chảy nước mắt và nhạy cảm hơn đối với ánh sáng, hay kèm theo viêm kết mạc, tổn thương giác mạc.

 

cuong-giap-khi-mang-thai-can-benh-cuc-nguy-hiem-nhung-it-ai-quan-tam-1.jpg
Phụ nữ bị cường giáp cần phải điều trị theo chỉ định của bác sĩ

 

Còn theo bác sĩ Nguyễn Thị Thúy, khoa Lọc máu - BV TƯ Quân đội 108, phụ nữ bị cường giáp nếu đang điều trị thì phải điều trị khỏi, khi nào ngừng thuốc thì mới nên có thai. Nếu trong thời gian điều trị mà có thai thì phải gặp bác sĩ chuyên khoa để được tư vấn và sử dụng thuốc hợp lý. 

Bác sĩ Thúy cũng cho biết, Basedow là nguyên nhân gây cường giáp thường gặp nhất (80-85%), tỷ lệ gặp 1/1.500 phụ nữ mang thai. Bệnh có thể mới xảy ra trong 3 tháng đầu của thai kỳ hoặc ở phụ nữ đã bị Basedow trước đó. Ngoài các triệu chứng kinh điển, người mẹ còn có thể bị đẻ non hoặc tiền sản giật.

Ngoài ra, mẹ còn có nguy cơ cao bị suy tim, nhiễm độc giáp cấp. Bệnh Basedow có thể được cải thiện vào 3 tháng cuối thai kỳ hoặc cũng có thể nặng hơn ở thời kỳ hậu sản. Nếu cường giáp không được kiểm soát tốt, dẫn tới đứa trẻ bị tim bẩm sinh, thai chậm phát triển, trẻ bị đẻ non, thai chết lưu và có thể bị dị tật bẩm sinh.

Những người có nguy cơ bị cường giáp là những trường hợp có bệnh tuyến giáp từ trước, bướu cổ; trong gia đình có người thân bị bệnh tuyến giáp; lần trước có thai cũng bị tuyến giáp; những phụ nữ có tiền sử sảy thai, thai chết lưu không rõ nguyên nhân.

Thông thường, khi được phát hiện, bệnh cường giáp có thể được điều trị dễ dàng bằng các biện pháp nội khoa. Tức là người bệnh chỉ cần uống thuốc để điều trị. Các thuốc kháng giáp tổng hợp, các thuốc an thần sẽ được bác sĩ kê toa cho bệnh nhân cường giáp. Tuy nhiên, thời gian điều trị bệnh cần kéo dài liên tục 12-18 tháng, cho nên người bệnh không nên tự ý bỏ thuốc khi thấy không còn các triệu chứng của bệnh.

Trong một số trường hợp, tình trạng bướu cổ to gây ảnh hưởng thẩm mỹ, hoặc bướu tái phát nhiều lần, bướu có thể được giải quyết bằng phương pháp ngoại khoa hoặc uống đồng vị Iốt phóng xạ.

Ý kiến của bạn
(*) Nội dung bắt buộc cần có
0 bình luận
Xem thêm bình luận

Nhập thông tin của bạn

Đọc thêm