Bệnh đau mắt đỏ đang diễn biến khó lường

An Khê
20/08/2023 - 16:57
Bệnh đau mắt đỏ đang diễn biến khó lường

Ảnh minh họa: Kiều Trang

Những ngày gần đây, trên địa bàn Hà Nội cũng như một số tỉnh miền Bắc có rất nhiều bệnh nhân nhập viện với tình trạng 2 mắt sưng đỏ. Đặc biệt, nhiều em học sinh trong cùng 1 lớp lây chéo nhau và về lây cho người thân trong gia đình.

Chị Thúy Liên, mẹ của bé Duy Anh, học sinh lớp 6 trường Marie Curie (Hà Nội), chia sẻ trong lo lắng: "Ở lớp con có 3 bạn lây nhau rồi, nghe bác sĩ giải thích thời gian này là tâm điểm của dịch đau mắt đỏ nên tôi đang đi công tác cũng phải vội về đưa con đi khám. Mắt cháu đã đau lại còn có giả mạc cần bóc nên tôi rất lo".

Bệnh đau mắt đỏ đang diễn biến khó lường - Ảnh 1.

Viêm kết mạc hai mắt là dạng phổ biến nhất của viêm kết mạc do adeno virus gây ra

Nguyên nhân của bệnh viêm kết mạc (đau mắt đỏ)

Trên thực tế, viêm kết giác mạc hay dân gian gọi là bệnh đau mắt đỏ vẫn là bệnh viêm nhiễm bề mặt nhãn cầu do virus nhóm Adeno thuộc loại thường gặp, viêm nặng và có thể gây tai biến mù lòa. 

Theo bác sĩ Hoàng Cương – Bệnh viện Mắt Trung Ương: "Không có thuốc đặc trị cho virus này, chỉ có điều trị bổ trợ và thực hiện các biện pháp vệ sinh nhằm ngăn chặn bệnh lan tràn. Nhiều người không thấy được vai trò thực sự của kháng sinh tra nhỏ trong điều trị bệnh".

Viêm kết mạc hai mắt là dạng phổ biến nhất của viêm kết mạc do adeno virus gây ra. Bệnh luôn kèm theo đỏ mắt và có thể có giả mạc. Các biểu hiện khác là hơi sợ sáng, sưng phù kết mạc, xuất huyết nhẹ dưới kết mạc. Mắt còn lại cũng bị bệnh, thường sẽ xảy ra sau 4-5 ngày kể từ ngày khởi phát, biểu hiện nhẹ nhàng hơn so với mắt thứ nhất do cơ thể đã bắt đầu có miễn dịch chống lại virus. Virus rất dễ lây lan và không có phương pháp điều trị đặc hiệu.

Đau mắt đỏ nhanh chóng trở thành dịch vì tốc độ lây lan rất nhanh do tiếp xúc với dịch tiết của người mắc bệnh khi họ nói chuyện hoặc hắt hơi, chạm tay vào những vật dụng hay đồ dùng cá nhân nhiễm mầm bệnh như gối, khăn mặt, bàn chải, chìa khóa, tay nắm cửa, chậu rửa bát, nút bấm cầu thang, điện thoại, đồ chơi… sử dụng nguồn nước bị nhiễm bệnh ao hồ, bể bơi… thói quen hay dụi mắt, sờ tay vào mũi, miệng, làm tăng nguy cơ nhiễm bệnh.

Đau mắt đỏ thường không quá nghiêm trọng, nếu việc vệ sinh, chăm sóc và điều trị tốt, bệnh thường diễn biến trong khoảng từ 5 - 10 ngày. Tuy nhiên, nếu chủ quan không điều trị để kéo dài, thường xuyên tái phát và gây ra biến chứng nguy hiểm như loét giác mạc, mù lòa…

Cũng theo bác sĩ Cương: "Nhiễm vi rus có thể tự kiềm chế nhưng cũng có khi lan tràn gây suy đa phủ tạng trên những bệnh nhân suy giảm miễn dịch. Adenovirus từ lâu đã được biết đến là nguyên nhân gây viêm kết mạc hàng đầu, tỷ lệ bệnh viêm nhiễm liên gia đình được xác định là khoảng 10-50%, virus lây lan qua tay nhiễm bệnh, giấy, khăn, bề bơi, thuốc và dụng cụ y tế nhiễm bẩn cũng có thể qua giọt bắn từ mũi qua hắt hơi. Bất cứ gì mà bệnh nhân chạm vào cũng có thể là nguồn lây tiềm tàng.

Viêm kết mạc ở trẻ em

Viêm kết mạc trên trẻ em thường nặng do miễn dịch tại chỗ của trẻ còn non yếu, các mô mềm quang mắt của trẻ lỏng lẻo nên dễ bị phản ứng sưng phù trầm trọng. Cha mẹ hay đưa trẻ đi khám vì thấy mắt sưng như quả nhót, đỏ mắt, ra gèn nhiều , mắt bé khỏ vành và khó mở to để khám xét hay tra thuốc.

Bác sĩ Cương cho biết: "Với trẻ nhũ nhi bệnh hay kèm với việc xuất hiện giả mạc hay chảy máu mắt. Điều trị viêm kết mạc trên trẻ em phức tạp hơn, kéo dài hơn người lớn, đòi hỏi công sức của giới chuyên môn lẫn cha mẹ trẻ. Trẻ có thể phải đến viện để bóc giả mạc vài lần ở thể viêm kết mạc có giả mạc. Các biến chứng có thể gặp là trầy xước giác mạc,  viêm giác mạc gây sẹo và loạn thị sau này, phản ứng màng bồ đào. Viêm nội nhãn nội sinh (không do chấn thương) là biến chứng hi hữu, một năm gặp vài trường hợp nhưng luôn gây đau đầu và khổ tâm cho cha mẹ lẫn bác sĩ. Bệnh diễn biến nhanh, khó phát hiện ngay, điều trị thường đi sau một bước là nỗi ám ảnh chuyên môn về bệnh  viêm nội nhãn cấp".

Viêm nội nhãn có thể gây mất thị lực trầm trọng cho khoảng 20% bệnh nhân. Riêng việc có phải múc bỏ mắt hay không còn tùy thuộc tình trạng bệnh, diễn tiến bệnh, việc đáp ứng điều trị của từng người, chỉ có bác sĩ trực tiếp điều trị mới có thể trả lời chính xác, bên cạnh việc phải thông qua một hội đồng chuyên môn để hội chẩn. Về thời gian điều trị, lâu hay mau còn tùy thuộc mức độ trầm trọng của bệnh, tác nhân gây bệnh, đáp ứng của cơ thể đối với bệnh và phương pháp điều trị. Những di chứng có thể là vẩn đục dịch kính, tăng nhãn áp, thậm chí bị hỏng mắt vĩnh viễn.

Một số lưu ý, cẩn trọng với bệnh viêm kết mạc

Viêm kết mạc là bệnh lành tính, tuy nhiên biến chứng và di chứng vẫn là chuyện có thật, xảy ra hàng ngày (khoảng 10%-15%). Với trẻ em cần đặc biệt lưu ý vì bé không biết nói, quấy khóc khiến cho việc tra nhỏ thuốc và khám mắt chi tiết khó khăn. Những tiềm ẩn của diễn biến nặng phải luôn được cân nhắc: Suy dinh dưỡng, miễn dịch kém, đang mắc viêm hô hấp hoặc bệnh tai mũi họng, tiêm chủng chưa đủ, diễn biến tại mắt trở nặng bất thường. Chính vì vậy dù người lớn hay trẻ em, khi có dấu hiệu của bệnh nên ngay đến Bệnh viện chuyên khoa mắt hoặc cơ sở y tế tin cậy để được chuẩn đoán bệnh và có phác đồ điều trị chính xác.

Trong lúc điều trị, người bệnh nên:

- Đeo khẩu trang, giữ vệ sinh sạch sẽ, rửa, nhỏ thuốc đúng chỉ định của bác sĩ. 

- Không chạm tay vào mắt, rửa tay thường xuyên Không dùng chung đồ dùng với người khác tránh lây lan. 

- Thường xuyên thay vỏ gối, khăn mặt, giặt trong nước nóng càng tốt. 

- Nên ăn thực phẩm giầu vitamin A,K,C,B có nhiều trong cá, rau có màu xanh đậm, cà chua, ớt chuông xanh, sản phẩm từ sữa, trứng, cà rốt, dưa chuột, bông cải xanh, các loại quả như đu đủ, dâu tây, kiwi, xoài, cải xanh, ớt chuông…

Thực phẩm giàu vitamin B: thịt gà, trứng, cá hồi, gan động vật, bông cải xanh, nấm, các loại hạt và các loại đậu...

- Tránh ăn các thực phẩm có mùi tanh nồng như tôm, cua, ốc, cá mè… thực phẩm có chứa chất kích thích như rượu bia, cà phê, nước uống có gas, thực phẩm có tính nóng như ớt, tỏi...

Ý kiến của bạn
(*) Nội dung bắt buộc cần có
0 bình luận
Xem thêm bình luận

Nhập thông tin của bạn

Đọc thêm