Chuyên gia nhãn khoa lưu ý phụ huynh khi cho con đi mua kính cận

Linh Trần
25/11/2021 - 23:19
Chuyên gia nhãn khoa lưu ý phụ huynh khi cho con đi mua kính cận

GS. Đức Anh khám mắt cho trẻ tại BV Mắt Hà Nội 2

"Việc khám khúc xạ không chính xác hoặc sơ sài ảnh hưởng lớn đến nhiều đối tượng, trong đó có trẻ nhỏ. Một kỹ thuật viên khúc xạ có trình độ hạn chế sẽ tạo ra những chiếc kính sai độ".

Hiện nay, nhiều gia đình khi con có biểu hiện cận thị, viễn thị đã đưa đi mua kính mắt. Tuy nhiên, thay vì đến bệnh viện (BV) hoặc cơ sở y tế chuyên khoa, nhiều phụ huynh đưa con tới của hàng kính mắt để đo và lắp kính. Lý do là bởi phụ huynh "ngại" đến BV do phải chờ lâu. Tuy nhiên, theo các chuyên gia, đây là sai lầm của phụ huynh.

Tại buổi ra mắt Trung tâm kính mắt của BV Mắt Hà Nội 2 vào ngày 25/11, PGS.TS Nguyễn Đức Anh, Trưởng khoa khúc xạ (BV Mắt Hà Nội 2) cho biết, là người làm chuyên môn nên ông rất hiểu thực trạng khám mắt, chất lượng kính tại Việt Nam.

Theo PGS. Đức Anh, thông thường các trung tâm kính mắt hay thuê những người không có chuyên môn, không được đào tạo bài bản. Trong khi đó, cửa hàng lại dựa vào máy đo khúc xạ tự động, song vì nhân viên chuyên môn không có nên đo không chính xác.

"Việc khám khúc xạ không chính xác hoặc sơ sài ảnh hưởng lớn đến nhiều đối tượng, trong đó có trẻ nhỏ. Một kỹ thuật viên khúc xạ có trình độ hạn chế sẽ tạo ra những chiếc kính sai độ. Hoặc non độ quá (khiến các cháu nhìn không tối đa), hoặc quá độ khiến mắt các cháu phải điều tiết quá mức, dẫn đến nguy cơ tăng độ. Đeo một thời gian sẽ khiến trẻ mỏi mệt, bỏ đeo kính, ảnh hưởng không chỉ thị lực mà còn thần kinh, tâm lý các cháu", GS. Đức Anh chia sẻ.  

GS. Đức Anh cho biết, thêm giai đoạn 2015-2016, ông và một số đơn vị quốc tế từng đánh giá chất lượng dịch vụ kính mắt tại nhiều cửa hàng và kết quả là phần lớn không đảm bảo chất lượng. Nhiều đơn vị không hề soi bóng đồng tử, khám sơ sài. Sau đó, một số tổ chức quốc tế cũng thấy chất lượng kính mắt tại Việt Nam "có vấn đề".

Năm 2017, Tổ chức Phi Chính phủ Helen Keller International (HKI) và Quỹ Fred Hollowsm... đã hợp tác với Bệnh viện Mắt TƯ để đánh giá về chất lượng kính mắt và dịch vụ khúc xạ ở một số tỉnh như Phú Thọ, Đà Nẵng… Tổ chức này làm công phu đến mức giả làm bệnh nhân để phân tích dịch vụ kính mắt tại rất nhiều cửa hàng. Đến năm 2018, trong báo cáo gửi lên Bộ Y tế, họ cho rằng 60% sản phẩm kính mắt tại Việt Nam chưa đạt; tư vấn viên ở các cửa hàng kính hầu như chưa đạt yêu cầu, không được đào tạo bài bản, GS. Đức Anh chia sẻ.

Cũng theo GS. Đức Anh, việc lựa chọn cơ sở có người làm chuyên môn được đào tạo; đảm bảo trang thiết bị, tin cậy, độ chính xác cao là rất quan trọng. Bởi lẽ, ngoài được tư vấn chuyên môn kỹ, cắt kính đúng độ cận, thì khâu mài lắp cũng quan trọng. Người mài lắp tốt sẽ chọn được các gọng kính phù hợp với khuôn mặt của trẻ. "Tôi đã từng gặp các cháu đeo mắt kính quá lớn. Không chỉ ảnh hưởng đến thẩm mỹ, nó còn làm lệch tâm. Hoặc càng kính quá dài. Tôi hỏi mẹ cháu vì sao chọn càng kính ra tận sau gáy. Chị đó nói "vì cửa hàng không có loại kính đó". Chi tiết nhỏ đó thôi cũng thể hiện cái tâm của người làm nhãn khoa", bác sĩ Đức Anh kể lại.

Hiện nay, hầu hết trẻ trong cả nước đang học online do dịch Covid-19, khi đó trẻ sẽ phải tiếp xúc với các thiết bị điện tử rất nhiều, nguy cơ mắc các tật khúc xạ tăng cao. Do đó, phụ huỵnh không nên cho trẻ học trên ipad, điện thoại. Sau mỗi tiết học, cần cho trẻ nghỉ vài phút để trẻ nhìn xa và nghỉ ngơi. Ngoài ra, nếu trẻ cận nhẹ dưới 2 độ thì không cần đeo kính. Phụ huynh cũng không nên bắt trẻ đeo kính cả ngày. Với trẻ cận thị, chỉ đeo kính khi nhìn gần và trẻ viễn thị chỉ đeo kính khi nhìn xa, GS. Đức Anh khuyến cáo

Ý kiến của bạn
(*) Nội dung bắt buộc cần có
0 bình luận
Xem thêm bình luận

Nhập thông tin của bạn

Đọc thêm