Mới cưới Phượng được hơn tuần, tôi đã buồn. Buồn vì nàng có vẻ không hợp mẹ chồng. Điều ấy Phượng không nói ra nhưng xem ý tứ của nàng, tôi linh cảm được. Ví dụ hôm qua, mẹ tôi cùng nàng nấu cơm, Phượng cứ nài nỉ bà nghỉ tay để mình nàng làm. Khi mẹ ra khỏi bếp, lập tức Phượng đem rổ rau mẹ đã rửa sạch đi rửa lại vài lần. Nồi nước đã đun sắp sôi chuẩn bị thả rau vào, nàng đổ vội đi lấy nước khác. Chiều hôm kia, 2 vợ chồng tôi đi làm về, mẹ bưng ra 2 cốc chè đỗ đen do bà nấu, bảo các con ăn cho mát. Tôi ăn ngấu nghiến, còn Phượng thì san cho tôi già nửa cốc. Còn non nửa cốc, nàng không ăn, lén đổ ngay vào thùng rác.
Chị em dâu nhỏ to nói xấu mẹ chồng (Minh họa: Thuần Phong)
Chiều nay, hết giờ làm việc, tôi đến cơ quan đón Phượng về như mọi hôm. Đi được nửa đường, Phượng bảo tôi rẽ vào chợ để nàng mua thức ăn. Tôi gàn nhưng Phượng không nghe nên đành đứng ngoài đợi. Một lúc sau thấy vợ xách ra nửa con gà đã làm sạch. Về nhà, Phượng lại tự vào bếp chặt nấu thêm món ăn, mặc dù mẹ tôi bảo bữa tối đã có món đậu phụ rim thịt với cà chua, cà pháo muối ăn với rau muống luộc. Sau bữa cơm, lúc Phượng rửa bát, mẹ thì thầm với tôi: “Vợ con có khi nghén thịt gà”. Tôi mừng quá.
Thế nhưng khi vào phòng riêng của 2 vợ chồng, tôi hỏi vợ: “Em nghén thịt gà phải không?” thì nàng cau mặt bảo: “Nghén đâu. Mua thêm thịt cho mâm cơm có chất, chứ mẹ anh hà tiện lắm”. Tôi ngạc nhiên hỏi: “Ai bảo em là mẹ hà tiện?”. Phượng cong môi: “Tự em biết”. Tôi định giải thích cho vợ biết rằng mẹ tôi không hà tiện mà bà muốn bữa ăn có nhiều rau xanh và ít thịt để bảo đảm sức khỏe nhưng nàng đã chui tọt vào nhà tắm.
Vừa lúc ấy, điện thoại của Phượng ở bàn có tín hiệu tin nhắn. Tôi cầm lên xem thì thấy tin nhắn của “chị dâu Thảo”. À, thử xem 2 chị em dâu nói chuyện những gì. Tò mò, tôi mở nội dung tin nhắn. “Hoan hô em, chiều nay mua thịt gà làm tín hiệu nhắc mẹ chồng phải tăng thêm thức ăn”. Tôi nóng mặt, mở tiếp một loạt tin nhắn của Thảo - chị dâu tôi - nhắn cho Phượng: “Mẹ chồng của chúng ta ki bo lắm. Em đóng tiền ăn vừa thôi, để lại một phần mua thêm thức ăn bữa tối, kẻo lại bị suy dinh dưỡng”. Một tin khác: “Mẹ chồng tiết kiệm nước nên nấu ăn bẩn lắm”. Đọc đến tin này thì tôi không thể chịu được. Đợi vợ vừa tắm xong, tôi cầm chiếc điện thoại giơ ra trước mặt cô ta: “Chị dâu thường nói xấu mẹ chồng với em thế này à?”. Vợ tôi tái mặt: “Sao anh tò mò điện thoại của em?”. “Nếu không tò mò, làm sao anh biết được một sự thật về chị em dâu nhà này? Thảo nào em coi thường mẹ anh”. Phượng nói run rẩy: “Thực ra em không coi thường mẹ mà vì chị Thảo bảo phải vào nấu cơm, kẻo mẹ nấu hay tiết kiệm nước nên rửa rau rất bẩn”.
Tôi tức quá, vớ điện thoại gọi cho anh chị tôi ở phòng bên sang ngay phòng tôi có chuyện. Khi 2 người có mặt, tôi đọc những tin nhắn của chị Thảo trong điện thoại của vợ tôi cho cả 4 người nghe. Chị Thảo xám mặt, còn anh trai tôi nhìn vợ đầy vẻ trách móc, hỏi: “Em nỡ tuyên truyền những điều xấu để nàng dâu mới về nhà chồng thêm mâu thuẫn với mẹ chồng à?”. Chị Thảo không nói gì, cúi mặt như biết lỗi. Không khí căng thẳng, ngưng đọng. Một lúc lâu, chị Thảo mới lên tiếng: “Chú Tùng à. Tôi thật có lỗi với chú, với chồng tôi và với mẹ chồng. Lỗi này do tôi vạ miệng, nông nổi, mong mọi người tha thứ! Tôi xin chú thím đừng mách bố mẹ kẻo mẹ buồn và gia đình thêm phức tạp”. Biết chị dâu ân hận và anh trai đang giận, tôi liền tuyên bố một câu cho mọi người yên tâm: “Nói để chị và vợ em rút kinh nghiệm thôi, còn em và chồng chị luôn là những người đàn ông vị tha, rất biết ứng xử việc này, chị ạ”.