Bệnh nhân chờ mổ vì thiếu vật tư

Trần Hiếu - Đình Hưng
20/06/2022 - 18:24
Bệnh nhân chờ mổ vì thiếu vật tư

Nhân viên y tế khám chữa bệnh cho người dân. Ảnh minh họa

Thiếu thuốc, nhiều bệnh viện đề nghị bệnh nhân phải tự tìm mua thuốc ở bên ngoài khiến bệnh nhân vừa tốn kém vừa lo thuốc giả. Nhiều bệnh nhân được chỉ định mổ nhưng phải chờ mấy tháng nữa để đợi bệnh viện có vật tư y tế.
Bệnh nhân phải tự mua thuốc giá cao

Thời gian gần đây, tại một số cơ sở khám chữa bệnh trong cả nước đã xảy ra tình trạng thiếu thuốc men, vật tư y tế khiến bệnh nhân phải tự mua. Chị Trần Tuyết (trú tại TP.Thủ Đức, TP. Hồ Chí Minh) cho biết, chị bị bệnh thuyên tắc huyết khối tĩnh mạch từ nhiều năm nay. Vừa qua, loại thuốc mà chị vẫn sử dụng để điều trị luôn được bệnh viên (BV) thông báo trong tình trạng không còn thuốc. "Hơn 6 tháng liền, tôi không thể nào mua được loại thuốc điều trị mà vẫn sử dụng trước đó. Theo tôi được biết, thuốc hết là do phía BV chưa đấu thầu được. Tôi bắt buộc phải sử dụng loại thuốc khác để thay thế", chị Tuyết cho hay.

Còn chị Ái Khương (trú tại TP.Cần Thơ), được ghép thận ở một BV tại TP.Hồ Chí Minh cũng cho biết, do BV không đủ thuốc chống thải ghép cho bệnh nhân ghép thận tham gia BHYT. Vì thế, chị bắt buộc phải mua thuốc ở ngoài làm ảnh hưởng đến việc điều trị, gặp khó khi kinh tế eo hẹp.

Vấn đề của chị Khương cũng là tình trạng chung của nhiều bệnh nhân ghép thận gặp phải trong một thời gian vừa qua. Từ chỗ được BHYT đồng chi trả các loại thuốc trên và chỉ thanh toán một khoản rất nhỏ, các bệnh nhân phải tự mua với giá rất cao không được hỗ trợ. Hầu hết, bệnh nhân tự mua thuốc bên ngoài phải chi trả số tiền nhiều triệu đồng mỗi tháng. Điều này khiến các trường hợp có hoàn cảnh khó khăn lao đao trong việc tìm tiền mua thuốc. Ngoài ra, nhiều bệnh nhân còn bày tỏ sự lo lắng khi không biết chất lượng thuốc mua ở bên ngoài có tốt hay không.

Chờ mổ vì BV thiếu vật tư

Tại Hà Nội, tình trạng thiếu thuốc men, vật tư y tế cũng tương tự. Bà L.T.K. (39 tuổi, ở Hà Nội) khi đến khám tại BV E cũng được chỉ định mổ. Tuy nhiên, BV không thể tiến hành do vật tư y tế mà bệnh nhân cần không có. Bác sĩ bảo phải đến tháng 9 mới có thể mổ được. Trong khi đó, anh H.Đ.N. (quận Hai Bà Trưng) cho biết, người nhà điều trị tại BV Bạch Mai. Bệnh nhân đã có chỉ định mổ, tuy nhiên trước hôm phẫu thuật, BV thông báo tạm hoãn. BV cho biết, lý do tạm hoãn mổ là bởi vật tư y tế cũng bị thiếu nên lịch mổ phiên cho bệnh nhân hay bị hoãn.

Bệnh nhân chờ mổ vì thiếu vật tư - Ảnh 1.

Thời gian gần đây, tại một số cơ sở khám chữa bệnh trong cả nước đã xảy ra tình trạng thiếu thuốc men, vật tư y tế khiến bệnh nhân phải tự mua.

Một lãnh đạo cấp khoa tại BV Xanh Pôn cũng cho biết, thiếu thuốc men là tình trạng chung của các cơ sở hiện nay, trong đó có BV Xanh Pôn. Tuy nhiên, việc điều chỉnh vật tư như thế nào là việc của lãnh đạo BV, còn các bác sĩ chỉ làm chuyên môn. Trong khi đó, lãnh đạo BV Xanh Pôn cũng thừa nhận có tình trạng thiếu vật tư y tế tại BV.

Ông Nguyễn Công Hựu, Giám đốc BV E cho biết, những năm trước tình trạng thiếu thuốc cũng xảy ra. Tuy nhiên, xảy ra quy mô nhỏ lẻ nên ít được quan tâm và các cơ sở y tế vẫn xoay xở được. Tuy nhiên, lần này nghiêm trọng nhất vì nó xảy ra cả hệ thống nên gây bức xúc.

Theo ông Hựu, quá trình mua sắm cần đấu thầu mất 4 - 5 tháng. Các khoa phòng khám làm chuyên môn nhu cầu bao nhiêu dự trù lên để làm dự trù, thống kê và làm kế hoạch mua sắm. Các kế hoạch mua sắm này phải duyệt hồ sơ và lựa chọn đơn vị trúng thầu. Nhưng đơn vị trúng thầu đôi khi cũng không có hàng cung cấp cho BV. Nếu trước đây, khi thiếu hụt thuốc men thì sẵn sàng vay đơn vị cung cấp, mượn trước rồi làm hồ sơ trả sau. Nhưng hiện tại, không thể linh động như trước được nữa.

"BV vẫn đang làm thầu để khắc phục tình trạng thiếu thuốc. Tuy nhiên, có thể thầu đã xong nhưng BV cũng chưa dám chắc không thiếu thuốc. Bởi có sản phẩm chỉ có một nhà cung cấp nhưng vì đại dịch nên doanh nghiệp sản xuất, phân phối không kịp thì cũng không thể chắc chắn người bệnh sẽ có thuốc", ông Hựu chia sẻ.

Thiếu thuốc có nguyên nhân từ tâm lý sợ sai

Trước phản ánh của người bệnh và các cơ sở y tế, Bộ Y tế thừa nhận có tình trạng thiếu thuốc men, vật tư y tế ở một số địa phương. Theo Bộ Y tế, có nhiều nguyên nhân dẫn đến tình trạng này. Thứ nhất là do tâm lý lo ngại, sợ sai, sợ bị thanh tra, kiểm tra nên các địa phương không dám làm; không dám đấu thầu, mua sắm dù Bộ Y tế và UBND các tỉnh, thành đã thực hiện việc phân cấp theo thẩm quyền.

Thứ hai, các đơn vị vẫn tỏ ra lúng túng hoặc e ngại trong tổ chức thực hiện đấu thầu dù được tự chủ. Trong khi đó, doanh nghiệp cũng e ngại trong việc cung ứng hàng hóa cho các đơn vị công do liên quan đến giá chưa hợp lý, thủ tục đấu thầu, thủ tục thanh toán.

Thứ ba, trong các năm 2020-2021, do dịch Covid-19 nên nguồn nguyên liệu sản xuất, hàng hóa khan hiếm, giá cả hàng hóa nhiều biến động. Vì vậy, việc mua sắm thuốc, vật tư y tế, hóa chất càng trở nên khó khăn. Ngoài ra, việc hiểu và thực hiện Nghị định số 60/2021/NĐ-CP ngày 21/6/2021 của Chính phủ quy định cơ chế tự chủ tài chính của đơn vị sự nghiệp công lập về thẩm quyền quyết định mua sắm từ các nguồn thu của đơn vị sự nghiệp công lập được giao tự chủ về tài chính chưa thống nhất. Từ đó, dẫn đến việc đấu thầu, mua sắm của các đơn vị sự nghiệp công lập bị chững lại. Hơn nữa, do một số khó khăn, chậm có kết quả đấu thầu tập trung Quốc gia, đàm phán giá một số thuốc, dẫn tới các cơ sở phải thực hiện hình thức mua sắm tại cơ sở và không chủ động được thời gian, số lượng mua sắm. Đó là chưa kể tình trạng hết hạn số đăng ký của một số loại thuốc dẫn tới chậm thầu so với dự kiến đề ra.

Giải quyết thế nào?

Để có đảm bảo nguồn cung ứng thuốc, vật tư y tế cho công tác khám chữa bệnh, Bộ Y tế đã đôn đốc các đơn vị tăng cường năng lực, hiệu quả công tác mua sắm, đấu thầu. Bộ Y tế yêu cầu các đơn vị, địa phương thực hiện mua sắm, đấu thầu thuốc, vật tư y tế để cung ứng đầy đủ, kịp thời, đảm bảo quyền lợi của người tham gia BHYT. Đặc biệt, Bộ Y tế đã ban hành danh mục 6.251 thuốc, sinh phẩm hết hạn đăng ký trước 30/6/2022 được tiếp tục lưu hành tới cuối năm 2022. Ngoài ra, còn khoảng 4.000 thuốc, sinh phẩm còn lại, dự kiến sẽ được gia hạn trước ngày 15/7/2022.

Liên quan đến vấn đề này, BHXH Việt Nam đã có công văn gửi Bộ Y tế về việc đấu thầu mua, sắm thuốc, vật tư y tế đảm bảo công tác khám chữa bệnh BHYT. Theo đó, BHXH Việt Nam đề nghị Bộ Y tế chỉ đạo Trung tâm Mua sắm tập trung thuốc quốc gia và các đơn vị trực thuộc đẩy nhanh tiến độ đấu thầu đối với các thuốc thuộc Danh mục thuốc đấu thầu tập trung cấp quốc gia, Danh mục thuốc được áp dụng hình thức đàm phán giá; chỉ đạo, hướng dẫn Sở Y tế, các cơ sở khám chữa bệnh thực hiện tổ chức lựa chọn nhà thầu; Đồng thời, hướng dẫn các cơ sở khám chữa bệnh thực hiện mua sắm nhanh bằng các hình thức khác, phù hợp với Luật Đấu thầu và các văn bản hướng dẫn…tuyệt đối không để người bệnh BHYT phải tự mua các thuốc, vật tư y tế thuộc danh mục được hưởng của người tham gia BHYT.

Ý kiến của bạn
(*) Nội dung bắt buộc cần có
0 bình luận
Xem thêm bình luận

Nhập thông tin của bạn

Đọc thêm