pnvnonline@phunuvietnam.vn
Bệnh nhân ở Trung Quốc tái nhiễm SARS-CoV-2: Do xét nghiệm không chuẩn xác
Các bác sĩ tại Trung Quốc phân tích phim chụp X-quang của bệnh nhân Covid-19
Mới đây, tại Trung Quốc rộ lên thông tin nhiều bệnh nhân tái nhiễm COVID-19 sau khi đã được điều trị khỏi và xuất viện.
Cụ thể, tại BV Đồng Tế (TP. Vũ Hán, tỉnh Hồ Bắc, Trung Quốc) trong 147 bệnh nhân hồi phục mà các bác sĩ nghiên cứu thì có 5 người, tức hơn 3%, dương tính với virus corona chủng mới. BV cho biết, 5 bệnh nhân tái nhiễm không có bất kỳ triệu chứng nào và không có người thân hay những người tiếp xúc gần với họ bị nhiễm. BV khẳng định, không có bằng chứng cho thấy những bệnh nhân hồi phục đó là nguồn lây nhiễm cho người khác
Tổ chức Y tế thế giới (WHO) cho biết, đã nhận được thông tin về các bệnh nhân tái nhiễm sau khi xuất viện. Theo đó, đầu tháng 3/2020, sau khi ra viện một tuần, có 2 người ở TP. Thiên Tân đã phải nhập viện trở lại vì dương tính với SARS-CoV-2. Trong khi đó, ở Quảng Đông, 14% các bệnh nhân nhiễm Covid-19 xuất viện được cho đã bị tái nhiễm. Tại các tỉnh khác ở Trung Quốc cũng xuất hiện những trường hợp tương tự.
Dư luận đặt câu hỏi, liệu có tình trạng virus SARS-CoV-2 tái nhiễm ở những bệnh nhân đã được điều trị khỏi.
Tuy nhiên, WHO đã bác bỏ thông tin người mắc SARS-CoV-2 điều trị khỏi có thể tái nhiễm.
WHO cho biết, đã có những bằng chứng khẳng định, các ca bệnh trên không phải là tái nhiễm. Lý giải việc bệnh nhân dương tính sau khi đã được xuất viện, WHO cho rằng, các xét nghiệm ban đầu xác nhận bệnh nhân âm tính để cho xuất viện có thể được thực hiện không chuẩn xác hoặc kết quả "nằm giữa ranh giới âm tính/dương tính".
Chuyên gia virus học Jin Dong-yan (Đại học Hong Kong) cũng bác bỏ thông tin bệnh nhân tái nhiễm SARS-CoV-2. Ông Jin cho rằng, có thể các xét nghiệm xác định bệnh nhân âm tính và cho xuất viện đã không được thực hiện chuẩn xác. Theo chuyên gia này, có nhiều yếu tố tác động tới tính chính xác của kết quả xét nghiệm, bao gồm chất lượng của bộ xét nghiệm và cách thu thập, lưu trữ các mẫu thử từ người bệnh.
Còn theo TS Hoàng Vũ Mai Phương, Trưởng khoa Virus (Viện Vệ sinh Dịch tễ TƯ, Bộ Y tế Việt Nam), về nguyên tắc, sau nhiễm virus người bệnh có thể sẽ có kháng thể ít nhất khoảng 3 tháng. Do đó, ít nhất trong khoảng thời gian này, người đã khỏi bệnh không thể bị mắc bệnh trở lại.
Về vấn đề này, Bộ Y tế Việt Nam cũng đã khẳng định, những người đã mắc bệnh viêm phổi cấp do virus Corona chủng mới thì trong khoảng 2 năm không thể bị nhiễm lại. Bởi khi đó, cơ thể sản sinh ra kháng thể để ngăn ngừa virus tấn công.
Tại Việt Nam, bệnh nhân sau khi được xuất viện sẽ tiếp tục được theo dõi tại cơ sở y tế trong thời gian 14 ngày. Trong thời gian đó, nếu không có biểu hiện bệnh, xét nghiệm âm tính thì được xem như khỏi bệnh hoàn toàn và được về với gia đình.
Trong một diễn biến khác, tính đến trưa ngày 29/3 Việt Nam đã có 179 trường hợp nhiễm bệnh trong đó 21 ca được xuất viện. 60 trường hợp khác đã được xét nghiệm âm tính từ 1-4 lần, trong đó 7 bệnh nhân số: 45, 53, 64, 65, 66, 79 và 90 đã khỏi bệnh. Dự kiến, trong ngày 29, 30/3 sẽ được ra viện, chuyển cơ sở khác để theo dõi sức khỏe.