Bệnh nhân xuất huyết tiêu hóa tăng đột biến sau Tết

Anh Đào
20/02/2024 - 08:01
Bệnh nhân xuất huyết tiêu hóa tăng đột biến sau Tết

Các bác sĩ Bệnh viện Thanh Nhàn đang tiến hành can thiệp cho một ca bị xuất huyết tiêu hoá. Ảnh: NVCC

Những ngày gần đây, Khoa Cấp cứu Ngoại, Bệnh viện Thanh Nhàn (Hà Nội) liên tục tiếp nhận nhiều bệnh nhân bị xuất huyết tiêu hoá đến viện trong tình trạng nguy kịch.

ThS.BS Vũ Khang Ninh, Phó Bộ phận Cấp cứu Ngoại, Bệnh viện Thanh Nhàn cho biết, sau Tết, trung bình mỗi ngày, đơn vị tiếp nhận hàng trăm bệnh nhân từ khắp nơi chuyển đến, chủ yếu là các bệnh cao huyết áp, tim mạch, đột quỵ, viêm tụy cấp, xơ gan… Đáng lưu ý nhất trong đó phải kể đến tình trạng bệnh nhân xuất huyết tiêu hóa gia tăng đột biến. Có ngày Bộ phận Cấp cứu Ngoại bệnh viện tiếp nhận 7-10 bệnh nhân cấp cứu vì căn bệnh này.

Chỉ tính từ 28 Tết đến nay, bệnh viện đã tiếp nhận hơn 50 bệnh nhân nhập viện cấp cứu vì xuất huyết tiêu hoá, tăng gấp đôi so với thời điểm trước Tết. Hầu hết những trường hợp cấp cứu trên nền bệnh nhân xơ gan, viêm loét dạ dày, giãn tĩnh mạch thực quản, vào viện nôn ra máu khối lượng lớn, có tiền sử dùng rượu bia cùng các bệnh lý mạn tính. Bên cạnh đó cũng có những bệnh nhân xuất huyết tiêu hóa do quá stress và căng thẳng. Độ tuổi bệnh nhân ghi nhận xuất huyết tiêu hóa đa dạng, từ 26 tuổi đến trên 80 tuổi.

Nam bệnh nhân Đ.M.T, 65 tuổi, ở Hà Nội, có tiền sử loét dạ dày xuất huyết tiêu hóa 2 lần, lần gần đây nhất vào viện trong tình trạng sốc tụt huyết áp. Được biết, bệnh nhân đã sử dụng rượu liên tục trong nhiều ngày. Các bác sĩ trực đã nhanh chóng hồi sức và chỉ định mổ cấp cứu, tìm ra nguyên nhân chảy máu là ổ loét tiền môn vị kích thước khoảng 4cm. Bệnh nhân được tiến hành khâu cầm máu và cắt dạ dày. Sau 5 ngày tình trạng của bệnh nhân đã ổn định. Bệnh nhân đã truyền khoảng gần 3 lít máu trong quá trình hồi sức.

Bệnh nhân xuất huyết tiêu hóa tăng đột biến sau Tết- Ảnh 1.
Bệnh nhân xuất huyết tiêu hóa tăng đột biến sau Tết- Ảnh 2.

Vết loét tổn thương gây xuất huyết tiêu hóa ở bệnh nhân Đ.M.T đã được các bác sĩ khâu cầm máu và gần 2000ml máu cục do xuất huyết trong dạ dày bệnh nhân Đ.M.T được các bác sĩ lấy ra trong quá trình cấp cứu. Ảnh NVCC.

Nữ bệnh nhân N.T.T, 26 tuổi, ở Hà Nội, nhập viện cấp cứu ngày 14/2/2024 tại Bệnh viện Thanh Nhàn với biểu hiện đi ngoài phân đen, mệt mỏi. Các bác sĩ tiến hành nội soi dạ dày phát hiện ổ viêm, xuất huyết toàn bộ niêm mạc.

Qua khai thác thông tin được biết, bệnh nhân có tiền sử bị xuất huyết dạ dày, thời gian gần đây do áp lực, stress trong những ngày nghỉ Tết, bệnh nhân mất ngủ, không ăn được. Sau khi được điều trị can thiệp, hiện sức khỏe bệnh nhân đã ổn định.

Bác sĩ Vũ Khang Ninh cho biết, điều quan trọng nhất trong cấp cứu xuất huyết tiêu hóa là việc bác sĩ đưa ra được chỉ định mổ, xử lý thương tổn kịp thời, cầm được nguồn máu chảy.

Những dấu hiệu cảnh báo xuất huyết tiêu hóa có thể nhận biết như đau thượng vị dữ dội, nôn máu, đi ngoài phân đen hoặc đỏ, hoa mắt, chóng mặt… Xuất huyết tiêu hóa nặng gây sốc, lơ mơ, lạnh các đầu chi, vã mồ hôi, mạch nhanh, huyết áp tụt, suy tạng toàn thân, thậm chí tử vong.

Bác sĩ Vũ Khang Ninh khuyến cáo, để phòng tránh biến chứng nguy hiểm liên quan căn bệnh này, đối với những bệnh nhân đã có tiền sử xuất huyết tiêu hóa thì cần phải tuân thủ lời dặn của bác sĩ, nên kiêng tuyệt đối đồ ăn chua, cay, hạn chế ăn muối, bia, rượu, cà phê, thuốc lá và những chất kích thích có hại khác. Sử dụng những thức ăn đã được luộc, hấp, hầm nhừ hoặc những thức ăn được xay nhuyễn để dạ dày không phải làm việc nhiều.

Đối với những người hoàn toàn khỏe mạnh, chưa có tiền sử xuất huyết tiêu hóa người dân nên tránh xa các thức uống chứa cồn và chất kích thích như rượu bia, trà đặc, cà phê.

Đặc biệt tránh tối đa căng thẳng, mất ngủ, làm dạ dày tiết dịch vị nhiều hơn vào ban đêm, dễ gây loét dạ dày, chảy máu. Bên cạnh đó cũng cần hạn chế tiêu thụ thức ăn nhanh, đồ ăn nhiều dầu mỡ hay gia vị, đồ chế biến sẵn, đồ ăn quá lạnh hay quá nóng.

Để có hệ tiêu hóa lành mạnh, người dân cần xây dựng chế độ dinh dưỡng hợp lý, ăn đúng giờ, đủ 3 bữa chính một ngày, tăng cường bổ sung các loại thực phẩm giàu chất xơ, rau củ quả tươi vào khẩu phần ăn hằng ngày. Đồng thời thiết lập và duy trì lối sống lành mạnh, không thức khuya, cân bằng thời gian lao động và nghỉ ngơi, đồng thời rèn luyện thể dục thể thao nâng cao sức đề kháng cho cơ thể.

Dấu hiệu cụ thể của xuất huyết đường tiêu hóa bao gồm:

- Dấu hiệu báo trước: Đau vùng thượng vị dữ dội, đột ngột hơn mọi ngày, nhất là ở bệnh nhân có loét dạ dày, tá tràng. Cảm giác cồn cào, nóng rát, mệt lả sau uống aspirin hoặc corticoid… Khi thời tiết thay đổi (từ nóng sang lạnh, hoặc từ lạnh sang nóng), sau gắng sức tự nhiên thấy: chóng mặt, hoa mắt, mệt mỏi, thoáng ngất, lợm giọng, buồn nôn và nôn. Bệnh nhân đang trong đợt viêm nhiễm đường mật cấp.

- Biểu hiện của xuất huyết tiêu hóa:

+ Nôn máu: Đây là lý do khiến bệnh nhân đến bệnh viện cấp cứu. Số lượng từ vài chục ml đến hàng lít. Màu sắc máu có thể từ đỏ tươi, màu hồng lẫn dịch tiêu hóa hoặc màu nâu sẫm. Tính chất máu nôn ra có thể máu tươi ra ngoài mới đông, có thể thành cục (bằng hạt ngô, hạt lạc), có thể chỉ là các gợn đen lẫn với thức ăn hoặc dịch nhầy.

+ Đại tiện phân đen: Khi máu chảy số lượng nhiều phân có màu đen bóng, nhão, khắm. Khi một lượng máu lớn, chảy ồ ạt vào lòng ống tiêu hoá, phân có thể ngả sang màu đỏ. Khi máu ngừng chảy, phân số lượng ít đi, thành khuôn và màu sắc dần dần trở về màu vàng. Phân vàng là một tiêu chuẩn lâm sàng khẳng định chắc chắn máu đã ngừng chảy.

+ Các dấu hiệu khác: hoa mắt, chóng mặt, lo sợ, mệt lịm, thở nhanh, vã mồ hôi, tiểu ít, có khi vô niệu. Nếu nặng có thể có sốc, tình trạng lơ mơ, lạnh các đầu chi, vã mồ hôi, mạch nhanh.

Khoa Cấp cứu Ngoại - Bệnh viện Thanh Nhàn

Ý kiến của bạn
(*) Nội dung bắt buộc cần có
0 bình luận
Xem thêm bình luận

Nhập thông tin của bạn

Đọc thêm