pnvnonline@phunuvietnam.vn
Đổ mồ hôi như tắm khi ngủ có nguy hiểm không?
Ảnh minh họa
Đổ mồ hôi liên tục khi ngủ, hay còn gọi là tình trạng đổ mồ hôi đêm, là hiện tượng không hiếm gặp nhưng lại gây không ít phiền toái và lo lắng cho người mắc phải.
Tình trạng này có thể xuất hiện do nhiều nguyên nhân khác nhau, từ những vấn đề sức khỏe nhẹ nhàng cho tới các bệnh lý nghiêm trọng hơn. Đổ mồ hôi vào ban đêm không chỉ làm gián đoạn giấc ngủ mà còn ảnh hưởng đến chất lượng cuộc sống của người bệnh.
Dưới đây các nguyên nhân gây đổ mồ hôi liên tục khi ngủ và giải pháp để đối phó với tình trạng khó chịu này, nhằm mang lại giấc ngủ ngon và sâu hơn cho mỗi đêm.
1. Nguyên nhân gây đổ mồ hôi liên tục khi ngủ
Có nhiều nguyên nhân gây đổ mồ hôi ban đêm, dưới đây là một số lý do mà bạn có thể tham khảo:
- Môi trường ngủ
Môi trường ngủ quá nóng là một trong những nguyên nhân phổ biến nhất dẫn tới đổ mồ hôi vào ban đêm. Các chuyên gia thường khuyến nghị nhiệt độ ngủ lý tưởng là khoảng 65 độ F (khoảng 18 độ C), nhưng con số này có thể dao động "nhẹ" tùy thuộc vào sở thích và các yếu tố khác.
Cơ thể bạn trải qua những thay đổi thân nhiệt bình thường khi bạn ngủ. Trong đêm khi nhiệt độ cơ thể tăng lên, việc ở trong môi trường ấm áp có thể khiến bạn tỉnh dậy trong trạng thái đầy mồ hôi. Vì vậy, mặc dù việc mặc pijama tay dài với nhiều lớp chăn ấm có thể cảm thấy dễ chịu khi bạn bắt đầu đi vào giấc ngủ, đặc biệt là vào mùa đông, sự ấm áp đó có thể trở nên quá nóng trong đêm.
Nói cách khác, một chiếc chăn quá ấm, một chiếc đệm không đủ thoáng khí hay một bộ quần áo quá dày có thể cản trở chất lượng giấc ngủ của bạn và tăng nguy cơ đổ mồ hôi ban đêm.
- Thói quen khi ngủ
Các yếu tố bên ngoài môi trường ngủ cũng có thể ảnh hưởng tới việc đổ mồ hôi vào đêm, bao gồm:
+ Uống rượu trước khi đi ngủ
+ Tiêu thụ thực phẩm cay vào bữa tối hoặc ăn các bữa nặng đêm khuya
+ Tập thể dục gắng sức ngay trước khi đi ngủ.
Những thói quen này có thể cản trở cơn buồn ngủ thông thường và khiến bạn đổ mồ hôi nhiều hơn vào ban đêm.
- Căng thẳng và lo âu
Những vấn đề sức khỏe tâm thần như căng thẳng và lo âu cũng có thể gây ra các triệu chứng thể chất tương ứng. Đổ mồ hôi ban đêm là một trong số đó, nguyên nhân là do cơ thể tăng cường các phản ứng với rối loạn tâm thần. Các triệu chứng khác có thể gặp khi bị căng thẳng hay lo âu bao gồm tim đập nhanh, thở nhanh, cơ thể run rẩy,...
- Nhiễm trùng
Bất kỳ loại nhiễm trùng nào gây sốt cao đều có thể khiến bạn đổ mồ hôi ngay cả khi đang ngủ. Sốt xảy ra khi cơ thể bạn đang cố gắng tiêu diệt virus, vi khuẩn hoặc sinh vật khác gây nhiễm trùng.
Nếu nhiễm trùng là nguyên nhân gây ra phản ứng đổ mồ hôi liên tục ban đêm, bạn cũng có thể bị ớn lạnh, khó thở, mệt mỏi, đau nhức cơ thể, nôn mửa và các triệu chứng liên quan khác tùy loại nhiễm trùng mà bạn gặp phải là gì.
Một vài nhiễm trùng nghiêm trọng cần chú ý gây đổ mồ hôi ban đêm có thể kể đến như bệnh lao, viêm nội tâm mạc, viêm tủy xương, HIV, nhiễm nấm, nhiễm trùng bạch cầu đơn nhân,...
- Sự thay đổi hormone
Nồng độ hormone có thể thay đổi trong quá trình mang thai, sinh nở và mãn kinh. Sự mất cân bằng hormone này có thể dẫn tới việc bị đổ mồ hôi liên tục khi ngủ. Nói cách khác, quá nhiều hoặc quá ít một số hormone nhất định có thể ảnh hưởng đến cách các chất truyền tin hóa học này điều chỉnh các chức năng của cơ thể - bao gồm cả việc kiểm soát nhiệt độ bên trong của bạn.
Nếu mất cân bằng hormone là nguyên nhân khiến bạn đổ mồ hôi ban đêm, bạn cũng có thể gặp các triệu chứng khác như bốc hỏa vào ban ngày, kinh nguyệt không đều, khó ngủ,..
- Rối loạn nội tiết
Các tình trạng ảnh hưởng đến hệ thống nội tiết của cơ thể - như cường giáp và tiểu đường - cũng có thể làm giảm nồng độ hormone, đôi khi có thể dẫn đến đổ mồ hôi liên tục khi ngủ.
Chẳng hạn, với người bị bệnh tiểu đường, lượng đường trong máu có thể giảm xuống vào ban đêm. Điều này được gọi là hạ đường huyết và thường dẫn đến đổ mồ hôi nhiều hơn bình thường. Trong những trường hợp này, bạn cũng có thể gặp các triệu chứng tiểu đường phổ biến khác như khát nước và đi tiểu nhiều.
Với người mắc bệnh cường giáp, khi tuyến giáp hoạt động quá mức và một số chức năng của cơ thể bị thúc đẩy cao hơn - bao gồm cả việc sản xuất mồ hôi. Tăng tiết mồ hôi ban đêm có thể đi kèm với các triệu chứng khác liên quan đến cường giáp như sụt cân, căng thẳng và mệt mỏi.
- Tác dụng phụ của thuốc
Nhiều loại thuốc không kê đơn (OTC) và thuốc kê đơn có thể gây đổ mồ hôi ban đêm. Một số loại thuốc nhất định có thể tương tác với phần não kiểm soát thân nhiệt hoặc chúng có thể ảnh hưởng đến hệ thần kinh - dẫn tới tăng tiết mồ hôi nhiều hơn.
Những loại thuốc phổ biến gây tăng tiết mồ hôi bao gồm đổ mồ hôi liên tục khi ngủ có thể gặp như: thuốc chống viêm không steroid, thuốc giảm đau kê đơn, thuốc kháng sinh, thuốc tim mạch và huyết áp, cortisteroid, thuốc chống trầm cảm, thuốc tuyến giáp, vitamin B3, thuốc thông mũi,... Nói chuyện với bác sĩ để nhận được lời khuyên đối phó với tác dụng phụ khi sử dụng các loại thuốc này gây ra hoặc có sự điều chỉnh thuốc phù hợp.
- Chứng tăng tiết mồ hôi
Tăng tiết mồ hôi có thể xảy ra cả ngày lẫn đêm, phổ biến ở lòng bàn tay, nách, bàn chân hoặc đầu. Tăng tiết mồ hôi chưa xác định rõ ràng nguyên nhân gây ra, đôi khi là triệu chứng của một bệnh lý khác như bệnh phổi, bệnh Parkinson, đột quỵ,...
- Rối loạn thần kinh
Trong một số ít trường hợp thì đổ mồ hôi khi ngủ có thể bắt nguồn từ những vấn đề thần kinh như đột quỵ, bệnh tủy sống, rối loạn phản xạ tự phát, bệnh thần kinh tự chủ,...
Các triệu chứng có thể bao gồm chán ăn, triệu chứng tại đường tiêu hóa hoặc tiết niệu, mất ý thức, chóng mặt hoặc choáng váng, run rẩy, yếu cơ, tê và ngứa ran ở cánh tay/bàn tay/chân/bàn chân,...
- Ung thư
Mặc dù hiếm gặp nhưng đổ mồ hôi liên tục khi ngủ có thể là dấu hiệu của một số loại ung thư, trong đó có ung thư hạch Hodgkin, ung thư gan và bệnh bạch cầu khiến cơ thể đổ mồ hôi ban đêm nhiều hơn kèm theo các triệu chứng khác như giảm cân không rõ nguyên nhân, sốt, suy nhược cơ thể, ớn lạnh, sưng hạch bạch huyết, đau xương, đau ngực và bụng,...
Ngoài các nguyên nhân gây đổ mồ hôi khi ngủ kể trên thì các nguyên nhân ít phổ biến khác có thể kể đến như bệnh trào ngược dạ dày - thực quản, rối loạn giấc ngủ, ngưng thở khi ngủ,...
2. Đối phó với tình trạng đổ mồ hôi ban đêm khi ngủ
Tìm hiểu chính xác nguyên nhân gây đổ mồ hôi khi ngủ là gì sẽ giúp bạn có các biện pháp điều trị đổ mồ hôi đêm phù hợp, đặc biệt là những nguyên nhân do bệnh lý.
Một số thay đổi về môi trường ngủ và thói quen hàng ngày có thể giúp ngăn ngừa và kiểm soát tình trạng đổ mồ hôi ban đêm và hỗ trợ bạn có giấc ngủ chất lượng hơn. Chúng bao gồm:
- Giữ cho phòng ngủ mát mẻ ở khoảng 20 độ C, tùy theo độ tuổi và môi trường sống
- Chọn ga giường, chăn và quần áo phù hợp
- Tập thể dục thường xuyên giúp hệ tuần hoàn khỏe mạnh, nhưng cần đảm bảo rằng bạn tránh tập thể dục ngay sát giờ đi ngủ
- Có chế độ ăn uống lành mạnh nhiều rau, trái cây, protein nạc, ngũ cốc nguyên hạt, chất béo lành mạnh để cân bằng hormone cũng như giữ các cơ quan khác khỏe mạnh
- Kiểm soát căng thẳng bằng việc thực hành thiền, yoga, tập thờ thúc đẩy thư giãn tâm trí
- Tránh uống rượu, caffeine và các chất kích thích khác như đồ ăn cay trước khi đi ngủ để tránh tăng gánh nặng cho các cơ quan và khiến bạn đổ mồ hôi nhiều hơn.
3. Đổ mồ hôi khi ngủ cần đi khám vào lúc nào?
Nếu như việc đổ mồ hôi khi ngủ chỉ thỉnh thoảng xảy ra và không gây ra ảnh hưởng nghiêm trọng nào tới chất lượng giấc ngủ của bạn thì không cần quá lo lắng.
Tuy nhiên nếu bạn bị đổ mồ hôi liên tục ban đêm, khó ngủ và có các triệu chứng bất thường khác cần được theo dõi như giảm cân bất thường không rõ nguyên nhân, đau nhức cơ thể, yếu liệt cơ, sốt cao và ớn lạnh, ho mãn tính hoặc ho có máu, tiêu chảy và đau bụng,... thì bạn cần thăm khám bác sĩ càng sớm càng tốt.
Bác sĩ có thể sử dụng một số phương pháp khác nhau để chẩn đoán chính xác nguyên nhân gây đổ mồ hôi đêm của bạn là gì bao gồm thăm khám triệu chứng, tiền sử và đơn thuốc hiện tại nếu có; các kiểm tra thể chất và xét nghiệm máu hoặc xét nghiệm bằng hình ảnh để đánh giá.
Tóm lại, đổ mồ hôi liên tục khi ngủ là một vấn đề mà không ai muốn xảy ra. Việc nhận biết và hiểu rõ các nguyên nhân có thể giúp chúng ta tìm ra cách thức hiệu quả để giảm thiểu và quản lý tình trạng này.
Từ việc điều chỉnh nhiệt độ phòng, chọn lựa chăn ga và quần áo ngủ phù hợp; cho đến việc quản lý căng thẳng và lo âu, mỗi bước nhỏ chúng ta thực hiện có thể mang lại những thay đổi lớn trong chất lượng giấc ngủ.
Nếu tình trạng đổ mồ hôi đêm tiếp tục hoặc có dấu hiệu nghiêm trọng, đừng ngần ngại tham khảo ý kiến của bác sĩ để được chẩn đoán chính xác và có hướng điều trị phù hợp. Hãy nhớ, một giấc ngủ ngon là nền tảng quan trọng cho một sức khỏe tốt và cuộc sống hạnh phúc.