“Bệnh” quên tiếng Việt - Bài 3: Không có lợi cho văn hóa truyền thống

Công Hoan-Bách Việt
20/06/2023 - 11:57
"Bệnh" quên tiếng Việt trên bảng hiệu, nhãn hàng, trên công trình… chẳng những làm suy giảm vị thế của tiếng Việt ngay trên chính quê hương mà còn làm lệch lạc cho ngữ âm của người Việt khi phải cố gượng đọc theo tiếng nước ngoài. Hiện tượng này không có lợi cho văn hóa truyền thống.

Dễ gây họa cho tiếng Việt

Trao đổi với phóng viên Báo PNVN xung quanh vấn đề này, Tiến sĩ Trần Hữu Sơn, Nhà nghiên cứu văn hóa, nguyên Giám đốc Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch Lào Cai, cho biết: Gần đây người ta mới có xu hướng chạy theo các tên gọi kiểu Tây như vậy. Có thể là do "sính ngoại" hoặc do họ làm vậy để tạo ra những thương hiệu mới lạ, thu hút khách hàng. Nhưng việc làm đó có thể lại gây họa cho tiếng Việt, cho bản sắc văn hóa người Việt. Nó dễ khiến cho các thế hệ trẻ bị phát âm sai, hiểu sai nghĩa về những tên gọi không thuần Việt ấy. Thậm chí có những bảng hiệu mà họ chẳng biết đọc, chẳng biết hiểu thế nào cho đúng nghĩa.

"Tôi cho rằng, những quảng cáo, những bảng hiệu, nhãn hàng, những công trình đặt tên theo kiểu cố tình quên tiếng Việt, khi kinh doanh ngay trên đất nước Việt Nam, là không có lợi cho Văn hóa truyền thống của dân tộc", TS Trần Hữu Sơn nêu quan điểm.

“Bệnh” quên tiếng Việt - Bài 3: Nhìn từ góc độ văn hóa  - Ảnh 1.

TS Trần Hữu Sơn

Theo TS Trần Hữu Sơn, nhìn vào lịch sử hiện đại, chúng ta đều thấy rằng, trước năm 1954, Hà Nội từng có hơn bốn mươi tuyến phố được đặt tên tiếng Pháp. Nhưng sau 1954, tất cả các tuyến phố đó được lãnh đạo Hà Nội đổi sang tên tiếng Việt.

Điều đó cho thấy, cha ông ta đã coi trọng và giữ gìn tiếng Việt, đề cao tính văn hóa truyền thống của người Việt, từ tên các anh hùng dân tộc, đến các địa danh như Hàng Ngang, Hàng Đào, Hàng Bạc… đều được trân trọng và giữ gìn trong dòng chảy cuộc sống.

Luật quy định rõ việc sử dụng tiếng Việt với cửa hàng, biển hiệu

Trong các văn bản quy phạm pháp luật, vấn đề giữ gìn sự trong sáng của tiếng Việt luôn được các nhà lập pháp chú trọng. Luật Quảng cáo năm 2012 có những quy định rất cụ thể và chi tiết về việc sử dụng tiếng Việt trong lĩnh vực quảng cáo.

Luật sư Lê Thị Thanh Hà, Công ty Luật An Hoàng Gia, Đoàn Luật sư Thành phố Hà Nội cho biết: Quy định về tiếng nói và chữ viết trong quảng cáo, được thể hiện rõ ở Điều 18 Luật Quảng cáo 2012, quy định về tiếng nói, chữ viết trong quảng cáo. Theo đó, luật quy định, trong các sản phẩm quảng cáo phải có nội dung thể hiện bằng tiếng Việt, trừ những trường hợp nhãn hiệu hàng hoá, khẩu hiệu, thương hiệu, tên riêng bằng tiếng nước ngoài hoặc các từ ngữ đã được quốc tế hoá không thể thay thế bằng tiếng Việt.

Luật cũng quy định, trong trường hợp sử dụng cả tiếng Việt, tiếng nước ngoài trên cùng một sản phẩm quảng cáo thì khổ chữ nước ngoài không được quá ba phần tư khổ chữ tiếng Việt và phải đặt bên dưới chữ tiếng Việt; khi phát trên đài phát thanh, truyền hình hoặc trên các phương tiện nghe nhìn, phải đọc tiếng Việt trước tiếng nước ngoài.

Đối với biển hiệu của tổ chức, cá nhân hoạt động sản xuất, kinh doanh. điều 34 Luật Quảng cáo 2012 cũng quy định cụ thể. Theo đó, biển hiệu phải có tên cơ sở sản xuất, kinh doanh theo đúng giấy chứng nhận đăng ký kinh doanh; địa chỉ, điện thoại. Việc thể hiện chữ viết trên biển hiệu phải tuân thủ quy định tại Điều 18 của Luật Quảng cáo. Ngoài ra, điều luật còn quy định cụ thể kích thước biển hiệu, an toàn phong cháy chữa cháy, thoát hiểm, giao thông...

Trên đường phố Thủ đô Hà Nội xuất hiện nhan nhản các biển của cửa hàng ghi toàn tiếng nước ngoài

Ông Nguyễn Hùng Mạnh, chuyên viên Vụ Văn hóa dân tộc (Bộ Văn hóa Thể thao và Du lịch), chia sẻ: Đã có những quy định rất rõ ràng về biển quảng cáo, bảng hiệu, nhãn hiệu, nhãn hàng. Các cơ quan quản lý ở địa phương phải có trách nhiệm quản lý và xử lý những đơn vị không tuân thủ các quy định trên. 

"Tôi lấy thí dụ như hiện tượng bảng hiệu Mixue, thì cơ quan quản lý ở các địa phương phải kiểm tra xem, họ không sử dụng tên tiếng Việt là vì lý do gì, làm như vậy có đúng với quy định của Luật Quảng cáo hay chưa. Nếu có vi phạm thì cần phải xử lý nghiêm. Không thể để những nhãn hàng phát triển hệ thống ồ ạt như vậy, nhưng lại không tuân thủ quy định của nước sở tại", ông Mạnh nói. 

Việc loạn các loại bảng hiệu, nhãn hiệu hàng hóa, tên gọi các công trình của nhiều đơn vị, doanh nghiệp như hiện nay chẳng những gây khó khăn cho người dân trong việc đọc hiểu, còn dẫn đến tình trạng mất đi sự trong sáng của tiếng Việt. Giữ gìn sự trong sáng của tiếng Việt chính là một nội dung trong bảo vệ hệ giá trị văn hóa, hệ giá trị con người Việt Nam. Chẳng lẽ để căn "bệnh" quên tiếng Việt của các cửa hàng, biển hiệu cứ tràn lan như vậy? Đâu là "thuốc" chữa cho căn "bệnh" này?

(Còn nữa)

Ý kiến của bạn
(*) Nội dung bắt buộc cần có
0 bình luận
Xem thêm bình luận

Nhập thông tin của bạn

Đọc thêm