Cậu bé 6 tuổi bệnh chồng bệnh

29/07/2015 - 17:00
Thân hình mập với những bước chân chậm chạp và khó khăn, bé Bùi Minh Trí luôn nhận được sự "ưu ái" của các bác sĩ, y tá, điều dưỡng tại Bệnh viện Nhi Đồng 2 (TPHCM) bởi sự đáng yêu, kháu khỉnh và lanh lợi... 

Trí là con trai đầu lòng của vợ chồng anh Bùi Thanh Triều và chị Nguyễn Thị Minh Trang (quê Đồng Nai). Bé chào đời  vào năm 2009 bằng phương pháp sinh mổ với cân nặng 2,8kg. Do chị Trang không có sữa nên ngay từ khi rất nhỏ, bé Trí đã phải uống sữa bột. Theo anh Triều, đây có lẽ là nguyên nhân chính khiến con trai anh bị béo phì. “Bé được 2 tuổi thì đã nặng 20kg, vợ chồng tôi sợ quá nên cho con ngưng uống sữa, chỉ ăn cơm bình thường, nhưng bé vẫn mập. Tới 2,5 tuổi bé mới biết đi, nhưng do mập quá nên bé cứ ngồi rồi lết, vợ chồng tôi còn tưởng bé sẽ không bao giờ đi được”, anh Triều kể.

Anh Bùi Thanh Triều và bé Trí (Ảnh chụp 13/4/2015)

Cũng theo lời anh Triều, đây là khoảng thời gian con trai anh bắt đầu có những triệu chứng của bệnh động kinh toàn thân, vợ chồng anh phải đưa con lên TPHCM điều trị trong thời gian dài rồi về uống thuốc tại BV Tâm thần Trung ương 2 (Biên Hòa, Đồng Nai). Anh Triều nhớ lại: “Bé đang chơi thì lăn ra co giật, tím tái toàn thân, khoảng 2 phút là hết nhưng phải mất hơn 2 tiếng sau, bé mới tỉnh và chơi tiếp. Mỗi lần như vậy, tôi thường để ngón tay vào miệng con và vắt chanh cho cho bé uống. Sau khi điều trị ở TPHCM, bé được đưa về BV Biên Hòa nằm 6 tháng rồi bác sĩ cho về nhà uống thuốc, nhưng do loại thuốc đó uống vô khá nóng nên được một thời gian thì ngưng. Sau đó, bé cũng khỏi bệnh, không còn động kinh nữa”.

Tưởng rằng mọi khó khăn đã qua nhưng khoảng gần 1 năm trước, Trí có biểu hiện khò khè, khó thở vào ban đêm. Vợ chồng anh Triều đều nghĩ “không có gì nghiêm trọng” nên không đưa con đi khám. Tới khi con trai đang chơi thì ngã, toàn thân tím tái, khó thở... anh Triều mới vội vã bắt xe đưa con đến bệnh viện. Vào điều trị tại BV Đồng Nai, Trí được chẩn đoán là viêm phổi nặng, phải hỗ trợ bằng thở máy và được xuất viện sau một tháng rưỡi. Tuy nhiên, chỉ 2 ngày sau khi được về nhà, Trí lại có biểu hiện tím tái, khó thở và mặt thì sưng lớn. “Thường thì vợ chồng tôi gửi con cho bà ngoại trông giùm để đi làm, nhưng do hôm đó là ngày nghỉ nên 2 vợ chồng đều ở nhà, thấy bé có những biểu hiện lạ, tôi sợ quá liền bắt taxi đưa bé lên BV ở TPHCM. Bế con vào phòng cấp cứu, bác sĩ cho thở máy luôn và cảnh báo: “Chậm một chút nữa là không cứu được”. Con trai tôi lại bắt đầu hành trình ở bệnh viện, tôi phải xin bác sĩ cho giấy xác nhận, gửi về công ty để xin nghỉ dài hạn không lương”, anh Triều chia sẻ.

Mong bé sớm nói được!

Vốn là công nhân sản xuất giày của một công ty tại KCN Nhơn Trạch (Đồng Nai), tổng thu nhập của vợ chồng anh chỉ khoảng 7 triệu đồng/tháng. Kể từ khi con trai nhập viện điều trị, anh Triều buộc phải xin nghỉ việc không lương, lên TPHCM chăm con cùng bà ngoại Trí, mọi gánh nặng kinh tế dồn cả lên vai chị Trang.

Gần 4 tháng điều trị tại BV Nhi Đồng 2, trong đó có hơn 2 tháng nằm trong phòng cấp cứu và phải nhờ đến sự hỗ trợ của máy thở, tình trạng sức khỏe của bé Trí đã dần ổn định và chờ ngày được xuất viện. Tuy nhiên, để bé có thể cai máy thở, theo anh Triều, các bác sĩ đã phải tiến hành phẫu thuật mở khí quản ở cổ, giúp bé thở trực tiếp qua khí quản chứ không qua đường mũi và họng. Cũng kể từ đó, bé Trí không nói được, thậm chí là những từ đơn giản nhất. “Trước khi nhập viện, bé nói được vài ba câu nhưng sau khi mở khí quản, bé không nói được nữa, dù vậy sức khỏe của bé được cải thiện rõ ràng, không còn phải thở máy, khò khè ở phổi cũng hết, bé còn giảm được 10kg so với ban đầu. Bác sĩ bảo sẽ theo dõi sát và tái khám định kỳ để đóng khí quản nên vợ chồng tôi vui lắm. Điều đó đã thắp lên tia hy vọng cho bé và cả gia đình tôi”, anh Triều tâm sự.

Từ một người rất vụng về trong việc chăm sóc con nhưng từ khi con trai phải nằm viện, anh Triều học rồi tập làm tất cả những công việc mà y tá chỉ dạy để tự mình có thể làm vệ sinh khí quản cho con. Những khi khó quá, không biết làm cách nào rút ống khí quản, anh lại chạy lên khoa, nhờ sự trợ giúp của điều dưỡng rồi cẩn trọng ghi chi tiết vào tờ giấy. Chỉ vào chiếc ống nhỏ được cuốn băng keo ngay ở phía cổ con trai, anh Triều bảo: “Mấy cô y tá hướng dẫn tôi cách vệ sinh chỗ khí quản, tháo cái nòng ở đường ống nhỏ trong đó ra, ngâm nước muối cho ra đờm rồi bỏ chiếc ống khác vào thay thế, vì nếu rút ống ra quá nửa tiếng, bé sẽ không thở được. Nhìn thì đơn giản nhưng để làm được thành thạo, tôi đã mất rất nhiều thời gian”.

Thấy con rể kể về tình trạng bệnh của cháu ngoại, bà Trần Thị Mỹ Dung (54 tuổi) nói xen vào: “Hai vợ chồng nó đều làm công nhân, co kéo lắm mới đủ chi tiêu hàng tháng và nuôi 2 con nhỏ. Từ khi bé Trí phải nằm viện, con gái tôi vừa làm công nhân, vừa nhận việc làm thêm rồi lại tranh thủ lên thăm con. Do cháu ngoại tôi điều trị vượt tuyến nên viện phí rất nặng, từ khi nhập viện tới giờ đã đóng tạm ứng hơn 50 triệu đồng mà còn chưa đủ. Vay mượn bà con, rồi mỗi người cho một chút nhưng vẫn không đủ, mỗi lần thấy cháu ú ớ muốn nói, tôi xót xa rớt nước mắt”.

Bác sĩ Nguyễn Trần Nam (Bệnh viện Nhi Đồng 2 TPHCM):

Bé Trí nhập viện trong tình trạng viêm phổi nặng, thở máy kéo dài dẫn đến biến chứng nhuyễn khí quản, chúng tôi đã hội chẩn và phối hợp với các bác sĩ chuyên về tai, mũi họng, phẫu thuật mở khí quản để đường thở đi ra ngoài bằng cách mở 1 lỗ ở ống khí quản (đoạn cổ) và đặt 1 ống thông làm cho đường hô hấp thông ra ngoài da, bệnh nhân thở qua lỗ này. Mở khí quản thường gặp trong những trường hợp cấp cứu như: tắc nghẽn ở phía trên một cách đột ngột, vùng đầu, mặt cổ hoặc đường khí quản do những chấn thương, bỏng hoặc các trường hợp hóc dị vật hoặc chảy máu không cầm ở đâu đó do tai nạn... Ngoài ra, trong một số trường hợp mãn tính như bệnh nhân bị bệnh lý về đường hô hấp, thần kinh, cơ hoặc đường thở, buộc phải thở máy lâu dài, mở khí quản giúp cho bệnh nhân giảm đau, dễ chăm sóc, hút đàm dễ hơn; dễ thở và ít bị nhiễm trùng.

Tuy nhiên, khi mở đường khí quản bên ngoài, không có hệ thống làm ấm và ẩm của mũi, miệng, họng, vì vậy không khí hít vào là không khí lạnh, nguy cơ viêm nhiễm đường hô hấp.

Sau khi xuất viện, bệnh nhân phải có chế độ chăm sóc và vệ sinh đặc biệt, tránh nhiễm trùng, tái khám định kỳ để kiểm tra khí quản bên trong hồi phục và ổn định thì sẽ tiến hành phẫu thuật đóng khí quản. Trong trường hợp khí quản bị tổn thương, không thể hồi phục thì bệnh nhân phải để đường khí quản bên ngoài vĩnh viễn.

Ý kiến của bạn
(*) Nội dung bắt buộc cần có
0 bình luận
Xem thêm bình luận

Nhập thông tin của bạn

Đọc thêm