Bệnh võng mạc ở trẻ sinh non: Không điều trị sớm, trẻ dễ mù lòa

Trà Lê
12/04/2022 - 09:45
Bệnh võng mạc ở trẻ sinh non: Không điều trị sớm, trẻ dễ mù lòa

Khám sàng lọc võng mạc cho trẻ sinh non tại khoa Mắt, BV Nhi Trung ương

Bệnh võng mạc trẻ sinh non có thể gây mù lòa cho trẻ từ rất sớm, thường trong vòng 6 tháng đầu đời nếu trẻ có bệnh mà không được khám sàng lọc, chẩn đoán và điều trị.

Bệnh võng mạc ở trẻ sinh non là tình trạng bệnh lý xảy ra do sự phát triển bất thường của mạch máu võng mạc. Bệnh có thể gây mù lòa cho trẻ từ rất sớm nếu không được khám sàng lọc, chẩn đoán và điều trị kịp thời. Vì vậy, cha mẹ đừng bỏ lỡ thời điểm quan trọng để thăm khám cho trẻ.

Theo ThS.BS Lưu Quỳnh Anh, Phó khoa Mắt, BV Nhi Trung ương, nhìn bằng mắt thường, mắt trẻ sinh non hoàn toàn bình thường, bệnh phải được bác sĩ chuyên khoa mắt khám bằng đèn soi đáy mắt gián tiếp sau khi làm giãn đồng tử để quan sát toàn bộ võng mạc, sau đó đưa ra kết luận. Bác sĩ Quỳnh Anh cho biết, không phải tất cả trẻ sinh non đều phải khám sàng lọc bệnh võng mạc trẻ sinh non mà những trẻ có tuổi thai khi sinh từ 33 tuần trở xuống và cân nặng khi sinh dưới 1.800g mới cần phải khám sàng lọc mắt. Tuy nhiên, với những những trẻ có tuổi thai khi sinh trên 33 tuần, cân nặng khi sinh trên 1.800g, nhưng có thêm các yếu tố nguy cơ như suy hô hấp, viêm phổi, thở oxy kéo dài, thiếu máu, nhiễm trùng… cũng cần phải được khám mắt nếu có chỉ định của bác sĩ sơ sinh.

Cũng theo ThS.BS Lưu Quỳnh Anh, đối với bệnh võng mạc ở trẻ sinh non thì thời điểm thăm khám là rất quan trọng. Lần khám mắt đầu tiên cần được tiến hành khi trẻ được 3-4 tuần sau khi sinh và trẻ sẽ được tái khám theo lịch hẹn của bác sĩ chuyên khoa mắt. Bệnh võng mạc trẻ sinh non có thể gây mù lòa cho trẻ từ rất sớm, thường trong vòng 6 tháng đầu đời nếu trẻ có bệnh mà không được khám sàng lọc, chẩn đoán và điều trị.

Nguyên nhân của bệnh võng mạc trẻ sinh non chưa được xác định. Nhưng người ta nhận thấy rằng những trẻ càng nhẹ cân, sinh càng non, tiền sử thở oxy càng kéo dài thì nguy cơ mắc bệnh càng cao và bệnh càng nặng. Dựa theo mức độ tiến triển, bệnh được chia ra làm 5 giai đoạn. Bệnh võng mạc nếu được chẩn đoán và xử lý kịp thời, có thể ngăn chặn được tiến trình bong võng mạc ở trẻ. Trước đây, phương pháp chính để điều trị trẻ có bệnh là laser quang đông vùng võng mạc vô mạch. Tuy nhiên, với những trẻ có tuổi thai và cân nặng quá thấp sau khi gây mê để điều trị, tình trạng toàn thân của trẻ đôi khi diễn biến nặng lên hoặc với những trẻ bị thể AP ROP thì điều trị bằng laser thường không hiệu quả. Hiện nay, các bác sĩ triển khai điều trị tiêm Avastin nội nhãn cho trẻ có bệnh cần điều trị mang lại hiệu quả thành công cao.

Theo các bác sĩ, thời gian gần đây, do ảnh hưởng của dịch bệnh, nhiều gia đình có tâm lý ngại đưa con đến những cơ sở y tế có bác sĩ chuyên khoa mắt khám sàng lọc bệnh võng mạc trẻ đẻ non, kể cả những bé đã được bác sĩ khám sàng lọc mắt và hẹn khám lại. Trong số đó có những bé không may bị bệnh mà không được khám và can thiệp kịp thời, đã bị bong võng mạc không còn cơ hội điều trị, dẫn đến mất đi ánh sáng vĩnh viễn không thể chữa được.

Hiện nay, công tác khám sàng lọc, phân luồng bệnh nhân mùa dịch tại BV Nhi Trung ương cũng như các bệnh viện khác diễn ra rất nghiêm ngặt với quy trình được thiết lập rõ ràng, đảm bảo việc thăm khám cho bệnh nhi. Do đó, các bậc phụ huynh có thể yên tâm khi đưa con đi khám chữa bệnh. Các gia đình có các bé sinh non trong độ tuổi cần khám sàng lọc bệnh võng mạc trẻ sinh non nên cho trẻ đi khám theo đúng lịch hẹn của bác sĩ chuyên khoa Sơ sinh và bác sĩ chuyên khoa Mắt để tránh những hệ lụy sau này cho trẻ và gia đình.

Ý kiến của bạn
(*) Nội dung bắt buộc cần có
0 bình luận
Xem thêm bình luận

Nhập thông tin của bạn

Đọc thêm