pnvnonline@phunuvietnam.vn
Bếp ăn 0 đồng tiếp sức đến trường cho trẻ em K’Ho
Chị Kơ Să K'Mho (33 tuổi, người K'Ho) thức dậy sớm để nấu bữa sáng miễn phí cho đám trẻ thôn Buôn Chuối (xã Mê Linh, huyện Lâm Hà, tỉnh Lâm Đồng). Ảnh: CAO NHƯ QUỲNH
Thôn Buôn Chuối là nơi có kinh tế - xã hội đặc biệt khó khăn, nằm cách trung tâm xã Mê Linh khoảng 10km. Phần đông người dân sinh sống tại buôn này là người dân tộc thiểu số K'Ho.
Vì đói… nên nghỉ học
Sinh ra trong gia đình có 12 người con, nhưng do hoàn cảnh khó khăn nên chị Mho học hết lớp 7 thì phải nghỉ. Sau này, khi thấy những đứa trẻ trong buôn thường đi lững thững ngoài đường mà không đến trường đầy đủ, chị Mho gặng hỏi thì nhận được câu trả lời đầy xót xa: "Con đói… nên nghỉ học".
Người dân Buôn Chuối chủ yếu làm nông, trồng và chăm sóc rẫy cà phê của gia đình hoặc đi làm thuê cho người khác. Công việc của ba mẹ vất vả, thu nhập không ổn định nên những đứa trẻ nơi đây thường đến trường mà không có gì lót bụng vào buổi sáng.
Trường Tiểu học và Trung học cơ sở Cill Cus (thôn Hang Hớt, xã Mê Linh) - nơi những đứa trẻ Buôn Chuối theo học ở cách buôn khoảng 4km. Gần một nửa đoạn đường đến trường là đất đỏ, trời nắng thì bụi mù mịt, mưa đến thì sình lầy nặng, xe máy gần như không thể chạy qua được nên các em phải đeo cặp đi bộ đến trường. Mặt đường trơn trượt nên lắm khi các em té ngã, cả người lấm lem bùn đất.
Thương những đứa trẻ đến trường với cái bụng đói nên từ lâu, chị Mho đã nhen nhóm ước mơ được nấu những bữa ăn miễn phí cho đám trẻ. Cứ ngỡ điều ước ấy mãi sẽ không trở thành hiện thực khi cuộc sống của vợ chồng chị Mho cũng chật vật đủ đường.
Nhưng đến năm 2018, một mạnh thường quân ở TPHCM đến buôn tặng quà cho các hoàn cảnh khó khăn. Như một mối duyên lành, chị Mho cùng người này trở thành bạn và thân thiết như chị em trong gia đình. Biết chị Mho muốn được nấu những bữa ăn miễn phí, giúp các em no bụng, an tâm đến trường, người này đã quyết định hỗ trợ kinh phí để làm nên "bếp ăn 0 đồng trong mơ".
Bằng tất cả nỗ lực, chị Mho đã duy trì bếp ăn 0 đồng được 5 năm, tiếp sức đến trường cho khoảng 100 trẻ tại buôn. Từ năm 2018 dến năm 2022, bếp ăn hoạt động đều đặn từ thứ 2 đến thứ 6. Tuy nhiên, do sức khỏe của chị Mho yếu dần nên hiện tại, chị Mho nấu cho các em ăn 3 ngày/tuần (thứ 2, thứ 4 và thứ 6) và vào các dịp đặc biệt như Tết Trung thu, Tết Nguyên Đán,…
Vào thứ 7 hằng tuần, chị Mho sẽ nhận thức ăn từ mạnh thường quân ở TPHCM gửi đến và lên thực đơn nấu ăn cho các em. Chị linh hoạt thay đổi thực đơn liên tục để các em không ngán như: Cá kho dưa, thịt kho dưa, xúc xích chiên, trứng chiên, nem chiên… Chị Mho cũng trồng một vườn rau nho nhỏ gần nhà để có thêm chút đỉnh nguyên liệu nấu cho các em ăn.
Những ngày bếp ăn "đỏ lửa", chị Mho thường thức dậy từ 4h30 sáng để sơ chế, chuẩn bị nấu cả trăm suất ăn. Thực đơn gồm có một món mặn, một món canh, còn cơm thì gia đình của các em trong buôn tự chuẩn bị.
Khẩu phần ăn nhiều nên chị Mho sẽ nấu bằng chiếc bếp củi đặt trong sân. Mỗi lúc trời mưa lớn, chị Mho chật vật lấy tôn che quanh căn bếp để lửa không bị dập tắt. Món ăn vừa hoàn thành cũng là lúc cả người chị Mho ướt sũng.
Dù trời lạnh nhưng đồng hồ vừa điểm 5h30 sáng, nhiều đứa trẻ trong Buôn Chuối tay cầm theo tô hoặc cà mèn đã xuất hiện, quây quần trước bếp ăn của chị Mho. Gương mặt của các em bừng sáng, ánh mắt tràn đầy niềm hạnh phúc khi sắp được chị Mho chia thức ăn.
Mong khỏe để duy trì bếp ăn
Chị Mho chia sẻ: "Để chuẩn bị đồ ăn đảm bảo vệ sinh và sức khỏe cho các em, tôi tham gia thêm các lớp tập huấn về an toàn thực phẩm do địa phương tổ chức. Các em Buôn Chuối rất mê món thịt kho, xúc xích chiên. Bạn nào hôm đó đã ăn sáng ở nhà rồi thì sẽ đến lấy đồ ăn để mang đi học, dùng ăn trưa.
Khi chia đồ ăn cho các em, tôi luôn hỏi các em xem thử món ăn tôi nấu có hợp khẩu vị không. Nhận được góp ý từ các em, tôi rút kinh nghiệm và điều chỉnh gia vị để lần sau nấu ngon hơn".
Dù đã 33 tuổi nhưng chị Mho chỉ nặng 37kg và cao chưa tới 1m40. Chị Mho thường xuyên đau ốm. Có những thời điểm, chị Mho bị đau xương khớp nặng và không thể đi lại được. Thời gian ấy, bếp ăn phải dừng hoạt động khoảng 2 tuần, trẻ em trong Buôn Chuối buồn ra mặt.
Đó cũng là lần duy nhất, trong chị Mho thoáng qua suy nghĩ đóng cửa bếp ăn 0 đồng. Chị trăn trở mãi, lo sợ những đứa trẻ trong Buôn Chuối sẽ nghỉ học vì không có đủ đồ ăn nên chị gắng vực dậy để tiếp tục nấu bếp.
Đằng sau sự nỗ lực không ngừng nghỉ của chị Mho còn có sự hy sinh, ủng hộ hết mình của anh Liêng Hót Ha Lanh (34 tuổi, chồng chị Mho). Những hôm chị Mho bị ốm, anh Lanh xung phong dậy sớm sơ chế đồ ăn để vợ ngủ thêm một chút.
Anh Lanh tâm sự: "Những ngày bếp phải tạm đóng cửa, tôi nhớ lũ trẻ lắm. Nụ cười cùng lời cảm ơn của những đứa trẻ trong buôn khi cầm trên tay phần thức ăn nóng hổi chính là động lực để hai vợ chồng tôi vượt qua mọi trở ngại và duy trì bếp ăn đến tận bây giờ".
Vợ chồng chị có 3 người con là K'Mơ (12 tuổi), Ha Lực (10 tuổi) và Ha Mạnh (7 tuổi). Tài sản quý nhất của gia đình cũng chỉ có 2 sào cà phê được bố mẹ cho đất. Mỗi năm vợ chồng chị Mho thu chưa đến 5 tạ cà phê nhân, năm nào mất mùa thì chỉ thu được khoảng 1 tạ. Thu nhập chính của gia đình phần lớn dựa vào công việc làm phụ hồ của anh Lanh, tiền công khoảng 200.000 đồng/ngày. Sau đợt dịch Covid-19, ít người thuê làm hồ nên cuộc sống của gia đình chị Mho thêm phần vất vả.
Năm 2021, vợ chồng chị Mho chạy vạy khắp nơi mới vay đủ tiền để xây tạm căn nhà che nắng che mưa. Cả hai vợ chồng đều rất coi trọng việc học và làm tất cả để các con được đến trường. Không chỉ động viên con cái trong nhà, chị Mho còn từng vận động một em trong buôn đã bỏ học hai năm đến trường trở lại.
Với chị Mho, chỉ có học thì mới đủ hiểu biết để có công việc ổn định và cơ hội thoát nghèo. Ngày trước, chị cũng phải nghỉ học sớm vì gia đình đông con, nghèo quá nên đến bộ sách giáo khoa cũng không mua nổi.
"Bây giờ, điều tôi hy vọng chính là bản thân có đủ sức khỏe để duy trì, gắn bó với bếp ăn 0 đồng này. Tôi thương mấy đứa nhỏ trong Buôn Chuối như là máu thịt của mình, mong mấy đứa luôn được no bụng, đi học đầy đủ, chăm ngoan và nghe lời thầy cô", chị Mho xúc động.