pnvnonline@phunuvietnam.vn
Bi kịch của phái nữ khi những clip nhạy cảm bị tung lên mạng
Nỗi đau dày vò
Alexandra Ryan (30 tuổi) sống tại Dublin (Ireland) đang có sự nghiệp rất sáng khi điều hành một trang web liên quan phụ nữ, nhưng mọi thứ đảo lộn khi cô phải trải qua 5 năm sống trong sợ hãi chỉ vì một đoạn clip sex quay lén.
"Một buổi tối, khi tôi đang đi nghỉ ở Hy Lạp cùng em gái thì nhận được nhiều cuộc gọi nhỡ từ một số điện thoại. Tôi tò mò nên đã trả lời ở lần gọi thứ 5. Đó chính là cô gái đang yêu người đàn ông tôi đã ngủ cùng. Cô ấy nói "tôi đang xem băng sex của cô, trông cô không được đẹp" và dọa tôi rằng mọi người rồi cũng sẽ xem thôi. Tôi nghe thấy tim mình đập mạnh trong lồng ngực, tôi nghĩ mình sắp bị một cơn đau tim rồi. Tôi bật khóc. Đoạn video này được quay không có sự đồng ý của tôi, tôi còn không biết mình bị quay. Cả anh ấy và tôi đều độc thân khi ngủ với nhau, nhưng vài tuần sau anh ấy lại trở thành người từng có quan hệ với một phụ nữ khác", cô Ryan kể lại.
Lúc đó chưa có một luật nào chống lại việc chia sẻ những hình ảnh và video của người khác khi họ không biết, không đồng ý. Cô cảm thấy hoàn toàn bất lực và đơn độc. Người phụ nữ đó không bao giờ bị trừng phạt bởi những gì cô ta đã làm. Do đó, đoạn video là đám mây đen tối giăng trên cuộc đời cô gái 25 tuổi như Ryan. Khi vẫn đang trong kỳ nghỉ, một người bạn nhắn tin cho cô: "Chuyện gì đang xảy ra vậy? Mọi người đang đồn rằng cậu có clip sex".
Ryan trở lại Dublin, luôn lo lắng và mỗi ngày đều là cực hình. Mỗi sáng, cùng một suy nghĩ sẽ xuất hiện trong đầu: "Nếu nó xuất hiện hôm nay thì sao?". Cô bắt đầu uống rượu để đối mặt với nỗi xấu hổ quá mức và những lo lắng cô phải vật lộn hàng ngày. Vài năm sau, cô lại phải nhận email tống tiền từ một người lạ trên Instagram về clip sex đó.
Ryan quyết định đến gặp cảnh sát, kể lại mọi việc và cảnh sát bắt tay điều tra. Sự việc cuối cùng đã được giải quyết và cuộc sống của Ryan đã bình yên trở lại. Chính phủ Ireland hiện đã hình sự hóa việc bắt giữ và phát tán nội dung khiêu dâm trả thù, có thể bị phạt tù tới 10 năm, kèm theo một khoản tiền phạt không giới hạn.
Bi kịch chấn động nước Ý
Tháng 4/2015, Tiziana Cantone (khi đó 30 tuổi) đã tự gửi clip nóng của chính mình cho một nhóm bạn qua group trên ứng dụng nhắn tin Whatsapp. Mục đích của cô là để người yêu cũ - một thành viên trong nhóm - phải nổi máu ghen tuông. Điều Cantone không ngờ là clip của cô nhanh chóng bị phát tán lên mạng và thu hút hàng triệu lượt xem. Chẳng bao lâu, cô đã thực sự trở thành hiện tượng internet. Bi kịch nằm ở cách mà dư luận mỉa mai, thóa mạ Cantone và cô rơi vào những khoảng thời gian tăm tối.
Cantone mất hàng tháng trời ra tòa để đấu tranh, tìm cách gỡ bỏ clip nóng của mình và mặc dù chiến thắng, cô vẫn phải trả hơn 22.000 USD cho chi phí tố tụng. Sau gần 1 năm ròng rã ở tòa án, Cantone giành về cho mình "quyền được lãng quên" để xóa bỏ clip của chính mình khỏi các trang mạng và công cụ tìm kiếm, gồm cả Facebook.
Cô tìm cách đổi tên, bỏ việc, chuyển nơi sinh sống nhưng vẫn không chạy thoát khỏi những lời mai mỉa, mắng chửi, nỗi ám ảnh. Và cái chết là lựa chọn sau cuối. Ngày 13/9/2016, 18 tháng sau khi bị phát tán clip, Tiziana Cantone treo cổ tự tử trong nhà của họ hàng gần Naples.
Với bà Maria Teresa Giglio, cái chết của con gái chỉ là sự khởi đầu mà thôi. Bà quyết định theo đuổi một vụ kiện tục mới: Quy trách nhiệm về các công ty công nghệ khi họ không xóa những video của Cantone nhanh chóng. Mỗi ngày, bà truy tìm những gã đàn ông đang cố gắng xem đoạn băng sex của con gái mình. Bà bắt đầu bằng việc tìm kiếm tên con gái mình: Tiziana Cantone. Sau đó, bà tiếp tục lùng sục khắp các trang web để tìm ảnh của cô và cố gắng truy tìm các kênh hay những trang cá nhân vẫn còn đang lưu giữ video của con gái mình. Các công tố viên ở Naples đã mở một cuộc điều tra về tội "xúi giục tự sát", một cáo buộc hình sự thường được sử dụng trong các trường hợp tử vong nhưng cũng có thể được sử dụng trong các trường hợp bị bắt nạt khủng khiếp như với Cantone.
Ngày 25/5/2016, quyền được lãng quên đã được nâng cấp khi Quy định bảo vệ chung mới của Liên minh châu Âu (EU) có hiệu lực. Đây là quy định của luật EU về bảo vệ dữ liệu và quyền riêng tư cho tất cả các cá nhân trong EU và Khu vực kinh tế châu Âu. Nếu một công ty không nhanh chóng thực hiện, họ sẽ đối mặt với án phạt lên đến 20 triệu euro hoặc 4% lợi nhuận năm trên toàn cầu, tùy thuộc vào mức độ họ không tuân thủ. Đối với Google và Facebook, con số đó có thể lên đến hàng tỷ euro.
Bùng nổ trong đại dịch
Một nghiên cứu quốc tế được thực hiện bởi cô Anastasia Powell, giảng viên nghiên cứu công lý và pháp lý tại Đại học RMIT (Australia) và Adrian J. Scott, giảng viên cao cấp về tâm lý học tại Goldsmiths, Đại học London (Anh) cho thấy, cứ ba người thì có một người ở Australia, New Zealand và Anh đã trải qua một số hình thức lạm dụng tình dục dựa trên hình ảnh. "Những tác hại này còn vượt xa những hành động trả thù thông thường, bởi nó được chuyển sang hành vi bạo lực gia đình, rình rập, bắt nạt và quấy rối tình dục", nghiên cứu cho biết.
Các chuyên gia ở nhiều quốc gia cho biết, giáo dục và nâng cao nhận thức là những bước quan trọng nhất để ngăn chặn lạm dụng dựa trên hình ảnh, cùng với việc thiết lập các cơ chế hỗ trợ cho những nạn nhân. Sophie Mortimer, người quản lý đường dây nóng Revenge Porn (Lên án hành động phát tán phim, ảnh khiêu dâm mà không có sự đồng thuận của nhân vật) do chính phủ Anh tài trợ, cho biết số người trưởng thành tìm kiếm sự hỗ trợ cho việc lạm dụng hình ảnh nhạy cảm năm 2020 đã tăng gần gấp đôi năm 2019, lên 3.146 trường hợp. 62% là nữ và phần lớn họ rơi vào tình trạng lo lắng, khủng hoảng.
Chính quyền Hồng Kông (Trung Quốc) đã công bố một sửa đổi đối với sắc lệnh tội phạm nhằm ngăn chặn các đoạn clip ghi lại những phút thân mật không có sự đồng thuận, bao gồm cả việc tán tỉnh và chụp ảnh hoặc đe dọa đăng ảnh, video thân mật mà không được phép. Những kẻ phạm tội sẽ bị phạt tù tối đa là 5 năm và có thể bị đưa vào danh sách tội phạm tình dục.