Bi kịch đạt điểm tuyệt đối vẫn trượt đại học, kỳ thi tốt nghiệp THPT liệu có còn ổn?

Nhật Lam
17/09/2021 - 17:46
Bi kịch đạt điểm tuyệt đối vẫn trượt đại học, kỳ thi tốt nghiệp THPT liệu có còn ổn?

Ảnh minh họa

Với mức điểm chuẩn cao đột biến, nhiều học sinh xét tuyển vào đại học năm nay rơi vào tình trạng điểm cao nhưng vẫn trượt. Điểm chuẩn tăng nằm trong dự đoán, nhưng mức tăng đột biến như năm nay khiến nhiều phụ huynh, học sinh và chuyên gia không khỏi bất ngờ.

Sốc vì điểm cao vẫn trượt

N.T.H - học sinh ở huyện Đan Phượng, Hà Nội - hiện vẫn chưa hết sốc khi với 25 điểm trong tay, em vẫn trượt NV1 vào ĐH Thương mại. Năm nay, trường ĐH Thương mại đều có mức trên 26 điểm với đại đa số các ngành học, cao hơn 2 - 3 điểm so với  năm ngoái.

Năm 2020, điểm chuẩn của Trường Đại học Thương mại lấy trên 24 điểm ở tất cả các ngành. Trong đó, cao nhất là ngành Marketing 26,7 điểm. Các ngành trên 26 điểm khác như Logistic và Chuỗi quản lý cung ứng (26,5 điểm), Kế toán (26 điểm), Kinh doanh Quốc tế (26,3 điểm). Thấp nhất là ngành Tài chính - Ngân hàng với 24 điểm.

"Đoan chắc sẽ trúng NV1 vào trường nhưng giờ đã trượt rồi, các nguyện vọng sau của em cũng mờ mịt lắm vì điểm ở đâu cũng rất cao, em xác định đợi chờ trong vô vọng" – H. thở dài cho hay.

Bi kịch đạt điểm tuyệt đối vẫn trượt đại học, kỳ thi tốt nghiệp THPT liệu có còn ổn? - Ảnh 1.

Bi kịch đạt điểm tuyệt đối vẫn trượt đại học, kỳ thi tốt nghiệp THPT liệu có còn ổn? - Ảnh 2.

Điểm chuẩn ĐH Thương mại năm 2021 đại đa số trên 26 điểm

Một học sinh khác ở quận Cầu Giấy, Hà Nội cũng có điểm thi 27,9 điểm nhưng vẫn không thể đỗ NV1 trường ĐH Ngoại thương do điểm chuẩn của trường năm nay rất cao.

Đặc biệt hơn, với nhiều thí sinh, dù đạt tới 10 điểm tuyệt đối ở cả 3 môn của tổ hợp xét tuyển đại học với mức tối đa 30 điểm, nhưng vẫn có thể trượt nguyện vọng một vào ngành học yêu thích nhất nếu không có điểm cộng ưu tiên.

Trong đó, phải kể đến ngành Sư phạm Ngữ văn chất lượng cao của Đại học Hồng Đức với mức điểm 30,5 điểm - mức điểm đầu vào kỷ lục nhất từ trước đến nay của trường Hồng Đức nói riêng và nhiều trường ĐH nói chung. Ngoài việc phải điểm thi rất cao, thí sinh còn phải có thêm điểm cộng ưu tiên mới có cơ hội trúng tuyển.

Bên cạnh ngành Sư phạm Ngữ văn, nhiều ngành khác của trường này cũng có điểm chuẩn rất cao như ngành Sư phạm Lịch sử chất lượng cao với 29,75  điểm; ngành Sư phạm Lịch sử 28,5 điểm; ngành Sư phạm Toán học chất lượng cao với 27,2 điểm.

Ngành Xây dựng lực lượng Công an Nhân dân của Học viện Chính trị Công an Nhân dân cũng giữ mức kỷ lục với điểm chuẩn lên tới 30,34 điểm. Mức điểm này được áp dụng với thí sinh nữ phía Bắc xét tuyển bằng tổ hợp C00. Điểm chuẩn ngành Nghiệp vụ An ninh của Học viện An ninh Nhân dân cũng ở mức rất cao với 29,99 điểm, áp dụng cho thí sinh nữ ở địa bàn 1 (10 tỉnh miền núi phía Bắc), dự thi khối A01; 29,84 điểm với thí sinh nữ ở địa bàn 2 (gồm các tỉnh, thành ở khu vực đồng bằng, trung du Bắc Bộ)

Các trường khác như Học viện Cảnh sát nhân dân, Học viện Chính trị Công an nhân dân… cũng có mức điểm chuẩn trên 29 điểm mới chắc chắn một chân vào trường.

Một ngành khác mà năm ngoái cũng đã "hot" sẵn, năm nay tiếp tục nổi sóng là ngành Hàn quốc học thuộc ĐH KHXH&NV, ĐHQGHN. Ngành này tuyển theo khối C00, với mức điểm chuẩn tròn trịa 30 điểm. Ngành báo chí cũng lên mức trên 28 điểm – một mức điểm được cho là cao kỷ lục từ trước đến nay của ngành này.

Kỳ thi tốt nghiệp THPT liệu có còn ổn?

Lý giải cho việc điểm chuẩn tăng rất cao vượt mức tưởng tượng, PGS. TS Đỗ Văn Dũng, nguyên Hiệu trưởng trường ĐH Sư phạm Kỹ thuật TPHCM cho biết, nguyên nhân kể đến là do năm nay dịch Covid-19 ảnh hưởng nặng nề nên nhiều trường ĐH, nhất là khu vực phía Nam sợ kỳ thi tốt nghiệp THPT không thể tổ chức nên đã dành phần lớn chỉ tiêu để xét tuyển các phương thức khác.

Nhiều trường trước khi có điểm thi tốt nghiệp THPT đã chủ động sử dụng các phương thức khác để tuyển gần đủ, có trường lên đến 80%, chỉ còn 20% ít ỏi chỉ tiêu dành cho điểm thi tốt nghiệp THPT. Lý do này khiến điểm chuẩn đội lên so với dự đoán.

Về phía thí sinh, PGS.TS Đỗ Văn Dũng cho rằng, các em cũng gặp không ít trở ngại khi điểm cao, dễ dẫn đến tâm lý chủ quan khi đăng ký hoặc điều chỉnh nguyện vọng. Cùng với đó, do dịch bệnh nên các em không được sát sao với việc tư vấn tuyển sinh, nhiều em tự ý điều chỉnh theo tâm lý chủ quan nên dẫn đến tình trạng đăng ký nhiều nguyện vọng mà vẫn không đỗ.

Phân tích sâu hơn về điều này, chuyên gia giáo dục - TS. Lê Thống Nhất cho rằng, điểm chuẩn cao không nằm ngoài dự đoán sau khi Bộ GD&ĐT phân tích phổ điểm một số khối thi. Tuy nhiên, nhiều ngành tăng mạnh điểm chuẩn ngoài mức tưởng tượng.

Bi kịch đạt điểm tuyệt đối vẫn trượt đại học, kỳ thi tốt nghiệp THPT liệu có còn ổn? - Ảnh 3.

TS Lê Thống Nhất cho rằng kỳ thi tốt nghiệp THPT không còn phù hợp để xét tuyển ĐH

Có hai yếu tố dẫn đến điều này. Thứ nhất, nhiều trường nhiều ngành có nhiều phương thức tuyển sinh khác nhau, đã kịp tuyển gần đủ trước khi sử dụng điểm thi tốt nghiệp THPT. Thứ hai là tâm lý chủ quan, đăng ký ngành nghề theo trào lưu của nhiều thí sinh hiện nay.

"Trong việc lựa chọn trường, hướng nghiệp, đôi khi học sinh đi theo xu hướng xã hội, mang tính trào lưu khiến ngành đó sốt, điểm chuẩn theo đó tăng lên. Đây là điều đã từng xảy ra, nếu hệ thống có thể thấy lúc thì xu hướng vào kinh tế, lúc thì vào khối ngành công nghệ, lúc vào tài chính, có giai đoạn tập trung vào trường luật nhiều khiến điểm chuẩn tăng lên" – TS Lê Thống Nhất cho hay.

Vấn đề ở chỗ, điểm chuẩn cao và dồi dào nguồn tuyển, nhưng chưa chắc các trường cảm thấy hài lòng. "Khi điểm cao, các trường dễ lúng túng, chỉ cần xê dịch 0,25 điểm thôi là khác. Điểm cao chưa chắc đã dễ tuyển sinh, vì để tuyển tốt thì tính phân hóa điểm phải cao. Trước đây không có chuyện điểm chuẩn lên đến 30 điểm nhưng nguồn tuyển vô cùng tốt, chất lượng" – ông phân tích.

Trước bất cập này, TS Lê Thống Nhất nhấn mạnh, Bộ GD&ĐT nên để các trường ĐH tự chủ trong tuyển sinh. Theo ông, đây là quyết định đúng đắn, được đưa vào luật GD Đại học nhưng ko có nghĩa là tự chủ muốn làm gì cũng được.

Theo đó, các trường phải lên phương án tuyển sinh, để bộ GD&ĐT kiểm duyệt, tránh việc quay trở lại câu chuyện trường nào cũng tổ chức thi gây tốn kém xã hội trước đây. "Các trường có thể liên kết với nhau để tổ chức kỳ thì chung, sử dụng kêt quả của trung tâm khảo thí để làm căn cứ tuyển sinh thì điều này mới là xu hướng. Còn nếu như hiện nay, chất lượng đầu vào không đảm bảo thì đầu ra cũng bất cập. Nhân nhượng đầu vào, đầu ra lại kém sẽ không đáp ứng yêu cầu xã hội" - ông cho hay.

TS Lê Thống Nhất đề nghị Bộ GD&ĐT không nên sử dụng kỳ thi tốt nghiệp THPT để xét tuyển đại học. Thay vào đó là đưa các trung tâm khảo thí chất lượng vào hoạt động để giúp các trường tuyển được nguồn tuyển có chất lượng, chứ không phải phụ thuộc phần lớn vào  kỳ thi tốt nghiệp thpt như hiện nay.

Ý kiến của bạn
(*) Nội dung bắt buộc cần có
0 bình luận
Xem thêm bình luận

Nhập thông tin của bạn

Đọc thêm