pnvnonline@phunuvietnam.vn
Bí kíp để gia đình có con nhỏ giữ gìn không gian sống gọn gàng, sạch sẽ
Không ít bà mẹ có con nhỏ than phiền, từ khi có bé, nhà cửa lúc nào cũng trong tình trạng bừa bãi, đồ đạc vứt lung tung và không hề ngăn nắp. Mỗi lần trở về nhà, muốn tìm một không gian sạch sẽ cũng khó, điều này ảnh hưởng trực tiếp đến tinh thần của mọi thành viên trong gia đình.
Tất nhiên, việc bừa bộn khi nhà có trẻ con là điều khó tránh khỏi, tuy nhiên vẫn có một số cách giúp mẹ bỉm giữ gìn nhà cửa gọn gàng, ngăn nắp.
1. Hạn chế mua những món đồ chơi không cần thiết
Khi có con, các mẹ bỉm dường như muốn "ôm cả thế giới" về nhà. Chỉ cần nhìn thấy món đồ nào vừa mắt, xinh xắn một chút là mang về ngay. Tuy nhiên, trước khi mua thêm đồ mới, mẹ cần tính toán xem món đồ này có cần thiết không, có phù hợp không, sẽ để ở đâu trong nhà và hiệu quả sử dụng như thế nào.
Trẻ con thích đồ mới nhưng cũng nhanh chán. Có thể bạn không biết nhưng chỉ cần cùng một món đồ mà có 2 màu sắc khác nhau cũng khiến trẻ thích thú rồi. Bởi vậy, hãy thật cân nhắc khả năng sử dụng của một món đồ chơi nào đó nhé.
2. Sắm kệ đồ riêng cho bé
Một đứa trẻ sẽ cần rất nhiều đồ dùng, từ quần áo, thuốc thang, bỉm sữa, đồ chơi... Và nếu cứ để chúng một cách lung tung, bừa bãi thì ảnh hưởng rất nhiều đến không gian sống cũng như khó tìm kiếm mỗi khi cần dùng.
Vì vậy mẹ hãy chuẩn bị một chiếc tủ vừa đủ dành riêng cho con, ở đó có đựng mọi thứ mà con cần. Phía trên cao mẹ có thể để món đồ như các loại thuốc, quần áo mùa đông/ hè chưa sử dụng đến. Còn phía dưới nên để đồ chơi, bỉm sữa... để có thể tìm kiếm dễ dàng.
Thêm vào đó, mẹ cũng nên sử dụng thùng chứa đổ, sẽ gọn gàng hơn nhiều so với việc để lung tung vào một chỗ. Đây là một nơi tốt nhất để chứa đồ vật của bọn trẻ. Mẹ nên đặt trong góc phòng của bé những cái thùng hoặc giỏ (nếu cần hãy dán lên đó mảnh giấy phân loại đồ chơi) sẽ giúp cho bé dễ dàng hơn trong việc bỏ đồ đạc vào, dọn dẹp một cách đơn giản nhất. Bé chỉ việc cất đồ chơi vào thùng sau khi chơi xong.
3. Dành ra không gian cho con chơi đùa
Đừng cố nhồi nhét hết mọi đồ đạc khiến bé không còn chỗ chạy nhảy, vui chơi. Không gian cho con cần được sắp xếp gọn gàng, cẩn thận, dù với phòng to hay nhỏ. Hoạt động thể chất rất cần thiết với một em bé, thế nên mẹ hãy dành ra một khoảng không gian đủ lớn nhé.
4. Thiết lập những nguyên tắc cơ bản cho trẻ
Luôn khuyến khích và nhắc trẻ nhặt đồ chơi thường xuyên nêu mẹ không muốn căn phòng như vừa phải trải qua một trận bão lớn. Trong trường hợp trẻ không chịu dọn dẹp và nhất định để đồ chơi rơi khắp nhà thì mẹ có thể sử dụng biện pháp, đó là nếu con không nhặt đồ chơi thì những món đồ đó thì sẽ bị tịch thu. Chắc chắn là trẻ sẽ không muốn bị mất những món đồ chơi yêu thích nên sẽ tự dọn dẹp gọn gàng. Mẹ lưu ý là không được mềm lòng, tự phá hủy nguyên tắc của mình đặt ra đấy nhé!
5. Làm đến đâu dọn tới đấy, đừng trì hoãn
Nhiều mẹ bận rộn thường để việc dọn dẹp vào cuối tuần, tuy nhiên điều này sẽ gây ra tâm lý chán nản, khó chịu vì suốt cả tuần phải "đối mặt" với căn phòng không hề sạch sẽ. Tốt nhất, mẹ hãy dành ra khoảng thời gian cuối ngày, rủ con cái cùng tham gia vào việc dọn dẹp nhà cửa. Được như vậy thì ngày nào mẹ cũng sẽ được tận hưởng không gian sống tươi mát, sạch sẽ.
6. Đừng làm việc nhà một mình
Ngoài mẹ thì bố và các con cũng nên đóng góp vào việc dọn dẹp và chăm sóc nhà cửa. Đây là nghĩa vụ chứ không phải là "nhờ vả". Nhiều gia đình mặc kệ cho mẹ tự dọn dẹp, còn bố và các con liên tục bày bừa, điều này về lâu dài sẽ gây ức chế cho mẹ bỉm.
Muốn nhà cửa sạch sẽ, các thành viên phải cùng nhau cố gắng. Nên ngồi lại và quy định thời gian làm việc nhà thế nào cho phù hợp, ví dụ như mẹ dọn bếp, bố dọn phòng khách, con dọn đồ chơi... Việc dạy con làm việc nhà từ sớm cũng sẽ tạo cho bé tính tự giác, nề nếp gọn gàng... rất cần thiết cho tương lai của con.