Thường thường, các bà mẹ vẫn sợ con gái vụng về đi làm dâu sẽ khổ vì bị nhà chồng chê. Nào ngờ chị lại khổ vì được khen nhiều quá. Mẹ chồng kén dâu đảm vì lo lắng không dám trao con trai mình vào tay người đàn bà đoảng. Nào ngờ mẹ chồng lại lạnh nhạt chỉ tại chị chăm chồng, chăm gia đình khéo quá!
Ngày chị về ra mắt, mẹ chồng tương lai ưng lắm vì thấy chị xinh đẹp, ăn mặc, nói năng chừng mực. Bà nhìn chị đứng bếp mỗi hôm đó thôi đã biết chị nhanh nhẹn, tinh tế, gọn gàng và nấu ăn ngon. Bà cả đời làm vợ, làm mẹ trong gia đình ấy mệt lắm vì cả nhà cùng khảnh ăn, khó tính, lại rất sạch sẽ và chi tiết. Nên bà rất sợ “vớ” phải dâu đoảng thì coi như bà chẳng được ai đỡ đần, hoặc mệt mỏi thêm, lo hơn là cậu con trai “vàng ngọc” của bà từ bé đến lớn rất khó tính, nếu “rơi” vào người vợ vụng thì sẽ thành “con mèo hen” mất.
Vậy mà chính ưu điểm của chị lại trở thành “bức tường vô hình” ngăn cách chị và mẹ chồng. Bởi, từ ngày có con dâu, bà không còn là “nữ hoàng” nữa, không còn là trung tâm vũ trụ, là nhân vật “không thể thiếu”. Là vì lúc nào chồng, con trai, con gái cũng nhắc tới chị thay vì nhắc tới bà.
Mẹ chồng lạnh nhạt vì chị chăm chồng, chăm gia đình khéo quá. Ảnh minh họa |
Ngày trước, về nhà thì con trai hỏi: “Mẹ ơi có gì ăn không? Con đói” rồi quấn quýt bên mẹ, đợi bà đút cho cọng rau đang nóng hôi hổi trên chảo thì nay anh đổi thành: “Vợ ơi, anh đói, cứu cái bao tử của anh đi, không vì thèm món em nấu thì anh đã chống đói ngoài hàng rồi”. Con gái thì không hỏi: “Mẹ ơi, con mặc thế này được chưa?” mà vào phòng chị dâu vì hai chị em cùng lứa tuổi, hiểu xu hướng thời trang hơn, chứ mẹ “cổ điển” rồi.
Lúc đầu, bà thấy mình được thảnh thơi đi sinh hoạt câu lạc bộ, yên tâm giao “giang sơn” (mà thực ra là cái bếp, cái làn đi chợ) cho nàng dâu. Dần dần, bà thấy mình vô dụng. Ngày xưa, bà vẫn kêu: “Cái nhà này, không có tôi thì rối beng cả lên. Cứ đi đâu qua đêm là không yên tâm cho bố con nhà họ, lớn rồi chứ trẻ con gì”. Vậy mà bây giờ, bà bỗng thấy mình “thừa thãi”. Trống vắng, tủi thân rồi chạnh lòng, rồi hờn ghen. Thỉnh thoảng thấy họ hàng, láng giềng khen con dâu, bà không phản đối nhưng lòng lại không vui.
Đã thế, 3 người (chồng, con trai, con gái của bà) lại có vẻ nghiêng về phía con dâu hơn, thậm chí còn vô tư so sánh, mà “cán cân” bên bà luôn nhẹ hơn nên bà bỗng dưng thấy khó chịu với nàng dâu. Chồng bà từng bảo không thể ăn cơm ngoài vì không ai hiểu khẩu vị của ông như vợ. Thế mà bây giờ, thỉnh thoảng ông nói: “Bà và tôi cứ đi chơi thôi, để cái Mai nấu cho, bà vừa đỡ mệt mà cơm canh lại ngon lành”, hay: “Bà nêm thêm chút bột ngọt như cái Mai vẫn làm ấy, ngon hơn”. Khi bà mua lọ hoa lụa, cả triệu bạc về trưng trong nhà thì con trai nhận xét xanh rờn: “Sao mẹ không bảo vợ con cùng đi chọn, cô ấy biết nhiều về hoa lắm, rẻ mà tinh tế hơn”.
Con dâu hiểu ý mẹ chồng, nên nhắc nhở chồng chú ý trong cư xử để mẹ không buồn nhưng làm sao nhắc bố chồng, em chồng - những người hồn nhiên yêu thương, tin tưởng chị. Làm sao chị có thể biến điều may mắn, không phải nàng dâu nào cũng có thành sự khó chịu chứ! Chị đành học thuộc những câu hỏi: “Mẹ ơi, con làm thế này nhé”, “Mẹ ơi, như vậy có phải không ạ?”... để mẹ chồng vẫn là “nữ tướng” trong gia đình. Đơn giản thế cho mọi thứ an lành.