Bị rắn cắn nguy kịch dù 20 năm làm nghề bắt rắn

28/04/2017 - 20:17
Trung tâm chống độc, BV Bạch Mai (Hà Nội), vừa tiếp nhận nhiều ca nguy kịch vì rắn độc cắn. Hiện Trung tâm đang điều trị cho 6 ca bị rắn độc cắn, trong đó có 1 phụ nữ 20 năm chuyên bắt rắn vừa bị rắn độc tấn công.
Trong số 6 bệnh nhân bị rắn độc cắn điều trị tại Trung tâm chống độc có trường hợp trong tình trạng nặng, phải thở máy.

Anh Lý Văn Th. (39 tuổi, ở Lục Ngạn, Bắc Giang) đang đi làm đồng thì bị rắn cặp nia cắn. Do chủ quan, anh không đến cơ sở y tế kịp thời, chỉ khi có biểu hiện tức ngực, khó thở, anh mới đến bệnh viện. Sau hơn 1 tháng điều trị tích cực tại Trung tâm chống độc, hiện anh Th. vẫn trong tình trạng rất nặng, phải thở máy, não bị tổn thương, nguy cơ tử vong rất cao.
ran3.jpg
 Vết thương do rắn hổ mang cắn ở tay nạn nhân
Cũng đang phải điều trị tại Trung tâm chống độc, bà Nguyễn Thị Ch. (61 tuổi, ở Bắc Ninh) là một trường hợp khá đặc biệt. Bà Ch. làm nghề bắt rắn để bán đã 20 năm nay. Theo lời người nhà, bà Ch. hay bắt rắn nước để bán, lần này do sơ ý và không biết là rắn độc, bà đã bị hổ mang chúa cắn vào tay. Chỉ khi có dấu hiệu mệt mỏi, buồn nôn và nôn nhiều, tay sưng to, bà mới đến bệnh viện để khám.
 
ThS. Nguyễn Trung Nguyên, Phụ trách Trung tâm chống độc, BV Bạch Mai, cho biết, rắn cắn dễ khiến bệnh nhân bị nhiễm độc, đặc biệt xảy ra nhiều nhất từ tháng 4 đến tháng 11 - là mùa sinh sôi, phát triển của rắn. Việt Nam có rất nhiều loại rắn độc và mỗi loại lại có cơ chế gây độc khác nhau, vậy nên tùy theo loại rắn độc mà chúng ta có biện pháp sơ cứu cũng như hướng điều trị khác nhau.
ch.jpg
  Bà Ch. đã qua cơn nguy kịch sau khi điều trị rắn độc cắn
Sai lầm lớn nhất của những bệnh nhân khi bị rắn cắn là ở nhà áp dụng kinh nghiệm dân gian để sơ cứu, chỉ đến khi có các biểu hiện của suy hô hấp (tím tái, co cơ, khó thở…) thì mới đến các cơ sở y tế. Sau khi bị rắn độc cắn, cần nhanh chóng sơ cứu đúng cách với mục đích làm cho nọc độc của rắn từ vết cắn xâm nhập vào trong cơ thể chậm hơn và ít hơn. Sau đó nhanh chóng đưa bệnh nhân đến cơ sở y tế để được xử lý kịp thời.

Ngay cả việc sơ cứu tại nhà cũng cần được thực hiện đúng cách, người bị rắn cắn thường rơi vào tình trạng nặng do sai lầm là buộc dây thắt chặn máu về tim. Đây là phương pháp dễ bị sai (buộc quá chặt) dẫn đến hoại tử phần bị buộc.

Sai lầm kế tiếp là tìm đến thầy lang nặn máu và đắp lá thuốc. Nếu đắp tại vết cắn thì dễ gây nhiễm trùng thêm, khi uống có thể gây hại cho nạn nhân. Không bàn đến lá thuốc, song các bác sĩ cho rằng rạch vết thương chỗ rắn cắn dễ dẫn đến chảy máu không thể cầm và nhiễm trùng máu. Không ít người vì biến chứng này mà tử vong.

“Khi bị rắn cắn, tuyệt không sử dụng các biện pháp như cố gắng hút nọc độc của rắn; trích, rạch, châm, chọc tại vùng vết cắn; chườm đá, sử dụng “hòn đá chữa rắn cắn”; sử dụng các loại thuốc dân gian, cổ truyền, chữa bằng mẹo; cố gắng bắt hoặc giết rắn… bởi tất cả các biện pháp trên đều không mang lại hiệu quả mong muốn và chưa có cơ sở khoa học chứng minh”, ThS Nguyên khuyến cáo.

Ý kiến của bạn
(*) Nội dung bắt buộc cần có
0 bình luận
Xem thêm bình luận

Nhập thông tin của bạn

Đọc thêm