pnvnonline@phunuvietnam.vn
Bị sốt xuất huyết có gội đầu được không?
Khi mắc bệnh sốt xuất huyết, ngoài điều trị các triệu chứng và xử lý biến chứng của bệnh thì việc chăm sóc bệnh nhân cũng giữ một vai trò rất quan trọng. Trong đó, vấn đề vệ sinh cá nhân của người bệnh chẳng hạn như gội đầu, tắm rửa,... cần được thực hiện đúng cách.
1. Sốt xuất huyết có gội đầu được không?
Nhiều người thường lo ngại khi bị sốt xuất huyết mà tắm rửa, gội đầu sẽ làm các triệu chứng nặng hơn, bệnh lâu khỏi hơn.
Bệnh sốt xuất huyết là do virus dengue gây nên. Sự xâm nhập của virus dengue gây nên các đáp ứng bệnh lý khác nhau như giãn mạch, giảm số lượng tiểu cầu, cô đặc máu... Với các trường hợp nặng, bệnh nhân có thể bị xuất huyết, suy đa tạng hoặc gặp phải tình trạng sốc.
Tuy nhiên, các khuyến cáo về chăm sóc bệnh nhân sốt xuất huyết hiện nay chủ yếu bao gồm các vấn đề bổ sung dinh dưỡng, cung cấp vitamin và khoáng chất, nâng cao thể trạng, đảm bảo vệ sinh cá nhân... Và không có bất kỳ nội dung nào đề cập đến việc kiêng tắm rửa hay gội đầu.
Như vậy, người bị sốt xuất huyết vẫn có thể tắm rửa, gội đầu nhưng cần lưu ý đến thể trạng. Nếu sức khoẻ quá yếu chỉ nên lau người bằng nước ấm. Nếu sức khỏe ổn định, người bệnh cũng nên thận trọng khi gội đầu, vì gội đầu sai có thể dẫn đến nhiều hậu quả nguy hiểm như gây co mạch hoặc giãn mạch quá mức, xuất huyết dưới da...
2. Cần nhớ gì khi gội đầu cho người bệnh sốt xuất huyết
Mặc dù bị sốt xuất huyết có thể gội đầu những vẫn nên thận trọng và phụ thuộc vào tình trạng sức khoẻ. Các bác sĩ vẫn thường khuyến cáo, nếu có thể thì chỉ nên lau người bằng nước ấm. Nếu bắt buộc gội đầu, cần lưu ý một số vấn đề sau:
- Không gội đầu quá thường xuyên: Bệnh nhân sốt xuất huyết có thể gội đầu để giữ vệ sinh cơ thể, tạo cảm giác thoải mái... Nhưng việc gội đầu không nên bị lạm dụng và diễn ra một cách quá thường xuyên.
- Nên sử dụng nước có nhiệt độ vừa phải: Nước gội đầu có nhiệt độ quá cao sẽ gây giãn mạch ngoài da và tăng tính thấm thành mạch, trong khi đó nước có nhiệt độ quá thấp sẽ gây co mạch ngoài da trong khi các mạch máu nội tạng bị giãn... tất cả những điều này đều có thể gây ảnh hưởng xấu đến bệnh nhân. Vì thế chỉ nên sử dụng nước ấm có nhiệt độ vừa phải để gội đầu.
- Gội đầu ở những nơi kín gió: Bệnh nhân sốt xuất huyết nên lựa chọn các khu vực không có gió lùa để gội đầu. Bởi việc gội đầu ở các khu vực nhiều gió khiến nhiệt độ nước giảm nhanh chóng và gây co mạch tương tự như gội đầu với nước lạnh.
- Gội đầu một cách nhẹ nhàng: Bệnh nhân sốt xuất huyết rất dễ bị chảy máu dưới da nếu các động tác gội đầu được thực hiện một cách quá thô bạo. Do đó, cần thực hiện gội đầu một bằng các động tác nhẹ nhàng vừa đủ để làm sạch tóc và da đầu, tránh cào gãi hoặc chà xát mạnh khi gội đầu.
- Làm khô đầu nhanh chóng: Làm khô đầu nhanh chóng bằng các loại khăn mềm, máy sấy,... sau khi gội đầu là một lưu ý khác mà bệnh nhân sốt xuất huyết cần nhớ. Tuyệt đối không được để đầu còn ướt khi đi ngủ.
Trên đây là những giải đáp cho vấn đề "Bị sốt xuất huyết có gội đầu được không?" và những lưu ý khi gội đầu. Để đảm bảo sức khoẻ, các bạn chỉ nên lau người hoặc gội đầu khô. Đặc biệt, cần nghe theo chỉ định của bác sĩ khi được thăm khám.