Bí thư Hà Nội: Phát huy tinh thần chủ động, sáng tạo, dám nghĩ, dám làm của cơ sở

Hải Yến
04/05/2024 - 20:25
Bí thư Hà Nội: Phát huy tinh thần chủ động, sáng tạo, dám nghĩ, dám làm của cơ sở

Bí thư Đinh Tiến Dũng

Bí thư Thành ủy Hà Nội Đinh Tiến Dũng khẳng định, tinh thần chung của thành phố là luôn luôn đổi mới, tới đây sẽ tiếp tục phân cấp mạnh cho các quận, huyện. Thành phố chỉ kiểm tra, giám sát việc thực hiện.

Chiều 4/5, ông Đinh Tiến Dũng, Bí thư Thành ủy, Trưởng đoàn đại biểu Quốc hội thành phố Hà Nội đã tiếp xúc với cử tri Đơn vị bầu cử số 1 (các quận Ba Đình, Đống Đa, Hai Bà Trưng).

Tại hội nghị, cử tri Đơn vị bầu cử số 1 đã nêu một số kiến nghị, đề xuất với Quốc hội như tiếp tục duy trì, đẩy mạnh hơn nữa cuộc đấu tranh phòng chống tham nhũng, lãng phí; có giải pháp quyết liệt nhằm giảm, tiến tới chấm dứt nạn bạo lực học đường; tiến hành sắp xếp đơn vị hành chính từng bước thận trọng, chắc chắn, bảo đảm sự đồng thuận của nhân dân...

Cử tri Lê Thị Minh Lý (phường Liễu Giai, quận Ba Đình) khẳng định việc Quốc hội xem xét thông qua Luật Di sản văn hoá (sửa đổi) sẽ là thời cơ để Hà Nội tiếp tục tăng cường đầu tư, phát triển hệ thống di tích, di sản rất phong phú, qua đó thúc đẩy phát triển công nghiệp văn hoá, phát triển du lịch. 

Bí thư Hà Nội: Phát huy tinh thần chủ động, sáng tạo, dám nghĩ, dám làm của cơ sở- Ảnh 1.

Cử tri Đơn vị bầu cử số 1 phát biểu ý kiến. Ảnh: Viết Thành

Cử tri Lê Thanh Huyến (phường Cống Vị, quận Ba Đình) nêu 4 nhóm nội dung góp ý vào Luật Thủ đô (sửa đổi). Trong đó, cử tri đề nghị cần tăng phí vệ sinh môi trường, có biện pháp chế tài đủ mạnh để xử lý hành vi xả thải sai quy định, cho phép Hà Nội giữ lại 100% các khoản thu tiền từ sử dụng đất, tiền thu đất thuộc thẩm quyền quản ký của thành phố...

Bí thư Đinh Tiến Dũng cho biết, Kỳ họp thứ 7 có ý nghĩa rất quan trọng đối với Thủ đô Hà Nội vì Quốc hội sẽ xem xét thông qua Luật Thủ đô (sửa đổi) với nhiều cơ chế đặc thù vượt trội tạo điều kiện cho Hà Nội phát triển, trong đó cho phép Hà Nội đầu tư các dự án hạ tầng như đường cao tốc, cầu ... trong quy hoạch có tổng mức đầu tư trên 10.000 tỷ đồng, các dự án liên tỉnh trong Vùng Thủ đô... 

Đây còn là kỳ họp sẽ xem xét cho ý kiến về Điều chỉnh Quy hoạch chung xây dựng Thủ đô đến năm 2045, tầm nhìn đến năm 2065 và Quy hoạch Thủ đô Hà Nội thời kỳ 2021-2030, tầm nhìn đến năm 2050, làm cơ sở để định hướng không gian xây dựng và phát triển Thủ đô.

Bí thư Thành ủy Hà Nội khẳng định, đúng như ý kiến đề nghị và mong muốn của cử tri và nhân dân, thời gian qua, Thành phố đã tập trung lãnh đạo, chỉ đạo có trọng tâm, trọng điểm, tập trung khơi dậy nguồn lực văn hóa, đưa văn hóa thực sự trở thành nguồn lực nội sinh để phát triển. 

Không chỉ là cấp ủy cấp tỉnh đầu tiên ban hành Nghị quyết chuyên đề về phát triển công nghiệp văn hóa nhằm triển khai cụ thể hóa Kết luận của Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng tại Hội nghị văn hóa toàn quốc năm 2021, Thành ủy Hà Nội còn chỉ đạo quyết liệt ưu tiên đầu tư vào 3 lĩnh vực, trong đó có văn hóa (cùng với y tế, giáo dục - đào tạo) với tổng vốn đầu tư theo kế hoạch đến nay lên tới khoảng 90.000 tỷ đồng. Thành phố cũng đang quyết liệt triển khai phát huy giá trị to lớn của Khu di sản Hoàng thành Thăng Long, trọng tâm là tái hiện Điện Kính Thiên, công trình có ý nghĩa văn hóa lịch sử to lớn. 

Nhờ quan tâm phát huy nguồn lực văn hóa, phát triển du lịch (cơ cấu dịch vụ đến nay chiếm tỷ trọng 64-66%), trong bối cảnh khó khăn nhất là do đại dịch Covid-19, kinh tế Thủ đô vẫn duy trì tăng trưởng tốt, liên tục là địa phương đứng đầu cả nước về thu nội địa. Từ đầu năm 2024 đến nay, tổng thu ngân sách nhà nước thành phố đã đạt khoảng 198.000 tỷ đồng, tương đương với khoảng 47-48% dự toán trung ương giao.

Bí thư Thành ủy Đinh Tiến Dũng nhấn mạnh tinh thần chung trong lãnh đạo, chỉ đạo của Thành ủy là luôn luôn đổi mới; Đảng lãnh đạo toàn diện các mặt của đời sống xã hội; tới đây sẽ tiếp tục trên tinh thần đó, nhất là đẩy mạnh phân cấp, giao quyền cho các cấp, các ngành, các quận, huyện, thị xã nhằm phát huy tinh thần chủ động, sáng tạo, dám nghĩ, dám làm của cơ sở. 

Mục tiêu quan trọng là thông qua đổi mới phải nâng cao được chất lượng công việc, giải quyết hiệu quả những đòi hỏi từ cuộc sống đặt ra, nhất là những vấn đề dân sinh bức xúc như nước sạch sinh hoạt, thoát nước, xử lý nước thải, rác thải, ô nhiễm môi trường...

"Thực hiện chủ trương phân cấp, vừa qua quận Ba Đình chỉnh trang Vườn hoa Hàng Đậu, tôn tạo di tích lịch sử văn hóa Đền Núi Sưa được dư luận nhân dân rất khen. Tới đây Thành phố sẽ giao tiếp Công viên Bách Thảo cho quận. Các nội dung công việc khác, các quận, huyện, thị xã cũng sẽ đẩy mạnh phân cấp như vậy. Thành phố chỉ kiểm tra, giám sát việc thực hiện" - Bí thư Thành ủy nói.

Ý kiến của bạn
(*) Nội dung bắt buộc cần có
0 bình luận
Xem thêm bình luận

Nhập thông tin của bạn

Đọc thêm