Bí thư Yên Bái: Dù đã chủ động nhưng không tránh khỏi thiệt hại do mưa lũ

21/07/2018 - 19:57
Bí thư Tỉnh ủy Yên Bái Phạm Thị Thanh Trà cho biết, công tác phòng, chống, ứng phó với thiên tai bão lũ đang được chính quyền và người dân chủ động triển khai.

Yên Bái là địa phương chịu thiệt hại nặng nề nhất do mưa lũ gây ra trong những ngày qua, với 29 người chết, mất tích và bị thương; trên 3.870 ngôi nhà bị hư hỏng, trong đó có gần 300 nhà bị sập trôi hoàn toàn; trên 2.000 ha lúa, hoa màu bị mất trắng; hàng loạt tuyến giao thông bị sạt lở, ách tắc…ước thiệt hại về kinh tế khoảng 200 tỷ đồng.

Hiện nay, công tác khắc phục hậu quả của mưa lũ đang được cấp ủy, chính quyền địa phương triển khai hết sức khẩn trương.

Phóng viên VOV phỏng vấn bà Phạm Thị Thanh Trà, Ủy viên TƯ Đảng, Bí thư Tỉnh ủy, Chủ tịch HĐND tỉnh Yên Bái về nội dung này.

bt_tra_yb_vov_qmrw.jpg
Bí thư Tỉnh ủy Yên Bái Phạm Thị Thanh Trà (bìa trái) kiểm tra công tác khắc phục hậu quả mưa lũ tại các vùng bị thiệt hại. Ảnh: VOV

 

- PV: Xin bà cho biết, tỉnh đang tập trung khắc phục hậu quả mưa lũ gây ra những ngày qua theo hướng ưu tiên như thế nào?

Bà Phạm Thị Thanh Trà: Hiện nay, chúng tôi đang tập trung tối đa lực lượng để triển khai công tác khắc phục.

Ngoài lực lượng tại chỗ, chúng tôi đã huy động hơn 2.000 cán bộ, chiến sỹ các lực lượng vũ trang tham gia công tác khắc phục các thiệt hại ở những địa bàn trọng điểm.

Thời điểm này, ưu tiên hàng đầu của chúng tôi là tìm kiếm những người còn đang mất tích, đồng thời làm các thủ tục mai táng cho những người đã chết.

Bên cạnh đó là huy động lực lượng khẩn trương hỗ trợ, đưa những hộ dân còn đang ở những vùng nguy hiểm của lũ ống, lũ quét, sạt lở đến nơi an toàn, vì mưa kéo dài suốt những ngày qua như vậy, lượng mưa lại rất lớn, nhiều nơi, nhất là những nơi núi cao đã ngấm no nước, nên nguy cơ sạt lở là rất cao.

Ngoài ra, chúng tôi ưu tiên khắc phục khẩn trương hệ thống giao thông để có thể tiếp cận những nơi còn đang bị cô lập, vì đến thời điểm này, tỉnh Yên Bái vẫn còn 6 xã đang bị cô lập hoàn toàn, gồm 3 xã của huyện Văn Yên và 3 xã của huyện Văn Chấn.

Về thông tin liên lạc, ở những nơi bị đứt gãy thông tin, đang mất liên lạc thì chúng tôi đã huy động những chiếc máy có tính chất xử lý cơ động trực tiếp đến để có thể liên lạc trước mắt.

Bên cạnh đó, tỉnh cũng đang tập trung hỗ trợ cho các gia đình có người chết, mất tích, với mức hỗ trợ 10 triệu đồng, người bị thương 3 triệu đồng; các nhà bị sập đổ 25 triệu đồng/nhà; nhà bị hư hỏng 10 triệu đồng; những nhà phải di dời khẩn cấp 15 triệu đồng/nhà.

Với những người dân hiện nay đang phải ở tạm những nơi như trụ sở xã, trường học, nhà dân…thì chúng tôi đã hỗ trợ gạo để họ có thể đảm bảo cuộc sống khoảng 1 tháng trước mắt; sau đó sẽ tính toán tiếp.

Ngoài ra, chúng tôi sẽ tổ chức tốt các vấn đề liên quan đến vệ sinh môi trường để không ảnh hưởng đến sức khỏe và không có dịch bệnh ở những nơi bị ngập úng và lũ ống, lũ quét đi qua

- PV: Việc triển khai công tác khắc phục hiện đang phải đối mặt với những khó khăn như thế nào, thưa bà?

Bà Phạm Thị Thanh TràBây giờ khó khăn nhất của chúng tôi là vẫn còn 6 xã của 2 huyện Văn Chấn, Văn Yên đang bị cô lập. Vì hiện nay do bị cô lập hoàn toàn, nên việc huy động lực lượng đến các xã này rất khó khăn.

Bên cạnh đó, chúng tôi đang tập trung ưu tiên tìm kiếm người mất tích. Tuy nhiên, mực nước trên các sông, suối ở tỉnh hiện đều đang dâng cao, rất khó khăn cho công tác tìm kiếm.

- PV: Nhiều khu vực ở TP Yên Bái nước ngập sâu hàng mét, đã có hơn 2.500 hộ phải di dời tạm thời. Đến nay, tình hình tại đây như thế nào, thưa bà?

Bà Phạm Thị Thanh Trà: Tại TP Yên Bái trong sáng 21/7, mực nước rút được khoảng 10cm, nhưng đến trưa nay thì nước lại dâng trở lại với mức độ như ngày hôm qua, tức có nơi ngập sâu hàng mét.

Trên sông Thao, mực nước vẫn đang trên mức báo động 3. Đây là vấn đề rất khó khăn. Chúng tôi đang tiếp tục huy động toàn bộ lực lượng khoảng trên 2.000 người tham gia vào việc cứu hộ, cứu nạn ở địa bàn 6 xã trên địa bàn thành phố; yêu cầu người dân hết sức cảnh giác và hỗ trợ di dân ra khỏi những nơi xung yếu nguy hiểm vì thời tiết hiện vẫn đang diễn biến phức tạp. Có nơi phải cưỡng chế di chuyển. Bên cạnh đó, chúng tôi cũng quan tâm hỗ trợ các nhu yếu phẩm cần thiết để đảm bảo đời sống cho bà con trong mấy ngày ngập úng như vậy. 

yenbai-7-1716477.jpg
Lũ quét ở huyện Văn Chấn khiến nhiều gia đình bị cuốn trôi
 

- PV: Trong 2 năm lại đây, Yên Bái đều có hàng chục người chết và mất tích do mưa lũ. Phải chăng địa phương và người dân chưa thật chủ động trong ứng phó với mưa lũ?

Bà Phạm Thị Thanh Trà: Có thể khẳng định công tác phòng, chống, ứng phó với thiên tai bão lũ luôn được cấp ủy, chính quyền và người dân tỉnh Yên Bái chủ động triển khai. Tuy nhiên, do Yên Bái nằm trong vùng có lượng mưa lớn. Khoảng 5 năm trở lại đây, lượng mưa tăng nhiều hơn. Việc này theo tôi nguyên nhân chính có thể là do tác động của biến đổi khí hậu.

Mặc dù chúng tôi đã rất quan tâm đến việc giữ rừng phòng hộ và rừng tự nhiên, nhưng một vài điểm, một vài nơi vẫn có hiện tượng phá rừng, nhất là những năm trước đây. Việc mất rừng cũng là một trong những nguyên nhân khiến mưa lũ phức tạp.

Là người trực tiếp theo dõi và lãnh đạo trực tiếp ở Đảng bộ tỉnh, đặc biệt là qua theo dõi trong nhiều năm, tôi thấy việc Yên Bái nằm trong vùng trọng điểm mưa của khu vực, cộng với sự biến đổi khí hậu quá bất thường, nên dù cấp ủy, chính quyền và người dân địa phương đã hết sức chủ động, song không tránh khỏi những thiệt hại đáng tiếc do mưa lũ gây ra.

- PV: Theo dự báo, mưa sẽ còn kéo dài 1-2 ngày nữa. Yên Bái xác định triển khai các giải pháp gì để hạn chế các thiệt hại có thể xảy ra?

Bà Phạm Thị Thanh TràTrong sáng 21/7 ở TP Yên Bái và các huyện, thị trong tỉnh, trời đã ngớt mưa, nhưng thời tiết vẫn xấu, theo dự báo, đêm nay và ngày mai (22/7), tiếp tục có mưa rào, có nơi vừa, mưa to đến rất to và dông. Lượng mưa từ 7h sáng 21/7 đến 19h ngày mai, dự báo sẽ phổ biến từ 40 đến 60mm, có nơi trên 100mm.

Vì vậy, chúng tôi đã gần như giao cho cấp ủy, chính quyền các địa phương là bằng mọi cách dứt khoát không để xảy ra tình trạng có người chết vì mưa lũ nữa. Muốn vậy thì phải kiểm soát địa bàn thật cụ thể, sát sao. Những nơi có nguy cơ sạt lở đất và những nơi có khả năng ngập úng cao thì dứt khoát phải di chuyển dân ra khỏi đó để có thể giảm thiểu thiệt hại về người và tài sản của nhân dân.

Ngoài ra, các địa phương cũng cần tập trung chuẩn bị tất cả các điều kiện cần thiết để vừa khắc phục hậu quả mưa lũ gây ra những ngày qua một cách nhanh nhất, vừa có thể sẵn sàng ứng phó khi có sự cố xảy ra.

- PV: Xin cảm ơn bà!

Ý kiến của bạn
(*) Nội dung bắt buộc cần có
0 bình luận
Xem thêm bình luận

Nhập thông tin của bạn

Đọc thêm