Một trong số những căn bệnh ít được nhắc đến nhưng lại nguy hiểm, đó là bệnh biến dạng tai súp lơ. Căn bệnh này gây thay hình đổi dạng nhiều bộ phận quan trọng trên cơ thể con người.
Cụt cả ngón chân và tay
Giữa năm 2016, một phụ nữ 22 tuổi (xin được giấu tên), người Ấn Độ, mắc bệnh biến dạng tai súp lơ, làm cho đôi tai có hình dạng kỳ quặc, ngón chân, ngón tay đổi màu đen, xuất hiện vết loét dài trên 10cm khiến chân tay nhiễm trùng, buộc bác sĩ phải cắt bỏ nhiều bộ phận.
Theo nghiên cứu công bố trên tạp chí BMJ Case Reports, sau gần 1 năm điều trị, bác sĩ đã dùng thuốc ức chế hệ thống miễn dịch nhưng các vết thương lở loét ở chân người phụ nữ này vẫn còn đau đớn. 2 tháng sau khi mắc bệnh, những vết loét rộng lại tái xuất, buộc người ta phải cắt cụt ngón chân, ngón tay.
Các nhà nghiên cứu ở Viện Y khoa Ấn Độ cho biết, nữ bệnh nhân trên dường như mắc phải nhiều chứng bệnh chồng chéo nên việc tiên lượng và điều trị không đơn giản. Người phụ nữ này còn phát triển chiếc mũi kiểu "yên ngựa ", là hậu quả của việc suy sụp cấu trúc sụn bên trong kèm theo chảy máu mũi, ho và giảm cân.
Sự xuất hiện mũi “yên ngựa” và tai súp lơ khiến các bác sĩ tin rằng, bệnh nhân này có thể bị viêm và sưng sụn khớp, có tên Viêm đa sụn tái diễn (relapsing polychondritis). Tuy nhiên, do tuổi còn trẻ, các kết quả xét nghiệm động mạch bất thường nên rất có thể bệnh nhân bị viêm tủy sống Takayasu, tức viêm nhiễm các động mạch lớn. Bệnh nhân bị chảy máu mũi thường xuyên và hình ảnh ngực bất thường cho thấy, người bệnh bị viêm mạch máu, hay u hạt Wegener's.
Biến dạng tai súp lơ là gì?
Biến dạng tai súp lơ là dị tật mắc phải ở tai ngoài, do chấn thương tai hay khi sụn tai bị chấn thương hoặc viêm, máu cung cấp cho sụn bị gián đoạn, tạo ra một túi máu tích trong sụn. Khi chấn thương được chữa lành, sụn tai thường bị co gập nhợt nhạt, để lại hình dạng giống hoa súp lơ.
Căn bệnh trên thường gặp ở nhóm vận động viên, nhất là các võ sĩ quyền Anh hoặc cầu thủ bóng bầu dục. Thông thường, sụn tai không có nguồn máu riêng ngoài các mạch máu đến từ lớp da bên ngoài nhưng khi lớp da bị tách khỏi sụn, hoặc bị ngăn cách thì sụn bị mất nguồn dinh dưỡng, tế bào sụn chết làm tăng nguy cơ nhiễm khuẩn. Nếu không được chữa trị, sụn tai kết hợp tạo thành nếp co ngoài tai gây biến dạng tai.
Sụn hư tổn cũng có thể do xỏ vật ngoại lai, như khuyên tai, vòng đeo... dẫn đến nhiễm khuẩn sụn gọi là auricular perichondritis. Một nguyên nhân khác hiếm hơn là viêm sụn polychondritis tái phát. Các triệu chứng cấp tính phổ biến như đau, sưng, thâm tím, biến dạng đường cong tai, suy giảm thính lực, xuất hiện tiếng ồn ré trong tai, đau đầu, mờ mắt, chảy máu...
Về điều trị tai súp lơ, mục tiêu là ngăn ngừa tổn thương vĩnh viễn cho sụn, hạn chế nhiễm khuẩn và giảm viêm vì vậy thuốc kháng sinh sẽ được dùng để ngăn ngừa nhiễm khuẩn. Đôi khi bệnh nhân được khuyến cáo phẫu thuật thẩm mĩ để điều trị biến dạng và mang lại vẻ đẹp thẩm mỹ. Phục hồi tai súp lơ bao gồm rút máu tích tụ qua một vết mổ ở tai và băng ép kẹp da ở hai bên sụn.
Nếu điều trị tích cực và kịp thời, bệnh nhân sẽ tránh được biến dạng tai. Chậm trễ trong chẩn đoán dẫn đến khó kiểm soát các hoạt động của tai, tăng nguy cơ thiếu máu cấp cho sụn tai và tăng nguy cơ biến dạng cho tai. Để hạn chế nguy cơ gây bệnh, khi tham gia các hoạt động thể thao nên mang mũ phòng hộ, nếu bị chấn thương nên can thiệp ngay theo phác đồ điều trị của bác sĩ.