Biến "đối phương" thành cái thùng trút bỏ cảm xúc

Kim Anh
14/09/2021 - 18:02
Biến "đối phương" thành cái thùng trút bỏ cảm xúc

Ảnh minh họa

6 năm chung sống, tôi và anh không có nhiều cuộc cãi vã. Thế nhưng, mỗi lần "đấu khẩu", rốt cuộc chúng tôi chỉ cảm thấy buồn và thất vọng về "đối phương". Lần nào chúng tôi cũng cố tình giấu nhẹm không cho bọn trẻ biết nhưng lần này thì không.

Đáng lẽ, tôi phải cảm thấy thư thái vào một sáng đầu thu mát mẻ thay vì nóng giận ngay lúc này. Thêm nữa, nếu không mệt mỏi, tức giận thì tôi có thể ngồi lại, chờ đợi trò chuyện với anh sau khi cả nhà ăn xong bữa sáng và bọn trẻ trở về phòng của chúng. Thế nhưng vấn đề là… tôi không thể.

"Anh xong việc thì qua đây một chút nhé", tôi nói vọng vào từ phía phòng khách khi anh đang dọn dẹp bàn ăn. Anh không trả lời nhưng biết sẽ là một cuộc tranh cãi song chưa rõ nguyên nhân. Không khác mọi ngày, hôm nay vẫn là một ngày bận rộn đang chờ tôi, với một đống giấy tờ, sổ sách cần tôi xử lý. Tôi có khoảng 15 phút để giải quyết bực tức nếu muốn gửi các con đến nhà ông bà nội đúng giờ. 

Tôi hy vọng khoảng thời gian đó vừa đủ để tạo ra một chút thay đổi tâm trạng cho tôi và anh. Không có nhiều cuộc tranh cãi xảy ra giữa vợ chồng tôi trong thời gian 6 năm chung sống. Và kết quả nhận được thường giống nhau: Cả hai tức giận, cảm thấy buồn vì bạn đời không công nhận đúng, đầy đủ những đóng góp của mình. Hoặc cả hai tức giận vì nửa còn lại làm mình buồn, thậm chí thất vọng.

Thông thường, tôi và anh cố "giấu" những cuộc tranh cãi và không để cho hai con của tôi thấy. Nhưng sáng nay thì không. Dọn dẹp xong, anh bước tới ngồi trước bàn uống nước, đối diện tôi và hỏi: "Có việc gì thế?". "Em muốn anh dừng hứa hẹn với các con rồi không làm". Bởi anh luôn hứa mua đồ chơi, cho sử dụng điện thoại… để dụ các con ngoan ngoãn, nghe lời, nhất là những lúc chúng ăn uống hay học tập. Tôi đã nhắc nhưng anh vẫn tiếp diễn. Tôi không thích anh hứa suông để rồi bọn trẻ không tin lời người lớn nói.

Tối qua là tối thứ hai tôi mất ngủ. Đến sáng, sự mệt mỏi tăng thêm khi tôi nghe anh tiếp tục hứa hẹn với bọn trẻ sẽ mua đồ chơi, với điều kiện chúng ăn hết bát sữa ngũ cốc và phần bánh nhỏ kèm theo. Tôi và anh tranh luận qua lại, chúng tôi đều như đang biến đối phương thành "cái thùng" để trút bỏ cảm xúc tiêu cực của bản thân.

Bỗng tôi phát hiện, hai đứa nhỏ đang hé cánh cửa phòng của chúng để nghe ngóng. Không như những lần cố giấu trước, lần này tôi nở một nụ cười để gọi và vẫy hai đứa nhỏ ra ngoài phòng khách. "Các con nghe thấy bố mẹ đang nói chuyện lớn tiếng đúng không?", nghe tôi hỏi vậy cả hai đứa gật đầu cùng vẻ mặt lo lắng không biết chuyện gì xảy ra. "Các con có muốn biết vì sao bố mẹ nói to như vậy không?", tôi hỏi tiếp và hai đứa nhỏ gật đầu lần thứ hai. 

Tôi đã giải thích với bọn trẻ mình bị mệt vì thiếu ngủ và bố của chúng hứa và thất hứa nhiều lần nên làm tôi giận. Còn anh trấn an bọn trẻ thêm rằng chúng tôi đang cố giải quyết tốt mọi chuyện. Vẻ mặt của bọn trẻ đã vui hơn và cảm thấy yên tâm hơn khi nghe lời xin lỗi mà bố mẹ chúng dành cho nhau, bố sẽ thôi hứa rồi thất hứa, mẹ sẽ thôi phản ứng nóng giận quá mức. Tôi hy vọng các con sẽ hiểu được trong một mối quan hệ tốt đẹp, vui vẻ vẫn có lúc xảy ra những điều không vui, không như ý. Nhưng cuối cùng mọi việc đều có cách xử lý phù hợp.

Trước giờ, tôi luôn sợ các con thấy bố mẹ tranh cãi, nhưng hóa ra việc "mời" chúng chứng kiến, để giải thích cho chúng hiểu lại là điều cần thiết. Hơn nữa, điều này còn giúp vợ chồng tôi "hạ nhiệt" cơn giận dữ đúng lúc.

Ý kiến của bạn
(*) Nội dung bắt buộc cần có
0 bình luận
Xem thêm bình luận

Nhập thông tin của bạn

Đọc thêm