Biến đồi sim thành điểm du lịch độc đáo

Bài, ảnh: Kim Ngân
02/07/2025 - 07:28
Biến đồi sim thành điểm du lịch độc đáo

Chị Sần Móc Lộc chuẩn bị đồ ăn phục vụ khách du lịch tới tham quan đồi sim của gia đình

Khởi nghiệp từ năm 2022, đến nay, vợ chồng chị Sần Móc Lộc (người Sán Chỉ, xã biên giới Hải Sơn, thành phố Móng Cái, tỉnh Quảng Ninh) đã gây dựng được khu đồi hoa sim để khai thác du lịch. Mô hình này đã góp phần tạo diện mạo mới cho xã Hải Sơn và truyền cảm hứng cho các hộ dân khác trong phát triển kinh tế.

Chúng tôi đến xã Hải Sơn khi Lễ hội Hoa sim biên giới vừa diễn ra. Chị Sần Móc Lộc dù bận bịu với việc chuẩn bị cơm phục vụ khách du lịch đặt ăn bữa tối nhưng vẫn dành thời gian chia sẻ về kế hoạch phát triển du lịch trên chính mảnh đất quê hương của mình.

Những năm gần đây, Lễ hội Hoa sim và Ngày hội Văn hóa, thể thao, du lịch các dân tộc Hải Sơn được tổ chức quy mô, bài bản, đã thu hút lượng lớn khách du lịch đến với vùng biên giới này. Hải Sơn còn có Khu di tích lịch sử quốc gia đặc biệt Pò Hèn, làng bích họa xóm Họ Đặng với những ngôi nhà được vẽ tranh tường rực rỡ sắc màu. Nhận thấy tiềm năng phát triển du lịch của địa phương, từ năm 2022, vợ chồng chị Lộc đã đầu tư trồng gần 4ha sim trên khu vườn đồi tựa lưng vào đỉnh Mã Thầu Sơn. 

Trên đồi sim, chị Lộc dựng thêm chòi hóng gió, xích đu và những hạng mục phù hợp để du khách đến tham quan có thể "check-in". Với 10.000 đồng, du khách có thể vào vườn ngắm hoa, chụp hình. Chị Lộc cho biết: "Không chỉ ngắm cảnh, khi vào vườn sim đúng dịp thu hoạch, du khách có thể trải nghiệm hoạt động hái quả sim, chăm sóc cây. Khách hàng có thể chụp cả buổi trong vườn, miễn là không hái hoa, bẻ cành".

Chị Lộc cho biết, khách du lịch tới tham quan, "check-in" vườn hoa của chị đông nhất là dịp địa phương tổ chức Lễ hội Hoa sim và những ngày cuối tuần. Nhằm mang lại những trải nghiệm mới lạ, đáp ứng nhu cầu của du khách, gia đình chị Lộc đã mạnh dạn đầu tư hơn 100 bộ trang phục dân tộc Sán Chỉ cho du khách thuê để chụp ảnh. Giá cho thuê là 50.000 đồng/bộ. "Hầu hết du khách nữ đều thích thú khi được mặc trang phục truyền thống của phụ nữ dân tộc Sán Chỉ để chụp ảnh. Thấy du khách vui, chúng tôi cũng vui lây", chị Lộc chia sẻ.

Vườn sim của gia đình chị Sần Móc Lộc

Vườn sim của gia đình chị Sần Móc Lộc

Chị Lộc cũng cung cấp dịch vụ ăn uống cho du khách. Chị cho hay: "Dân tộc Sán Chỉ có nhiều đặc sản như cá suối, thịt ngan đen, bánh chưng, bánh sắn, xôi 3 màu, măng rừng muối, rượu sim. Đây đều là sản phẩm nông sản đặc trưng của địa phương. Du khách muốn ăn trưa hoặc tối sẽ đặt trước để tôi chuẩn bị thực phẩm. Có những ngày, khách đặt tới 10 mâm cơm, tôi phải huy động anh em, họ hàng tới làm giúp". Điều đáng quý là vợ chồng chị Lộc đã truyền cảm hứng cho các hộ dân xung quanh để cùng bắt tay làm du lịch. Ngoài đồi sim, vợ chồng chị Lộc còn trồng dứa, sắn trên những mảnh đồi liền kề, tạo cho du khách có thêm nhiều trải nghiệm. Vợ chồng chị cũng vận động được 4 hộ dân ở xung quanh trồng các loại cây khác như mơ, mận… và đào ao thả cá, tạo thành một khu sinh thái liên hoàn, quanh năm có nông sản thu hoạch phục vụ tour du lịch trải nghiệm "Một ngày làm nông dân" cho du khách.

Nhờ làm du lịch cộng đồng, thu nhập của gia đình chị Lộc cao hơn nhiều lần so với trồng keo, làm nông nghiệp đơn thuần như trước đây. Thành công bước đầu của chị Lộc đã tạo hình mẫu để các hộ đồng bào dân tộc thiểu số khác ở địa phương cùng làm du lịch cộng đồng, góp phần giới thiệu vùng đất, văn hóa truyền thống của đồng bào các dân tộc ở Hải Sơn đến với du khách.

Ý kiến của bạn
(*) Nội dung bắt buộc cần có
0 bình luận
Xem thêm bình luận

Nhập thông tin của bạn

Đọc thêm