pnvnonline@phunuvietnam.vn
Biến mâu thuẫn nơi công sở thành cơ hội phát triển

Ảnh minh họa
Chọn cách đối thoại thay vì đối kháng
Nguyễn Thu Minh, nhân viên marketing 27 tuổi, cảm thấy áp lực khi liên tục bị sếp phàn nàn. Dù cô đã cố gắng hết sức nhưng sếp luôn tỏ ra không hài lòng và thường xuyên đưa ra những lời phê bình gay gắt trước mặt đồng nghiệp. Minh cảm thấy mình bị đối xử thiếu công bằng và bắt đầu có ý định xin nghỉ việc.
Minh đã suy nghĩ, phải tìm cách thay đổi tình trạng tồi tệ này. Thay vì giữ sự bực bội trong lòng, Minh quyết định gặp trực tiếp sếp để trao đổi. Cô chủ động hẹn một buổi trò chuyện riêng, thẳng thắn chia sẻ cảm giác của mình.
"Em rất tôn trọng ý kiến của sếp và luôn muốn cải thiện công việc. Tuy nhiên, việc bị chỉ trích liên tục khiến em cảm thấy áp lực, đôi khi mất động lực. Em mong muốn hiểu rõ hơn về những kỳ vọng của sếp để có thể đáp ứng tốt hơn", Minh đã chia sẻ với sếp.
Điều bất ngờ là sếp của Minh không nhận ra rằng cách giao tiếp của mình đang gây căng thẳng cho Minh. Sau cuộc nói chuyện, sếp điều chỉnh cách phản hồi và Minh cũng học cách tiếp nhận phê bình theo hướng tích cực hơn.
"Đáp trả" bằng sự chuyên nghiệp
Đào Phương Lan cảm thấy sốc khi phát hiện một đồng nghiệp trong nhóm liên tục hạ thấp mình trước mặt sếp và khách hàng. Người này cố tình làm sai lệch thông tin để gây ảnh hưởng đến uy tín của Lan. Cô tức giận và chưa biết nên làm gì.
Sau khi suy nghĩ kỹ, thay vì đối đầu trực tiếp, cô quyết định phản ứng bằng sự chuyên nghiệp. Lan giữ bằng chứng về những thông tin sai lệch, báo cáo lại với quản lý và đề xuất một cuộc họp nhóm để làm rõ vấn đề. Trong cuộc họp, cô không công kích đồng nghiệp mà chỉ tập trung vào sự thật.
"Em nhận thấy có một số hiểu lầm về thông tin giữa các bên, em muốn làm rõ để cả nhóm cùng phối hợp tốt hơn", Lan nói trong cuộc họp. Trước thái độ bình tĩnh của Lan, người đồng nghiệp kia không thể tiếp tục đổ lỗi. Quản lý cũng nhận ra vấn đề và nhắc nhở về tinh thần làm việc nhóm. Từ đó, Lan bảo vệ được danh dự của mình mà không cần đối đầu căng thẳng.

Ảnh minh họa
Học cách lắng nghe và hợp tác
Hoàng và Mai cùng làm trong một nhóm dự án nhưng liên tục xảy ra tranh cãi về cách triển khai kế hoạch. Hoàng muốn một hướng đi sáng tạo, trong khi Mai muốn bám sát chiến lược truyền thống. Cả hai đều cho rằng mình đúng và không ai chịu nhượng bộ.
Sau vài lần tranh cãi, Hoàng và Mai quyết định thay đổi cách tiếp cận. Thay vì tranh luận để thắng thua, họ dành một buổi họp chỉ để lắng nghe quan điểm của nhau mà không phản bác. Sau đó, họ cùng viết ra những điểm mạnh và điểm yếu của cả hai phương án để tìm ra một giải pháp dung hòa.
Kết quả, họ kết hợp cả hai cách tiếp cận: Sử dụng nền tảng truyền thống nhưng có thêm những yếu tố sáng tạo để tăng hiệu quả. Không những dự án thành công, mà mối quan hệ giữa họ cũng cải thiện đáng kể.
Đối diện với mâu thuẫn ở nơi làm việc, thay vì để cảm xúc chi phối, hãy chọn cách đối thoại, lắng nghe và phản ứng bằng sự chuyên nghiệp. Những mâu thuẫn không phải lúc nào cũng tiêu cực - nếu biết cách xử lý, chúng có thể trở thành cơ hội để bạn phát triển trong môi trường làm việc.