Biến rác thải, phế liệu thành thẻ bảo hiểm y tế cho người nghèo

03/03/2019 - 18:15
Từ những vỏ lon bia, vỏ chai hay những hộp carton tưởng như vô dụng, gần 1 năm trở lại đây, các chị em phụ nữ ở Nghi Lộc (Nghệ An) đã chung tay thu gom và bán gây quỹ mua thẻ BHYT dành tặng những hoàn cảnh khó khăn, bị bệnh hiểm nghèo, phải điều trị dài ngày.
Thực hiện kế hoạch của Ban Thường vụ Hội LHPN huyện Nghi Lộc về việc triển khai mô hình “Biến rác thải thành thẻ BHYT” nằm trong chuỗi hoạt động nhằm nâng cao chất lượng phong trào phụ nữ “Xây dựng gia đình 5 không, 3 sạch”, Hội LHPN xã Nghi Thạch đã được chọn thí điểm thực hiện mô hình này. Xã Nghi Thạch có 13 chi hội phụ nữ với 1.069 hội viên, toàn xã có 157 gia đình có hoàn cảnh khó khăn, nhiều người bị bệnh hiểm nghèo phải điều trị dài ngày.
 
cc-hi-vin-ph-n-x-nghi-thch-huyn-nghi-lc-tch-cc-tham-gia-m-hnh-bin-rc-thi-thnh-th-bhyt.jpg
Các hội viên phụ nữ xã Nghi Thạch, huyện Nghi Lộc tích cực tham gia mô hình “Biến rác thải thành thẻ BHYT”
Được lựa chọn thí điểm, Hội LHPN Nghi Thạch đã chủ động tuyên truyền đến từng chi hội để từng hội viên đều nắm được nội dung, mục đích của mô hình và tích cực, tự giác tham gia.
 
Đến nay, 100% hội viên phụ nữ xã đã tiến hành việc phân loại rác thải tại nhà. Hàng quý, mỗi chi hội tổ chức thu gom phế liệu từ rác thải tại cộng đồng dân cư để bán  gây quỹ mua thẻ BHYT.
 
Theo kết quả tổng hợp trong 9 tháng đầu năm 2018, toàn xã đã quyên góp tặng được gần 30 thẻ BHYT với tổng giá trị hơn 20 triệu đồng. Những chiếc thẻ BHYT được trao tặng này thực sự đã trở thành món quà ý nghĩa, thiết thực với những hội viên, gia đình có hoàn cảnh khó khăn.
 
Bà Nguyễn Thị Vân (70 tuổi, xóm 1, xã Nghi Thạch, huyện Nghi Lộc) chia sẻ: “Đầu năm ngoái, tôi bị viêm túi mật phải đi bệnh viện phẫu thuật và điều trị. Nhà khó khăn nên nhiều năm nay tôi không có tiền mua thẻ BHYT. Khi biết bị bệnh phải mổ, tôi rất lo lắng, không biết lấy tiền đâu ra. Nhưng nhờ có thẻ BHYT mà hội LHPN trao tặng, nên các chi phí được bảo hiểm hỗ trợ phần nhiều, phần còn lại gia đình tôi cũng đã cố gắng lo liệu được. Đến nay, bệnh của tôi đã được chữa trị, sức khỏe đã ổn định. Tôi rất biết ơn các chị em trong chi hội đã giúp đỡ”.
 
33.PNG
Trao thẻ BHYT cho 27 hội viên nghèo tại buổi lễ ra mắt mô hình. Ảnh: Thu Hiền
Một trường hợp khác éo le hơn cũng ở xóm 1, xã Nghi Thạch là chị Hoàng Thị Thảo. Chồng mất sớm, một mình chị nuôi 4 người con ăn học. Đến khi các con dần trưởng thành thì chị phát hiện mình bị mắc bệnh ung thư vòm họng. Chưa kể chi phí đi lại khắp các bệnh viện tuyến tỉnh, tuyến TW thì chi phí thuốc thang, từ hóa trị đến xạ trị cũng đã rất tốn kém. Đầu năm 2018, Chi hội phụ nữ xóm 1, xã Nghi Thạch đã tặng chị thẻ BHYT để hỗ trợ chị điều trị bệnh.
 
Chị Thảo xúc động nói: “Bệnh tình của tôi phải điều trị lâu dài, chi phí lại rất tốn kém. Nếu để gia đình tự lo liệu chắc tôi không đi đến được ngày hôm nay. Thẻ BHYT mà hội phụ nữ tặng tôi là món quà rất ý nghĩa, tôi rất biết ơn và mong rằng việc làm này sẽ được duy trì lâu dài để nhiều người có hoàn cảnh như tôi cũng được chia sẻ, giúp đỡ”.
 
Chị Đinh Thị Hạnh, Chủ tịch Hội LHPN huyện Nghi Lộc, cho biết: Từ thành công của mô hình tại xã Nghi Thạch, Hội LHPN huyện đã nhân rộng mô hình này tại một số xã như: Nghi Hưng, Nghi Thiết, Nghi Thái… Đồng thời, năm nay, trên cơ sở thu gom phế liệu Hội LHPN huyện ngoài gây quỹ mua thẻ BHYT còn mở rộng các hình thức như hỗ trợ con giống để chăn nuôi, hạn chế dùng túi ni lông thay bằng làn nhựa khi đi chợ…
 
Việc thu gom, phân loại rác thải tại nhà là hành động nhỏ nhưng có ý nghĩa rất lớn về mặt nhân văn, nhân đạo khi vừa giúp đỡ các hoàn cảnh khó khăn lại góp phần xây dựng ý thức và bảo vệ môi trường tại địa phương.

Ý kiến của bạn
(*) Nội dung bắt buộc cần có
0 bình luận
Xem thêm bình luận

Nhập thông tin của bạn

Đọc thêm