Biết 3 nguyên tắc này, thí sinh có lợi thế vào ĐH

08/04/2017 - 14:00
Thầy Vũ Khắc Ngọc, chuyên gia luyện thi, rút ra 3 nguyên tắc vàng từ quy chế tuyển sinh năm nay. Nếu theo 3 nguyên tắc này, thí sinh sẽ có lợi thế trong kỳ tuyển sinh đại học sắp tới.
Nhiều học sinh không hiểu đúng nên phương án đăng ký xét tuyển nguyện vọng bị sai. Ảnh minh họa.

Thầy Vũ Khắc Ngọc (hocmai.vn) đã chỉ ra một số nguyên tắc cơ bản để thí sinh có thể đăng ký nguyện vọng (NV) phù hợp:

Nguyên tắc 1: SẮP XẾP CÁC NGUYỆN VỌNG THEO THỨ TỰ ĐIỂM CHUẨN (DỰ KIẾN) TỪ CAO ĐẾN THẤP.

Có thí sinh thắc mắc: "Em muốn học Y Đa khoa nhưng khả năng chỉ đỗ Y Hải Phòng nên em định xếp YDK Hải Phòng làm NV1, YDK Hà Nội làm NV2 có được không?". Điều này chứng tỏ thí sinh không hiểu về nguyên tắc tuyển sinh của năm nay.

Vì ĐIỂM THI LÀ ƯU TIÊN SỐ 1, nên dù mục tiêu của bạn chỉ là mức thấp thì khi đăng ký bạn vẫn phải xếp ngành có điểm cao lên trên.

Trong tình huống trên, giả sử sau khi thi xong, Y Hải Phòng lấy 24 điểm còn Y Hà Nội lấy 27 điểm thì nếu được 29 điểm, bạn cũng chỉ có thể đỗ Y Hải Phòng (vì đã đỗ NV1 thì không được xét NV2).

Nguyên tắc 2: RẢI NGUYỆN VỌNG "CÁCH ĐỀU" MỤC TIÊU.

Có nhiều bạn đăng ký NV rất buồn cười khi NV1 và NV2 có khi cách nhau tới 3 điểm (Ví dụ: NV1 là 1 ngành năm ngoái lấy 24, NV2 là 1 ngành năm ngoái lấy 21).

Đăng ký như vậy cho thấy các thí sinh không hiểu về sự thuận lợi mà Bộ GD&ĐT tạo ra khi cho phép đăng ký không giới hạn NV. Do đó, đánh mất tất cả lợi thế mình có.

Hãy lấy mốc điểm mục tiêu của mình làm chuẩn rồi “rải đạn” ra xung quanh với mức -0,5 đến 1 điểm.

Ví dụ, nếu "dự tính" điểm của mình có thể đạt được là 24 thì hãy "rải thảm" ra khoảng 6-8-10 NV từ vùng 21,5-26,5 điểm, theo thứ tự: NV1: 26.5, NV2: 26.0, NV3: 25.5...

Khoảng cách như vậy đủ để "cầu may", cũng đủ để phòng trừ rủi ro. Cách này cũng đủ đảm bảo cho em luôn luôn ĐỖ VÀO NGÀNH CÓ ĐIỂM CHUẨN CAO NHẤT CÓ THỂ.

Ví dụ: Thí sinh thi được 23.5 điểm, nếu NV1 của em là 24 (trượt) và NV2 của em là 21 thì em sẽ đỗ mà thừa tới 2,5 điểm chuẩn - VÔ CÙNG LÃNG PHÍ. Hãy "rải thảm" ra cả mức 23,5; 23,0, ... để kiểu gì cũng đỗ vào ngành “xịn”.

Nên nhớ là sau khi thi xong vẫn có quyền thay đổi các NV, kể cả thêm NV.

Sau khi thi xong vẫn có quyền thay đổi các NV, kể cả thêm NV. Ảnh minh họa.

Nguyên tắc 3: CHỈ TẬP TRUNG CÁC NGUYỆN VỌNG VÀO 2-3 NHÓM NGÀNH CÓ LIÊN QUAN.

Các em hãy trung thực với bản thân và đánh giá đúng năng lực của mình, để xem mình phù hợp với điều gì nhất. Vạch ra cho mình 1-3 NHÓM ngành có liên quan để tập trung "rải" NV vào đó.

Tại sao lại là 1-3 mà không phải 1? Trong mỗi ngành học, thường chỉ có một vài trường "đỉnh cao" về nó. Khi em đã chọn 1 ngành, hãy chọn đúng trường "đỉnh cao".

Ví dụ: về CNTT hãy chọn Bách Khoa, ĐH Công nghệ - ĐHQG,... chứ đừng chọn CNTT của những trường như Nông nghiệp, Thủy lợi, Công đoàn, Hà Nội,...hay về Kiểm toán - Kế toán - Tài chính - Ngân hàng, hãy ưu tiên KTQD, Ngoại thương, HV Tài chính,... chứ đừng học Kế toán trường ĐH Bách khoa, Nông nghiệp, Mở, ....

Nhưng "đỉnh cao" thì có ít và điểm thường cũng "đỉnh cao". Do đó, cần có thêm "phương án 2", "phương án 3" cho mình. Hãy cho mình 2-3 nhóm ngành để lựa chọn sao cho mỗi ngành đều có những "đỉnh cao" của nó.

Ví dụ, nếu mục tiêu là Y, hãy thêm phương án 2 là "Công nghệ sinh học/Thực phẩm/Môi trường" và hãy chọn Bách Khoa, KHTN, Nông nghiệp,... là những "đỉnh cao" của các ngành đó).

Tại sao lại là 1 nhóm ngành? Thực tế là hiểu biết của chúng ta về từng ngành học cụ thể rất hạn hẹp và chủ yếu do "tưởng tượng" ra. Do đó, không cần phải bó buộc vào 1 ngành cụ thể mà hãy hướng về 1 nhóm ngành gần nhau.

Ví dụ: Các bạn thích Y thì Đa khoa - Răng (thậm chí Y Cổ truyền), có thể coi là chung 1 nhóm; các bạn chọn CNTT thì có thể thêm Tự động hóa, Điện tử - Viễn thông; các bạn chọn Kế toán - Kiểm toán thì có thể thêm Tài chính - Ngân hàng - Bảo hiểm; các bạn chọn Công nghệ sinh học thì có thể chọn Thực phẩm - Môi trường...

Ý kiến của bạn
(*) Nội dung bắt buộc cần có
0 bình luận
Xem thêm bình luận

Nhập thông tin của bạn

Đọc thêm