pnvnonline@phunuvietnam.vn
Biểu dương 31 tập thể và 35 phụ nữ điển hình tiên tiến trong phong trào "Toàn dân bảo vệ an ninh Tổ quốc"
Trung tướng Lê Quốc Hùng - Ủy viên TƯ Đảng, Thứ trưởng Bộ Công an, Trưởng ban Chỉ đạo thực hiện phong trào "Toàn dân bảo vệ an ninh Tổ quốc" Trung ương và bà Hà Thị Nga - Ủy viên TƯ Đảng, Chủ tịch Hội LHPN Việt Nam - biểu dương các điển hình tiên tiến trong phong trào "Toàn dân bảo vệ an ninh Tổ quốc", giai đoạn 2019 - 2024
Sự phối hợp hiệu quả của Bộ Công an và Hội LHPN Việt Nam
Phát biểu kết luận và chỉ đạo Hội nghị, Trung tướng Lê Quốc Hùng - Ủy viên Trung ương Đảng, Thứ trưởng Bộ Công an - đánh giá cao vai trò, trách nhiệm của các cấp Hội LHPN trong việc phối hợp chặt chẽ với lực lượng Công an góp phần giữ vững an ninh chính trị, đảm bảo trật tự an toàn xã hội. Thứ trưởng Bộ Công an cũng nhiệt liệt chúc mừng 31 tập thể, 35 cá nhân điển hình tiên tiến đại diện cho cán bộ, hội viên phụ nữ các tỉnh, thành phố khu vực phía Bắc được tôn vinh tại Hội nghị.
"Tôi tin tưởng rằng, bên cạnh các điển hình tiên tiến được biểu dương hôm nay, còn nhiều tấm gương phụ nữ tiêu biểu đang thầm lặng cống hiến tài năng, trí tuệ, nhiệt huyết, tham gia xây dựng phong trào toàn dân bảo vệ an ninh Tổ quốc; đóng góp một phần không nhỏ vào sự nghiệp xây dựng và bảo vệ Tổ quốc xã hội chủ nghĩa" - Trung tướng Lê Quốc Hùng nhấn mạnh.
Trong bối cảnh hiện nay, toàn Đảng, toàn dân, toàn quân ta đang tích cực triển khai thực hiện thắng lợi các chỉ tiêu Nghị quyết Đại hội Đảng toàn quốc lần thứ XIII, phấn đấu lập nên những kỳ tích phát triển mới để hiện thực hóa khát vọng xây dựng đất nước ngày càng phồn vinh, hạnh phúc. Đất nước bước vào giai đoạn phát triển mới, thời cơ và thuận lợi rất lớn nhưng cũng có những thách thức đan xen như: vấn đề tranh chấp lãnh thổ, biển đảo, khủng bố; tình hình tội phạm diễn biến ngày càng phức tạp, nhất là tội phạm có tổ chức, tội phạm sử dụng công nghệ cao, tội phạm có yếu tố nước ngoài; các thế lực thù địch, đối tượng phản động luôn tìm cách liên kết, tập hợp lực lượng để hoạt động chống phá...
Trong công tác Hội, định kiến giới còn tồn tại, đời sống của một bộ phận phụ nữ, nhất là phụ nữ nông thôn, phụ nữ dân tộc thiểu số (DTTS), phụ nữ khuyết tật còn khó khăn; kiến thức, kỹ năng của một bộ phận phụ nữ, đặc biệt là phụ nữ DTTS, miền núi còn hạn chế; nhiều vấn đề liên quan đến gia đình như ly hôn, bạo lực... vẫn diễn biến phức tạp.
Để tiếp tục đẩy mạnh phong trào toàn dân bảo vệ an ninh Tổ quốc (ANTQ), phát huy kết quả đạt được trong thời gian qua, đồng thời đáp ứng yêu cầu nhiệm vụ trong giai đoạn mới, thời gian tới, Thứ trưởng Bộ Công an đề nghị lực lượng Công an tiếp tục phối hợp chặt chẽ với Hội LHPN Việt Nam các cấp thực hiện tốt một số nhiệm vụ trọng tâm sau:
Một là, tổ chức quán triệt, triển khai, thực hiện có hiệu quả các văn bản chỉ đạo của Đảng, Nhà nước về công tác bảo đảm an ninh trật tự (ANTT) nói chung và công tác xây dựng phong trào toàn dân bảo vệ ANTQ nói riêng đến từng cán bộ, hội viên, phụ nữ và các tầng lớp Nhân dân. Tiếp tục phối hợp tham mưu với Đảng, Nhà nước những chủ trương, giải pháp về công tác xây dựng phong trào toàn dân bảo vệ ANTQ; phát huy vai trò của cấp ủy Đảng, vai trò của tổ chức Hội Phụ nữ các cấp nhằm huy động sức mạnh tổng hợp của cả hệ thống chính trị và các tầng lớp Nhân dân trong sự nghiệp bảo vệ an ninh quốc gia, giữ gìn trật tự, an toàn xã hội; xây dựng thế trận an ninh nhân dân, nền an ninh nhân dân vững chắc.
Hai là, chủ động đổi mới nội dung, hình thức công tác tuyên truyền, giáo dục nâng cao nhận thức, trách nhiệm của cán bộ, hội viên phụ nữ trong tham gia đấu tranh, ngăn chặn các biểu hiện suy thoái về tư tưởng chính trị, đạo đức, lối sống, những biểu hiện "tự diễn biến", "tự chuyển hóa" trong nội bộ, xây dựng Đảng, xây dựng đơn vị trong sạch, vững mạnh. Mỗi tổ chức Hội Phụ nữ cơ sở phải phấn đấu là những tập thể đoàn kết, trong sáng, năng động; phát huy tốt vai trò giám sát và phản biện xã hội; tuyên truyền, giáo dục, định hướng mỗi cán bộ, hội viên phụ nữ thực hiện phong trào "Xây dựng người Phụ nữ Việt Nam thời đại mới" theo tinh thần Nghị quyết Đại hội đại biểu Phụ nữ toàn quốc lần thứ XIII; tiên phong trong phòng, chống tiêu cực, tham nhũng, đấu tranh chống các thế lực thù địch, các tổ chức phản động, các thông tin xấu độc; sẵn sàng bảo vệ mục tiêu, lý tưởng của Đảng là độc lập dân tộc gắn liền với chủ nghĩa xã hội.
Ba là, tiếp tục quan tâm, phối hợp tham mưu cấp ủy, chính quyền các cấp xây dựng và nhân rộng các mô hình điển hình tiên tiến trong phong trào toàn dân bảo vệ ANTQ, mô hình về phòng chống tội phạm và mô hình dân vận khéo, phần việc, câu lạc bộ về công tác đảm bảo ANTT trong các tổ chức Hội LHPN ở cơ sở và cộng đồng dân cư; đặc biệt tăng cường ứng dụng công nghệ thông tin xây dựng các mô hình truyền thông phòng chống tội phạm, tệ nạn xã hội; thường xuyên sơ kết, tổng kết, đánh giá hiệu quả hoạt động của các mô hình trong phong trào toàn dân bảo vệ ANTQ, kịp thời động viên, khen thưởng đối với các tập thể, cá nhân có đóng góp tích cực trong công tác bảo đảm ANTT tại cơ sở.
Bốn là, Hội LHPN các cấp chủ động phối hợp chặt chẽ với lực lượng Công an và lực lượng tham gia bảo vệ ANTT ở cơ sở trong tham gia phát động phong trào toàn dân bảo vệ ANTQ, công tác phòng chống tội phạm, tệ nạn xã hội, có biện pháp để vận động cán bộ, hội viên phụ nữ và các tầng lớp Nhân dân tránh xa các mối hiểm họa và tội phạm, tệ nạn xã hội lợi dụng công nghệ cao để lừa đảo, chiếm đoạt tài sản; chủ động cung cấp các nguồn thông tin tố giác tội phạm, tệ nạn xã hội cho lực lượng Công an để kịp thời xử lý, giải quyết dứt điểm vụ việc. Chủ động tham gia đấu tranh phản bác các quan điểm sai trái, thù địch, nhất là trên không gian mạng, phát huy tốt vai trò của phụ nữ trong tham gia giữ gìn an ninh chính trị, trật tự an toàn xã hội. Gương mẫu đi đầu trong chấp hành các quy định pháp luật về giao thông; tham gia thực hiện có hiệu quả Chỉ thị số 23-CT/TW của Ban Bí thư về tăng cường công tác bảo đảm trật tự an toàn giao thông trong tình hình mới…
Năm là, tiếp tục vận động cán bộ, hội viên phụ nữ và các tầng lớp Nhân dân tích cực phối hợp lực lượng Công an vận động Nhân dân trong chuyển đổi số quốc gia ứng dụng công nghệ thông tin, xây dựng Chính phủ số, xã hội số, kinh tế số, công dân số giai đoạn 2022 - 2025, tầm nhìn đến năm 2030, nhất là triển khai có lộ trình 5 nhóm tiện ích theo nội dung Đề án 06 ngày 06/01/2022 của Chính phủ dịch vụ công trực tuyến một phần và dịch vụ công trực tuyến toàn trình trên Cổng dịch vụ công quốc gia; định danh và xác thực điện tử phục vụ chuyển đổi số quốc gia; chia sẻ dữ liệu dùng chung với các bộ, ngành qua đó đơn giản hóa thủ tục hành chính, giải quyết nhanh thủ tục hành chính cho người dân, doanh nghiệp nhanh, gọn, giảm thời gian và chi phí giải quyết thủ tục hành chính, nâng cao hiệu quả quản lý nhà nước, góp phần phát triển kinh tế - xã hội, dựa trên nền tảng Cơ sở dữ liệu dân cư, Cơ sở dữ liệu căn cước công dân, nâng cao đời sống vật chất và tinh thần của Nhân dân; tích cực tham gia Ngày hội toàn dân bảo vệ ANTQ hàng năm (19/8).
Sáu là, đối với các tập thể, cá nhân được biểu dương hôm nay, cần tiếp tục cố gắng, nỗ lực phấn đấu, không ngừng vươn lên, cống hiến nhiều hơn nữa, đạt những thành tích cao hơn nữa, xứng đáng là tấm gương sáng để toàn thể cán bộ, phụ nữ và Nhân dân cả nước noi theo; đóng góp thêm nhiều thành tích hơn nữa cho sự nghiệp xây dựng và bảo vệ Tổ quốc.
Nhiều sáng kiến trong công tác bảo vệ an ninh Tổ quốc
Tại Hội nghị, các cá nhân điển hình đã tham gia giao lưu chia sẻ, truyền đi những thông điệp tích cực để phụ nữ mọi miền Tổ quốc cùng nhân lên những giá trị mà các chị đã tạo dựng, tiếp tục cống hiến, khẳng định và phát huy vai trò của phụ nữ, của tổ chức Hội LHPN Việt Nam trong thúc đẩy phong trào ngày càng lan tỏa sâu rộng ở tất cả các địa bàn cơ sở.
Chia sẻ tại Hội nghị, chị Phùng Thị Thu Nga - Chủ tịch Hội LHPN phường Khai Quang, TP Vĩnh Yên, tỉnh Vĩnh Phúc - cho biết, do đặc thù địa bàn là khu công nghiệp nên có đông công nhân từ khắp nơi đổ về làm việc. Vì vậy, trong công tác tuyên truyền, Hội LHPN phường Khai Quang tích cực trong việc nâng cao nhận thức cho người dân về tình hình ANTT trên địa bàn; xây dựng các câu lạc bộ, mô hình sinh hoạt, giao lưu của các chị em công nhân để giúp chị em nâng cao nhận thức, hiểu biết luật pháp và quy định địa phương, được chăm lo về đời sống tinh thần để yên tâm làm việc.
Còn với chị Giàng Thị Dì - Chủ tịch Hội LHPN xã Si Pa Phìn, huyện Nậm Pồ, tỉnh Điện Biên - câu chuyện tuyên truyền về những tác hại của tảo hôn cho đồng bào dân tộc thiểu số sinh sống ở địa bàn vùng cao, vùng biên chưa bao giờ là dễ dàng. "Được sự ủng hộ, động viên và phối hợp có hiệu quả với lực lượng công an, chúng tôi cũng thuận lợi hơn trong công tác tuyên truyền cho bà con. Khi chống lại được những hủ tục lạc hậu, nâng cao hiểu biết, tri thức cho bà con cũng là một trong những hình thức nâng cao kiến thức trong việc xây dựng và bảo vệ Tổ quốc, nhất là ở địa bàn nhạy cảm đặc biệt như khu vực biên giới" - chị Giàng Thị Dì cho hay.
Cùng quan điểm với chị Giàng Thị Dì, theo chị Nguyễn Thị Hải Vân - Chủ tịch Hội LHPN thị trấn Đồng Đăng, huyện Cao Lộc, tỉnh Lạng Sơn - càng ở những vùng nhạy cảm như khu vực biên giới, công tác bảo vệ an ninh Tổ quốc càng quan trọng. Thời gian qua, chị Hải Vân luôn tích cực phối hợp với lực lượng Công an từ việc cơ bản như động viên, hướng dẫn người dân làm căn cước, thực hiện định danh điện tử, cho đến hiện thực hóa những ý tưởng như làm tốt mô hình "Xây dưng lũy tre biên giới Việt", tuyên truyền người dân thực hiện đúng chủ trương đường lối của Đảng, Chính sách pháp luật của nhà nước. "Thông qua chính những hội viên, phụ nữ, chúng ta lại có thêm những tuyên truyền viên để tuyên truyền cho mọi người về tầm quan trọng của trong công tác bảo vệ vùng biên cương của Tổ quốc", chị Nguyễn Thị Hải Vân chia sẻ.