'Biểu tình áo vàng' vì sao từ nước Pháp lan khắp thế giới?

21/12/2018 - 12:51
Từ “tâm chấn” Paris của nước Pháp, làn sóng biểu tình "Áo vàng" đã và đang nhanh chóng lan rộng ra nhiều quốc gia khác trên thế giới. Chưa khi nào phong trào của người dân phản đối các chính sách của chính phủ của nhiều nước lại mạnh mẽ như vậy.
Biểu tình lớn nhất nửa thế kỷ ở Pháp
 
Cuộc biểu tình lớn nhất 5 thập kỷ tại Pháp nổ ra từ ngày 17/11 khi hàng chục nghìn người mặc áo vàng xuống đường kêu gọi chính phủ cắt giảm thuế xăng dầu, điều chỉnh chính sách kinh tế và thể hiện sự phản đối Tổng thống Pháp Emmanuel Macron.
 
Phong trào biểu tình “Áo vàng” là một phong trào kỳ lạ khi không có lãnh đạo, không có người đại diện, không tổ chức hay bất kỳ đảng phái chính trị nào đứng sau… nhưng lại tạo nên một làn sóng làm rung chuyển cả chính quyền Tổng thống Emmanuel Macron từng được đặt rất nhiều kỳ vọng khi lên cầm quyền ngày 14/5/2017.
 
bao-loan-o-phap-4.jpg
Người biểu tình "áo vàng" đụng độ với cảnh sát tại khu vực gần Khải Hoàn Môn, thủ đô Paris (Pháp)

 

Những người biểu tình mặc áo vàng là biểu tượng cho tiếng kêu cứu, sự oán giận của người dân đối với kế hoạch tăng thuế nhiên liệu Tổng thống Macron dự kiến áp dụng từ năm 2019, trong lúc giá xăng năm nay vốn đã tăng 16% tới 1,74 USD/lít từ tháng 10.
Ngoài việc phản đối thuế, người biểu tình còn cần tổng thống ra mặt và cam kết nhiều hơn nữa để thay đổi bộ mặt nước Pháp với khoảng cách giàu nghèo xa vời vợi, bắt nguồn từ chính sách cắt giảm thuế cho người có thu nhập cao. Thu nhập của 20% người giàu nhất nước Pháp gấp 5 lần thu nhập của nhóm nghèo nhất nước này, vốn chỉ vào khoảng 1.700 euro/tháng. Tỷ lệ thất nghiệp của Pháp xấp xỉ 10%, cao hơn mức trung bình toàn châu Âu.
 
Châu Âu rối vì biểu tình áo vàng lan nhanh
 
bao-loan-o-bi-1.jpg
Cảnh sát trấn áp những người gây bạo loạn ở Bỉ

 

Người dân không hài lòng với các chính sách của chính phủ dẫn đến bạo loạn ở Pháp cũng đặt ra hồi chuông báo động cho các nước khác ở châu Âu. Có thể thấy, nguyên nhân sâu xa làm bùng phát phong trào biểu tình “Áo vàng” tại Pháp cũng chính là những nhân tố âm ỉ lâu nay tại nhiều quốc gia khác, nơi mà quyền lợi của người dân thu nhập thấp luôn bị ảnh hưởng bởi các chính sách cải cách.
Hiện châu Âu đang trải qua một mùa Đông “nóng” khi sắc áo vàng mang theo làn sóng biểu tình từ Pháp đã vượt biên giới, lan nhanh sang nhiều nước châu Âu khác như Bỉ, Hà Lan, Italy…
 
Một cuộc bạo loạn tương tự ở Paris (Pháp) đã xảy ra ở Bỉ khi người biểu tình ném gạch đá, phá phách các cửa hiệu và xe cộ trong lúc tìm cách tiến vào các tòa nhà chính quyền ở thủ đô Brussels. Phong trào biểu tình ở Bỉ phản đối tình trạng chi phí sinh hoạt gia tăng và yêu cầu giải tán Chính phủ liên minh trung hữu của Thủ tướng Charles Michel. Cảnh sát Bỉ phải dùng vòi xịt nước và hơi cay để giải tán những người biểu tình mặc áo vàng.
 
bieu-tinh-o-anh.jpg
Tuần hành đề nghị chính phủ Anh đẩy nhanh tiến trình Brexit

 

Tại Anh, các nhà hoạt động ủng hộ Anh rời Liên minh châu Âu (EU), còn gọi là Brexit, đã mặc trang phục áo vàng để tiến hành cuộc tuần hành trên cầu Westminster. Họ đề nghị chính phủ đẩy nhanh tiến trình Brexit.
 
Còn tại Italy, hàng nghìn người dân cũng đổ xuống các con phố ở thủ đô Rome để phản đối luật nhập cư và an ninh mới được quốc hội nước này thông qua hôm 28/11. Những người biểu tình cho rằng luật mới "chống người di cư" này sẽ chỉ làm gia tăng thêm số lượng người nhập cư không có giấy tờ hợp pháp ở Italy, qua đó khiến tình hình trở nên khó khăn hơn.
 
Ngoài ra, khoảng 70.000 người cũng đã tập trung tại Turin, miền Bắc Italy phản đối chính phủ thực thi dự án xây dựng tuyến đường hầm xe lửa xuyên dãy Alps, được cho là gây lãng phí ngân sách công.
 
Ở Áo, 17.000 người tham gia vào cuộc biểu tình chống chính phủ ở thủ đô Vienna đúng dịp kỷ niệm một năm ngày chính phủ liên minh hiện nay của Áo lên nắm quyền. Những người tham gia biểu tình chủ yếu phản đối chính sách di cư của nhà chức trách Áo, đề nghị giảm ngày làm việc và bãi bỏ những biện pháp khắc khổ.
 
bieu-tinh-o-ha-lan.jpg
Người biểu tình áo vàng ở Hà Lan

 

Tại Hà Lan, những người áo vàng xuống đường đòi giải quyết vấn đề chi phi sinh hoạt đắt đỏ, tăng tuổi nghỉ hưu, người nhập cư và yêu cầu Thủ tướng Mark Rutte từ chức. Nhiều người lên tiếng rằng họ cảm thấy thất vọng với chính sách hiện vì dẫu làm việc chăm chỉ nhưng phải đóng quá nhiều thuế và không thể mua nhà.
 
“Áo vàng” vượt đại dương
 
Không chỉ tại châu Âu, biểu tình áo vàng đã vượt đại dương đến các nước phát triển khác. Tại Canada, người biểu tình áo vàng đã diễn ra tại nhiều thành phố như Edmonton, Toronto, Calgary và Halifax để phản đối một số chính sách của chính phủ nước này. Họ phản đối luật nhập cư, chính sách thuế carbon, giương cao biển hiệu "Canada First" (Canada trước tiên), tương tự với khẩu hiệu của Tổng thống Mỹ Donald Trump nhằm bảo vệ lợi ích quốc gia trước tiên. Được biết, Canada mới đây đã thông qua kế hoạch đánh thuế carbon mới nhằm đối phó với hiện tượng biến đổi khí hậu. Nội các của Thủ tướng Trudeau đã cam kết áp thuế carbon liên bang đối với 4 trong 10 tỉnh của Canada bắt đầu từ tháng 4/2019. Phong trào biểu tình áo vàng đang phản đối những chính sách trên.
 
bieu-tinh-o-canada-2.jpg
Kêu gọi không đánh thuế carbon, phản đối luật nhập cư ở Canada

 

Đáng chú ý hơn cả là những người biểu tình phản đối Hiệp ước toàn cầu về di cư của Liên hợp quốc (LHQ) mà Canada đã thông qua vào đầu tháng này. Nhập cư được xem là chìa khóa để giúp tăng cường nền kinh tế Canada. Với những người nhập cư trung bình còn trẻ, nó có thể giúp giải quyết những thách thức của một dân số già. Tuy nhiên, những điều này dường như không làm giảm được sự bất mãn của người dân Canada khi những mảnh đất của họ đang dần bị chia bớt cho những người nước ngoài. Cuộc biểu tình do đó cũng đã khiến một nhóm người chống đối biểu tình đụng độ.
 
bieu-tinh-o-israel.jpg
Áo vàng xuống đường ở Israel

 

Còn tại khu vực Trung Đông, phẫn nộ trước việc chi phí sinh hoạt (giá điện, nước và thực phẩm) tăng cao chóng mặt, nhiều người dân Israel đã quyết định tổ chức phong trào áo vàng của riêng mình tại Tel Aviv nhằm buộc chính phủ phải nhượng bộ một số yêu cầu. Những người lao động và thu nhập thấp xuống đường biểu tình phản đối khi quyền lợi của họ bị đụng chạm.
Cho đến nay, chưa biết phong trào biểu tình áo vàng sẽ còn đi đến đâu.

Ý kiến của bạn
(*) Nội dung bắt buộc cần có
0 bình luận
Xem thêm bình luận

Nhập thông tin của bạn

Đọc thêm