Biểu tượng huy hoàng về người phụ nữ Việt Nam trong ca khúc Nguyễn Văn Tý

Mộc Anh
27/12/2019 - 18:06
Biểu tượng huy hoàng về người phụ nữ Việt Nam trong ca khúc Nguyễn Văn Tý
Từ những hình ảnh giản dị, cảm xúc của nhạc sĩ Nguyễn Văn Tý đã kết tinh thành một biểu tượng đẹp, huy hoàng về người phụ nữ Việt Nam trong nhạc phẩm “Bài ca Phụ nữ Việt Nam”.

Ca khúc "Bài ca Phụ nữ Việt Nam" qua giọng hát Phương Nga

"Phụ nữ Việt Nam vốn hay lam hay làm/Có Đảng chỉ đường đã bừng đôi mắt sáng…". Đã gần 50 trôi qua kể từ ngày ca khúc Bài ca Phụ nữ Việt Nam của nhạc sĩ Nguyễn Văn Tý ra đời, trên mọi nẻo đường đất nước, từ đô thành tới thôn quê, mỗi khi những giai điệu dìu dặt, nồng hậu ấy vang lên, lại khơi dậy niềm thương mến, tự hào về vẻ đẹp tuyệt vời của người phụ nữ Việt Nam.

Điều đặc biệt là ca khúc viết để ca ngợi vẻ đẹp tâm hồn, tinh thần và nghị lực của người phụ nữ lại hợp cho cả giọng nữ và nam thể hiện. Nếu giọng nữ cao réo rắt truyền cảm một cách thuyết phục, phấn chấn niềm tự hào của giới thì giọng nam trầm ấm lại chan chứa cảm phục hòa quyện với sự dí dỏm, tươi vui.

Hiếm có ca khúc nào viết trong giai đoạn mà văn nghệ nói chung thực hiện nhiệm vụ cổ vũ tinh thần quân dân mà lại vừa thể hiện được hình ảnh chân thực của người phụ nữ hăng say lao động và chiến đấu, vừa đong đầy và lan truyền cảm xúc chân thành được âm nhạc chắp cánh một cách thăng hoa đến thế.

Biểu tượng huy hoàng về người phụ nữ Việt Nam trong ca khúc Nguyễn Văn Tý - Ảnh 2.

Nhạc sĩ Nguyễn Văn Tý (1925-2019)

Nhạc sĩ Nguyễn Văn Tý đã xóa nhòa ranh giới về định kiến phái yếu trong hoàn cảnh cả đất nước trong guồng xoay của chiến đấu và lao động, hiến dâng. Phải là người thấu hiểu và có một trái tim nhiều cảm kích, rung động mới có thể đưa những hình ảnh biểu tượng cho tinh thần truyền thống, vừa kiên cường, vừa duyên dáng, mềm mại của người phụ nữ Việt Nam, chuyển tải qua một giai điệu mà mỗi nốt nhạc như gieo thêm vô bờ những tự hào, phấn chấn.

Chẳng cần đến những mỹ từ cao siêu, ngay từ chất liệu cuộc đời phản chiếu vào trong đáy mắt đam mê và cảm xúc của người nghệ sĩ, mỗi giai điệu ca từ của Bài ca Phụ nữ Việt Nam thêm vào trong cảm nhận của mỗi người nghe những thước phim về chiến công âm thầm của hậu phương người lính. Ai cũng có thể lẩm nhẩm thuộc nằm lòng những ca từ tâm tình thủ thỉ nhưng cũng không kém phần say sưa, phấn chấn ấy. Để rồi từ những hình ảnh giản dị, cảm xúc của người nhạc sĩ kết tinh thành một biểu tượng đẹp, huy hoàng về người Phụ nữ Việt Nam: Đã thêu gấm hoa vào nền non nước Việt Nam.

Biểu tượng huy hoàng về người phụ nữ Việt Nam trong ca khúc Nguyễn Văn Tý - Ảnh 3.

Ca sĩ Phương Nga (Phó trưởng khoa Thanh nhạc - Học viện Âm nhạc Quốc gia Việt Nam) là giọng ca thể hiện thành công bài hát "Bài ca phụ nữ Việt Nam"

Trong bối cảnh nhiều nghệ sĩ bối rối khi chuyển hướng đề tài sáng tác phục vụ kháng chiến và kiến quốc, nhạc sĩ Nguyễn Văn Tý đã chọn được một cách chuyển tải nhẹ nhàng, phù hợp và cũng khéo léo, uyển chuyển. Bởi thế, Bài ca Phụ nữ Việt Nam cùng với những ca khúc khác của ông, đơn cử như Bài ca 5 tấn, qua thời gian, nét phấn chấn, phơi phới, nồng hậu của ca khúc vẫn còn nguyên vẹn. Nhờ những tác phẩm như thế, người trẻ hôm nay hiểu hơn về tinh thần đáng nhớ của một thời kỳ, biết quý trọng hơn vẻ đẹp phụ nữ còn tiếp nối và những trái ngọt của ngày hôm nay.

Ca khúc Bài ca người Phụ nữ Việt Nam được nhạc sĩ Nguyễn Văn Tý sáng tác năm 1970, đúng vào lúc cuộc kháng chiến chống Mỹ đang bước vào giai đoạn cam go nhất, miền Bắc vừa xây dựng CNXH vừa là hậu phương vững chắc chi viện cho chiến trường miền Nam. Ca khúc được nhiều ca sĩ như Tuyết Thanh, Phương Nga thể hiện thành công.

Ý kiến của bạn
(*) Nội dung bắt buộc cần có
0 bình luận
Xem thêm bình luận

Nhập thông tin của bạn

Đọc thêm