pnvnonline@phunuvietnam.vn
Nhạc sĩ Nguyễn Văn Tý qua đời
Nguồn tin riêng của phunuvietnam.vn, nhạc sĩ Nguyễn Văn Tý vừa qua đời hồi 17h15 hôm nay, 26/12/2019 tại nhà riêng. Nguồn tin cho biết, lễ nhập quan sẽ diễn ra vào lúc 8g sáng ngày 27/12/2019. Lễ di quan diễn ra vào ngày 29/12/2019. Sau khi gia đình quyết định ngày, giờ viếng và địa điểm, Hội âm nhạc TP.HCM sẽ có thông báo đến các hội viên và đông đảo người hâm mộ biết,
Nhạc sĩ Nguyễn Văn Tý sinh ngày 5/3/1925 tại Vinh, Nghệ An. Ông quê gốc ở xã Phú Cường, huyện Sóc Sơn, TP Hà Nội. Nguyễn Văn Tý xuất thân trong một gia đình truyền thống âm nhạc, cha của ông là "trùm một phường bát âm của miền quê Vĩnh Phú thạo cả hát văn, hát chèo và hát ả đào", sau vào làm thợ máy nhà máy xe lửa Trường Thi ở Nghệ An. Thuở bé, Nguyễn Văn Tý học ở trường Quốc học Vinh và được một giáo viên người Pháp dạy cho những bài hát của Tino Rossi đang thịnh hành thời đó. Trong thời gian tham gia hoạt động hướng đạo, ông được một cha cố người Tây Ban Nha cho vào dàn nhạc nhà thờ hát thánh ca. Ở đó ông được học nhạc lý cơ bản và nhất là nâng cao trình độ hòa thanh, hát bè. Nguyễn Văn Tý còn được một thầy giáo nhạc sĩ người Hoa tên Mạnh Hinh dạy chơi đàn guitar Hawaii.
Tư liệu từ Hội âm nhạc TPHCM cho biết, từ năm 1944, Nguyễn Văn Tý đi hát trong phòng trà ở Vinh kiếm sống. Năm 1945, nhạc sĩ tham gia phong trào Việt Minh, sáng lập và xây dựng đoàn kịch thơ, kịch nói của Thanh niên Cứu quốc Nghệ An. Theo lời của Nguyễn Văn Tý, ông bắt đầu sáng tác vào năm 1947 khi là Trưởng phòng Thông tin tuyên truyền huyện Thanh Chương, nhưng ông coi tác phẩm đầu tay của mình là bài Ai xây chiến lũy được viết 1949.
Năm 1951, Nguyễn Văn Tý giải ngũ và chuyển về công tác ở Chi hội Văn nghệ Liên khu IV. Năm 1952, ông quen biết với bà Nguyễn Thị Bạch Lệ, em gái nhạc sĩ Nguyễn Văn Thương và sau đó hai người thành hôn. Thời gian này ông sáng tác những bài như Vượt trùng dương (1952), Tiếng hát Dôi-a (1953) và đặc biệt là ca khúc nổi tiếng Mẹ yêu con (1956).
Cuối năm 1957, Nguyễn Văn Tý cùng với Nguyễn Xuân Khoát, Đỗ Nhuận, Lưu Hữu Phước, Văn Cao được chỉ định thành lập Hội Nhạc sĩ Việt Nam. Sau đó, khi đang là ủy viên chấp hành khóa đầu tiên của hội thì báo Nhân Văn ra đời, xảy ra vụ Nhân Văn - Giai Phẩm. Theo lời khuyên của nhạc sĩ Lưu Hữu Phước, Nguyễn Văn Tý tập trung nghiên cứu dân ca. Đầu 1961, ông được biệt phái về Hưng Yên. Thời gian này, Nguyễn Văn Tý đã viết một số ca khúc như Chim hót trên đồng đay (1963), Dòng nước quê hương (1963), Tiễn anh lên đường (1964), Múa hát mừng chiến công (1966)... Những năm sau này, người miền Nam nhớ đến ông bởi bài hát nổi tiếng Dáng đứng Bến Tre.
Những ngày cuối đời, nhạc sĩ Nguyễn Văn Tý sống trong căn nhà nhỏ trong con hẻm tại Q. Phú Nhuận, TPHCM. Ông sống cùng mẹ con cô cháu gái. Các con gái của ông không sống cùng với bố. Nhạc sĩ thường xuyên kể về nỗi khổ bị bỏ rơi vào những ngày cuối đời, trong bệnh tật. Trong khi các con gái của ông lại kể sự thật khác.
Nhạc sĩ Nguyễn Văn Tý đã từng được nhận Giải thưởng Hồ Chí Minh về Văn hóa nghệ thuật.