pnvnonline@phunuvietnam.vn
"Bình dân học AI" góp phần phát triển nền kinh tế có lực lượng lao động chất lượng cao
Tỉnh Thái Nguyên đặt mục tiêu đến năm 2025, 100% cán bộ, công chức, viên chức trong các cơ quan, đơn vị trên địa trên địa bàn tỉnh được học và ứng dụng nền tảng AI hỗ trợ công việc - Ảnh: baothainguyen
Tỉnh Thái Nguyên đang triển khai chương trình "Bình dân học AI" với đầy tham vọng để phổ cập công nghệ trí tuệ nhân tạo (AI) trong toàn xã hội, với mục tiêu đến năm 2025, ít nhất 50% người lao động sẽ có khả năng sử dụng các kỹ năng AI cơ bản. Đây là một nỗ lực nhằm phát triển một nền kinh tế dựa trên lực lượng lao động chất lượng cao, góp phần thực hiện thắng lợi các mục tiêu đề ra trong Nghị quyết số 01-NQ/TU của Ban Chấp hành Đảng bộ tỉnh về Chương trình chuyển đổi số.
Đẩy mạnh ứng dụng AI để gia tăng năng suất lao động
Cuộc Cách mạng công nghiệp 4.0 đã mang đến nhiều công nghệ số hóa đột phá, trong đó AI được xem là một trong những động lực quan trọng để thực hiện kết nối giữa thế giới thực và không gian số, từ đó tạo ra những lực lượng sản xuất và quan hệ sản xuất mới. Chính vì vậy, Thái Nguyên đặt mục tiêu đến năm 2025, có ít nhất 50% người lao động có khả năng sử dụng các kỹ năng AI cơ bản.
Nhằm thực hiện mục tiêu này, tỉnh Thái Nguyên đã triển khai chương trình "Bình dân học AI" với mục đích giúp mọi người dân, đặc biệt là người dân trong độ tuổi lao động (từ 15-60 tuổi), làm chủ và sử dụng được AI trong cuộc sống.
"Bình dân học AI" là chương trình được kế thừa tinh thần của phong trào "Bình dân học vụ" năm 1945. Chương trình sẽ giúp người lao động kết nối với kho tri thức nhân loại thông qua AI; hình thành tư duy "AI First" (ưu tiên AI) và văn hóa ứng dụng "AI xứ Trà" trong giải quyết vấn đề, giúp cộng hưởng trí tuệ cá nhân của mỗi người với trí tuệ nhân tạo. Qua đó, cải thiện năng suất, chất lượng công việc bằng AI, mở ra các cơ hội làm việc mới chưa từng có, tăng khả năng tiếp cận tri thức, nâng cao chỉ số hài lòng, chỉ số hạnh phúc của người dân trên địa bàn tỉnh. Chương trình được thực hiện từ tháng 11/2024 đến tháng 12/2025, với 5 bậc trình độ từ cơ bản đến nâng cao và 5 phương pháp đào tạo.
Bậc 1 - Xử lý văn bản cơ bản: Sử dụng AI để xử lý văn bản, viết báo cáo; tìm kiếm và tổng hợp thông tin; đáp ứng yêu cầu công việc văn phòng cơ bản.
Bậc 2 - Đa phương tiện và truyền thông: Sử dụng AI xử lý hình ảnh, video, âm thanh; Tạo nội dung đa phương tiện chuyên nghiệp; Xây dựng kênh truyền thông trên mạng xã hội.
Bậc 3 - Mô hình tư duy chuyên nghiệp: Vận dụng các mô hình tư duy với AI; phân tích và giải quyết vấn đề có hệ thống; tối ưu hóa quy trình công việc. Kết quả: Xử lý công việc chuyên nghiệp, tiệm cận trình độ các nước phát triển.
Bậc 4 - Quản trị dữ liệu và tri thức: Phân loại và tổ chức dữ liệu hiệu quả; khai thác nguồn big data; xây dựng hệ thống quản lý tri thức. Kết quả: Làm chủ và khai thác nguồn dữ liệu, thông tin, tri thức riêng, tạo vị thế mới trên thị trường lao động.
Bậc 5 - Sáng tạo và đổi mới: Thử nghiệm giải pháp mới với AI; phát minh và cải tiến quy trình; phát triển mô hình kinh doanh sáng tạo. Kết quả: Tạo ra giá trị mới với AI, thích nghi với tương lai nhiều biến đổi.
Thông qua các phương pháp này, chương trình "Bình dân học AI" hướng tới giúp người dân tiếp cận và sử dụng AI một cách đơn giản, trở thành công cụ làm việc hiệu quả hằng ngày.
Bên cạnh việc phổ cập kiến thức AI cho người dân, tỉnh Thái Nguyên cũng đặt mục tiêu đến năm 2025, 100% cán bộ, công chức, viên chức trong các cơ quan, đơn vị trên địa bàn tỉnh sẽ được học và ứng dụng nền tảng AI hỗ trợ công việc. Đồng thời, 80% chủ doanh nghiệp, hợp tác xã, hộ kinh doanh cá thể cũng sẽ được học và ứng dụng nền tảng AI hỗ trợ công tác quản trị, tổ chức sản xuất, kinh doanh và phát triển sản phẩm.
Giám đốc Sở Lao động - Thương binh và Xã hội tỉnh Thái Nguyên Nguyễn Thị Quỳnh Hương cho rằng, cuộc cách mạng công nghiệp lần thứ tư hội tụ nhiều công nghệ số hóa đột phá để thực hiện kết nối giữa thế giới thực và không gian số và tạo ra lực lượng sản xuất và quan hệ sản xuất mới, chuyển đổi số toàn diện trên tất cả các mặt của cuộc sống. Chính vì vậy, đạt được mục tiêu 50% người lao động có khả năng sử dụng các kỹ năng AI cơ bản sẽ giúp cải thiện đáng kể năng suất lao động và tạo ra giá trị sản xuất cao cho xã hội.
Việc ứng dụng AI trong các cơ quan, đơn vị và doanh nghiệp sẽ giúp nâng cao hiệu quả, năng suất lao động, từ đó tạo ra giá trị sản xuất cao hơn cho xã hội. Đây là một trong những mục tiêu then chốt để Thái Nguyên thực hiện chuyển đổi số toàn diện, phát triển nền kinh tế dựa trên lực lượng lao động chất lượng cao.
Tiền đề cho chuyển đổi số toàn diện
Để đạt được những mục tiêu tham vọng như trên, sự lãnh đạo, chỉ đạo quyết liệt của các cấp ủy Đảng, chính quyền tỉnh Thái Nguyên là vô cùng quan trọng. Đồng chí Nguyễn Huy Dũng, Phó Bí thư Tỉnh ủy, Chủ tịch UBND tỉnh Thái Nguyên đã khẳng định AI là "con đường ngắn nhất" để người lao động tiếp cận kho tri thức quý báu của toàn nhân loại, và cũng là cơ hội để người lao động học các kỹ năng lao động trung tâm của cuộc Cách mạng công nghiệp cùng lúc với người lao động của các quốc gia phát triển. Vì vậy, việc nâng cao năng lực số cho người dân để tiếp cận và khai thác công nghệ số, đặc biệt là AI, là một nhu cầu cấp thiết của tỉnh Thái Nguyên. Mục tiêu chính là thúc đẩy sự phát triển kinh tế, nâng cao chất lượng cuộc sống và tăng cường năng lực cạnh tranh của tỉnh. Ngoài ra, việc này còn góp phần quan trọng trong việc thực hiện thành công các mục tiêu đã đề ra trong Nghị quyết số 01-NQ/TU của Ban Chấp hành Đảng bộ tỉnh Thái Nguyên.
Bên cạnh đó, sự tham gia của các doanh nghiệp công nghệ như Công ty Cổ phần Công nghệ chọn lọc thông tin (InFoRe) cũng đóng vai trò quan trọng. Họ đã cung cấp các giải pháp, công cụ và phương pháp học tập phù hợp với những người dân bình thường, nhằm giúp họ dễ dàng tiếp cận và sử dụng được AI trong cuộc sống hằng ngày.
Ghi nhận thực tế cho thấy, trong những năm qua, người dân Thái Nguyên đã có cơ hội tiếp xúc với AI thông qua các ứng dụng, dịch vụ phổ biến như Google, Facebook, YouTube hay TikTok. Tuy nhiên, khái niệm AI mới chỉ thực sự phổ biến khi ứng dụng ChatGPT ra đời, cho phép người dùng giao tiếp 2 chiều với máy và yêu cầu cung cấp các nội dung, thông tin hay xử lý dữ liệu một cách hoàn toàn tự động. Với "Bình dân học AI" sẽ giúp mọi người học cách sử dụng AI một cách đơn giản và trở thành công cụ làm việc hằng ngày hiệu quả.
Ông Lê Công Thành, Giám đốc Công ty Công nghệ InfoRe, cho hay, với chương trình này, người nông dân có thể dùng AI để dự báo mùa vụ, tối ưu hóa năng suất và giảm thiểu chi phí. Nông dân học cách sử dụng các ứng dụng AI để phân tích hình ảnh và nhận diện các vấn đề của cây trồng như sâu bệnh, thiếu dinh dưỡng hay độ ẩm của đất… Ngoài ra, hình thức học tập Micro-learning cũng là một trong những yếu tố sáng tạo của dự án, giúp người học dễ dàng tiếp cận kiến thức AI dù thời gian hạn hẹp. Mỗi người sẽ dành ít nhất 15 phút mỗi ngày để tìm hiểu và thực hành ứng dụng AI. Quá trình học này đều được ghi nhận, đánh giá và phản hồi qua hệ thống AI và giúp người học nhận thấy sự tiến bộ của bản thân...
Theo đại diện Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch, việc người dân tiếp cận được các ứng dụng AI tiên tiến như vậy là một tiền đề quan trọng, giúp họ dần quen thuộc và hứng thú với những công nghệ mới. Tuy nhiên, để nâng cao năng lực số một cách toàn diện, Thái Nguyên phải đa dạng hóa các kênh tiếp cận, từ việc ứng dụng AI trong các cơ quan nhà nước đến việc phổ cập kiến thức AI cho các tầng lớp nhân dân.
Có thể thấy chương trình "Bình dân học AI" được thực hiện thành công sẽ giúp người lao động kết nối với kho tri thức nhân loại thông qua AI; hình thành văn hóa "AI xứ Trà" và tư duy "AI First" (Ưu tiên AI) trong giải quyết các vấn đề trong thực tiễn, giúp cộng hưởng trí tuệ cá nhân của mỗi người với trí tuệ nhân tạo. Bên cạnh đó, góp phần hoàn thành các nội dung, nhiệm vụ của Đề án phát triển Năng lực số giai đoạn 2024 - 2025 trên địa bàn tỉnh Thái Nguyên.
Trong bối cảnh hiện đại, việc phát triển năng lực số và ứng dụng AI tại Thái Nguyên là một nhiệm vụ cấp thiết và mang tính chiến lược. Thông qua sự phối hợp chặt chẽ giữa các cơ quan nhà nước, cơ sở giáo dục và doanh nghiệp, Thái Nguyên đã và đang tạo ra một hệ sinh thái thuận lợi cho sự phát triển của AI. Qua đó, người dân không chỉ nâng cao nhận thức mà còn trang bị cho mình những kỹ năng cần thiết để tiếp cận và phát triển trong thời đại công nghệ số. Việc xây dựng một nền tảng vững chắc cho AI không chỉ mang lại lợi ích trước mắt mà còn đặt nền móng cho sự phát triển bền vững trong tương lai.