pnvnonline@phunuvietnam.vn
Bình đẳng giới không đơn giản là sự cân bằng số lượng

Bà Đào Thị Vi Phương, Phó Trưởng ban Chính sách - Luật pháp, Hội LHPN Việt Nam, tham luận tại Hội thảo
Đây là đề tài độc lập cấp Quốc gia "Nghiên cứu, đánh giá tổng thể về bình đẳng giới phục vụ phát triển bền vững" do Bộ Khoa học và Công nghệ tài trợ.
Phát biểu khai mạc Hội thảo khoa học "Bình đẳng giới trong chính trị, lãnh đạo và quản lý", PGS.TS. Tạ Minh Tuấn, Phó Chủ tịch Viện Hàn lâm KHXH Việt Nam, khẳng định: "Bình đẳng giới trong lĩnh vực chính trị là một trong những thước đo quan trọng và cao nhất về mức độ bình đẳng giới. Bình đẳng hơn về giới trong lĩnh vực chính trị vừa thể hiện mức tiến bộ của phụ nữ trong xã hội so với nam giới, vừa là phương tiện hiệu quả đảm bảo cho sự tiến bộ một cách liên tục. Khả năng tham gia chính trị của phụ nữ làm thay đổi quy trình xác định những ưu tiên cho chính sách công và giúp chính phủ có cách nhìn công bằng và bao quát hơn. Khi quyền tham gia chính trị của phụ nữ được thực hiện một cách đầy đủ hơn, phụ nữ có thể đẩy mạnh các nỗ lực phát triển kinh tế, xã hội, văn hóa".

PGS.TS. Tạ Minh Tuấn, Phó Chủ tịch Viện Hàn lâm KHXH Việt Nam, phát biểu khai mạc Hội thảo
Theo PGS.TS. Tạ Minh Tuấn: "Trước kia, bình đẳng giới nghĩa là cho phụ nữ quyền giống như nam giới và đối xử với họ như nhau. Qua thời gian, người ta nhận thấy rằng, cách tiếp cận này bỏ qua quan hệ quyền lực giữa nam và nữ. Bình đẳng giới không mang ý nghĩa đơn giản là sự cân bằng về số lượng giữa phụ nữ và nam giới, hoặc trẻ em trai và trẻ em gái trong mọi hoạt động của xã hội. Ngày nay, bình đẳng giới là cho phụ nữ và nam giới những điều kiện sống công bằng, có những điều kiện như nhau để nhận ra năng lực tiềm tàng của mình, có cơ hội để tham gia, đóng góp và hưởng lợi ích như nhau từ môi trường phát triển quốc gia, chính trị, kinh tế, xã hội và văn hóa".
Năm 2024, Việt Nam đã thu hẹp khoảng cách giới, đạt điểm bình đẳng giới là 71,5% - cao hơn mức trung bình toàn cầu cũng như khu vực Đông Á và Thái Bình Dương, giữ vị trí thứ 72. Mặc dù vậy, nhiều chỉ tiêu của Nghị quyết 11 vẫn chưa đạt được. Việt Nam đang đối diện với một số thách thức về bình đẳng giới, bao gồm mức độ đại diện của phụ nữ trong hệ thống chính trị chưa bình đẳng, mất cân bằng giới tính khi sinh, bất bình đẳng giới trong tiền lương, thời gian làm việc, việc làm không được trả công, tham gia bảo hiểm xã hội bắt buộc, mức độ phụ nữ làm việc ở khu vực phi chính thức cao, bạo lực trên cơ sở giới còn tồn tại, tỷ lệ phụ nữ tham gia thị trường lao động và mức sinh đang có xu hướng giảm…

Các đại biểu tham dự hội thảo
Chia sẻ tại hội thảo, PGS.TS. Trần Thị Minh Thi, Phó Viện trưởng Viện Thông tin KHXH, Chủ nhiệm đề tài, cho biết: Việc tăng cường sự tham gia của phụ nữ không chỉ nâng cao chất lượng ra quyết định mà còn góp phần xây dựng một xã hội công bằng, dân chủ và văn minh. Tuy nhiên, trên thực tế, các rào cản về định kiến xã hội, sự bất bình đẳng trong tiếp cận cơ hội nghề nghiệp và các yếu tố văn hóa truyền thống vẫn tồn tại, đòi hỏi cần có những nghiên cứu khoa học để đề xuất các giải pháp phù hợp với điều kiện của Việt Nam.
Trong bối cảnh đó, việc triển khai, nghiên cứu đánh giá tổng thể, toàn diện về bình đẳng giới phục vụ phát triển bền vững, trong đó, bình đẳng giới trong lĩnh vực chính trị, lãnh đạo, quản lý là hết sức cần thiết. Qua đó, đánh giá tính đại diện và đa dạng giới trong quá trình ra quyết định; giúp đảm bảo rằng việc tinh giản biên chế không làm gia tăng bất bình đẳng giới, đặc biệt là việc loại bỏ những định kiến giới trong công tác bổ nhiệm và đề bạt cán bộ.
Hội thảo "Bình đẳng giới trong Chính trị, lãnh đạo, quản lý" nhằm chia sẻ các kết quả nghiên cứu, khảo sát về bình đẳng giới trong và cung cấp các luận cứ khoa học để xây dựng khuyến nghị chính sách về bình đẳng giới trong chính trị, lãnh đạo, quản lý trong giai đoạn tới. Đây cũng là điều kiện để các nhà quản lý, xây dựng chính sách, chuyên gia, nhà khoa học và các tổ chức liên quan cùng thảo luận về các giải pháp cụ thể, nhằm giảm thiểu khoảng cách giới và thúc đẩy tiếng nói và mức độ đại diện cân bằng của nam và nữ trong hệ thống chính trị, lãnh đạo và quản lý.
Tại hội thảo, các đại biểu đã tham luận và trao đổi, thảo luận xung quanh vấn đề này, nhằm đưa ra nhiều giải pháp để thúc đẩy việc bình đẳng giới trong các cấp từ trung ương đến chính quyền địa phương, các tổ chức chính trị, xã hội; mức độ quan tâm của người dân với hoạt động chính trị, lãnh đạo quản lý; vấn đề bình đẳng giới trong các cơ quan dân cử...