Theo cô Huyền, cấu trúc đề thi Ngữ văn lần này không nhiều thay đổi so với đề thi minh họa hai lần trước. Số điểm từng phần trong đề cũng không thay đổi. Phần đọc hiểu 3 điểm, phần làm văn 7 điểm.
Ở phần đọc hiểu của đề, ngữ liệu nói đến một vấn đề quen thuộc nhưng rất thiết thực, có ý nghĩa đối với thế hệ trẻ hiện nay. Hệ thống câu hỏi đa phần mang tính mở, đòi hỏi học sinh phải thể hiện được khả năng tư duy, liên hệ tốt nếu muốn đạt được điểm tuyệt đối.
“Tuy nhiên, học sinh trung bình - khá cũng không khó để đạt được 2 điểm ở phần thi này” - cô Huyền nhận định.
Phần thi đọc hiểu của đề Ngữ văn minh họa lần 3. |
Nếu phần đọc hiểu hơi “xương” thì ở phần làm văn lại là “cứu cánh” cho học sinh trung bình - yếu. Phần làm văn đề cập đến ý nghĩa quan trọng của việc tìm ra niềm đam mê thực sự trong cuộc sống. Theo cô Huyền, vấn đề này tương đối dễ viết đối với học sinh bởi các em có thể dễ dàng lấy các ví dụ trong thực tế đời sống để làm bài.
Câu nghị luận văn học thuộc dạng nghị luận về hai ý kiến bàn về văn học. Tác phẩm được lựa chọn là Vợ Nhặt, một tác phẩm đã xuất hiện trong đề thi THPT Quốc gia môn Ngữ Văn năm 2016. Câu hỏi thuộc dạng đề cơ bản, không hề đánh đố. Chỉ cần học sinh giải thích và chứng minh được cả hai ý kiến là đã có số điểm tương đối.
Tuy nhiên, nữ giáo viên cho rằng, muốn được điểm cao, điểm tuyệt đối, học sinh phải biết tổng hợp, so sánh, đánh giá mối liên hệ giữa hai nhận định. Chỉ ra tính thống nhất và sự bổ sung lẫn nhau của hai nhận định.
“Nhìn chung, đề thi minh họa lần 3 có tính phân loại cao, tương đương với mức độ phân loại trong đề thi minh họa lần 2. Đối với học sinh khá giỏi, đây là đề thi hay, là cơ hội để các em thể hiện”.
Với đề thi minh họa lần thứ ba, cô giáo Hoàng Thị Huyền đưa ra một số lời khuyên cho học sinh trong giai đoạn ôn thi nước rút hiện nay: - Cấu trúc đề có câu nghị luận văn học với “đất” viết khá rộng nên học sinh cần phân chia thời gian hợp lý, tránh trường hợp không kịp thời gian dẫn đến hiện tượng đầu voi đuôi chuột. - Thời gian ôn thi không còn nhiều, các em nên hệ thống lại kiến thức dưới dạng sơ đồ, luận điểm để tự tin và chủ động trong làm bài. - Nên dành thời gian luyện đề thi thử để tự đánh giá kiến thức của bản thân, tự phát hiện ra các lỗ hổng kiến thức và bổ sung những phần thiếu sót đó. - Đặc biệt không học tủ, không loại trừ bất cứ tác phẩm nào, kể cả các tác phẩm từng ra năm trước và năm trước đó. Với một kì thi quan trọng như thi THPT quốc gia, chủ quan là tự đánh mất cơ hội của chính mình. đề thi minh họa môn Ngữ văn TẠI ĐÂY |