Bình tĩnh đón nhận và đối mặt với ung thư

20/07/2018 - 07:01
Nếu là bệnh hiểm nghèo thì mọi việc mẹ và bố đã trao đổi kỹ rồi, bố sẽ hướng dẫn các con. Nhưng mẹ muốn sống vui vẻ như mẹ từng sống nên cả nhà mình hãy thoải mái nhé. Chúng ta không cưỡng được số phận nhưng không số phận nào bắt ta phải sầu não, sợ hãi, đau khổ cả. Cả nhà hãy vui vẻ động viên mẹ nhé.
Đúng dịp sinh nhật 62 tuổi, bà Mai nhận tin không vui từ bác sĩ khám sức khoẻ định kỳ “Cô có u phần phụ, theo kinh nghiệm của cháu thì cần kiểm tra sâu ngay để có hướng điều trị phù hợp”. May chỉ là u xơ, bà nhập viện mổ hôm trước hôm sau đã khoẻ. Bạn bè vào thăm bà, nhìn gương mặt hồng hào, tươi rói, nghe giọng nói rổn rảng, nhiệt tình quen thuộc, ai cũng mừng cho bà. Vậy mà 2 tuần sau lại nhận tin bà phải mổ lại vì sinh thiết có K.
 
Cả nhà bà rối tinh lên. Ông xã mấy đêm không ngủ, cứ nhìn thấy bà là rơi nước mắt. Con trai con dâu thì lên kế hoạch xin nghỉ phép chăm mẹ. Còn cậu út thỉnh thoảng lại chạy ra ôm mẹ cứ như mẹ sắp đi xa.
 
Sau khi bác sĩ chỉ định ngày mổ chính thức, bà gọi cả nhà tập trung đông đủ, vẫn tươi cười như mọi khi nói: “Mẹ bị ốm chứ có phải là động đất, sóng thần đâu. Vợ chồng con chưa cần nghỉ phép, buổi tối thay phiên nhau vào chơi với mẹ là được. Bố và em sẽ ở bên cạnh mẹ. Mẹ đã nhờ một chị chuyên chăm sóc người ốm rồi, họ sẽ thay bố và các con chăm sóc mẹ.
 
Nếu là bệnh hiểm nghèo thì mọi việc mẹ và bố đã trao đổi kỹ rồi, bố sẽ hướng dẫn các con. Nhưng mẹ muốn sống vui vẻ như mẹ từng sống nên cả nhà mình hãy thoải mái nhé. Chúng ta không cưỡng được số phận nhưng không số phận nào bắt ta phải sầu não, sợ hãi, đau khổ cả. Cả nhà hãy vui vẻ động viên mẹ nhé”.
istock-663844920.jpg
Ảnh minh họa

 

Lần mổ thứ hai quả là một thử thách. Tinh thần bà rất vững nhưng tâm lý bồn chồn, lo lắng, không chủ động chi phối sức khoẻ trái tim của bà. Cộng thêm tiểu đường nhẹ bị kích động. Bác sĩ đã phải điều trị cân bằng cho bà trong 4 ngày trước khi mổ.
 
Vì sức đã xuống sau lần mổ thứ nhất nên ca mổ sau thành công tốt đẹp vẫn làm cho bà “bẹp dúm như một con dán”. Bà chủ động chọn thuốc hậu phẫu giảm đau tốt nhất có thể. Bà kiên cường cùng cô giúp việc tập vận động. Đặc biệt, các bệnh nhân và người nhà cùng phòng không bao giờ nghe tiếng bà than phiền vì đau, vì mệt, vì khó chịu bứt rứt trong người.
 
Bạn bè, người thân đến hỏi thăm, lúc nào bà cũng chỉ nói “Mọi việc tốt hơn cả mong ước của mình”. Với chồng con, lúc nào bà cũng nở nụ cười hồn hậu bảo “Sắp được về với bố và các con rồi”. Sự bình thản ấy của bà như lan toả sang cả phòng bệnh, bệnh nhân và người nhà đều trở nên nhẹ nhõm, thoải mái, thư giãn hơn.
 
Bà về nhà tĩnh dưỡng trong 1 tháng thì bắt đầu trở lại đi tập văn nghệ. Bà Mai là bộ đội thông tin chuyển ngành nên sinh hoạt trong Hội Cựu chiến binh phường và nhóm đồng đội cũ. Toàn các anh chị em 60-70 nhưng ai cũng hăng hái, tích cực tụ tập, lúc thì văn nghệ, nhảy nhót, lúc đi thăm thú địa danh Cách mạng, lúc đi chùa, đi cà phê, ăn uống,... bà bắt nhịp trở lại vui vẻ, đến nỗi các bạn cũng nhanh chóng quên mất bà vừa trải qua 2 lần mổ căng thẳng, nặng nề.
 
Một người bạn của bà mở quán bún bò, rủ bà tham gia cho vui, bà đồng ý ngay. Mỗi lần người quen đến ăn thăm hỏi có ảnh hưởng đến sức khoẻ vừa mổ 2 lần không, bà chỉ cười bảo: “Đi làm nên vận động nhiều, máu huyết lưu thông, giàu oxi nên vết mổ chóng lành hơn. Không đi làm mới trì trệ”.
 
Con dâu bà cũng sắp đến ngày ở cữ. Bà bảo: “Mẹ không chăm được cháu đều đặn thường xuyên nhưng bà đi làm nên cho cháu nửa tháng lương, hỗ trợ các con chăm cháu, mỗi tuần ông bà sẽ dành 1 ngày chơi với cháu nhé”. Sự chủ động của bà giúp các con chủ động với cuộc sống của mình hơn.
 
Bà Mai quan niệm: “Cuộc sống luôn đầy bấp bênh, bất ngờ, đừng để nó chi phối mình mà chủ động đón nhận, tìm cách xử lý nhẹ nhàng thì tinh thần mình vững vàng, không căng thẳng, áp lực”.

Ý kiến của bạn
(*) Nội dung bắt buộc cần có
0 bình luận
Xem thêm bình luận

Nhập thông tin của bạn

Đọc thêm