1. Hàng xóm quanh khu chung cư đã quá quen với hình ảnh 2 cha con Trình Tuấn cùng dạo chơi vào những buổi chiều. Có lúc anh ngồi đợi con trong khu trò chơi, có khi cõng con trên lưng và đi khắp mấy ngõ quanh nhà để đọc những bài vè, hoặc kể chuyện, hát cho con nghe. Một lần, khi đi ngang qua mương nuôi cá, những con cá nhỏ tung tăng theo đàn, bé Ủn đòi ba bắt cá cho bé chơi, Trình Tuấn giải thích: “Mình sẽ không bắt cá, vì nếu bắt cá con thì cá mẹ sẽ buồn lắm Ủn à!”. Bé Ủn ngạc nhiên hỏi ba: “Mẹ cá sẽ buồn sao ba? Vậy mẹ Ủn đi đâu rồi ba?”. Trình Tuấn nắm tay con khẽ nói: “Mẹ Ủn lên thiên đường rồi!”. Bé Ủn im lặng, rồi khoác tay lên cổ ba chặt hơn. Bóng người cha cõng đứa con đổ dài trong buổi chiều muộn.
Thời gian trước, khi 2 cha con về đến nhà sẽ có bà nội Ủn phụ giúp bữa tối. Cứ vài tháng, bà nội Ủn lại sắp xếp để từ Nghệ An vào Sài Gòn phụ ba Tuấn chăm bé Ủn. Gần đây, công việc của bà ở quê bận hơn nên 2 cha con chủ động trong mọi việc. Công việc khởi nghiệp và dự án Ngân hàng sữa mẹ đang khiến Trình Tuấn mỗi ngày một bận rộn hơn. Dù thời gian được ở bên con không nhiều, nhưng anh luôn cố gắng để “ít mà chất”, anh tăng chất lượng tương tác hiệu quả với bé Ủn bằng cách chơi và học cùng con. Tuấn dành thời gian để tìm hiểu những ưu điểm của từng phương pháp dạy con và áp dụng sao cho phù hợp nhất với con về thể chất và tinh thần, dựa trên sự tôn trọng, sao cho con được phát triển tự nhiên nhất.
2. Ủn với ba là “cặp đôi” đi đâu cũng có nhau. Lần ra mắt cuốn sách “Ba muốn nuôi con bằng sữa mẹ” tại Hà Nội, Trình Tuấn đưa con gái cùng tham dự, nhân thể 2 cha con tranh thủ về thăm quê nội, quê ngoại. Hàng ngày, bé Ủn học lớp mầm non tại chung cư. Cứ 7h sáng, anh Tuấn đánh thức con dậy, 2 cha con cùng chuẩn bị để con đi học, cha đi làm. Chiều về, cha nấu nướng, giặt giũ, con chủ động vệ sinh cá nhân, quét nhà, xếp bát ăn cơm, dọn dẹp đồ đạc… Món ăn yêu thích của Ủn là chả giò do bà nội làm.
Trình Tuấn và bé Ủn |
Khi không có bà nội, ba Tuấn cũng bận rộn nên chẳng có nhiều thời gian quấn chả giò, Ủn cũng chịu ăn những món chiên, xào, luộc mà ba thực hiện. Với Trình Tuấn, tự chế biến món ăn sẽ bận hơn nhưng cha con đều vui vẻ và hứng thú. Từ nhỏ, Tuấn đã tập cho bé Ủn tự ăn theo sở thích và học theo sở trường. Tuần thấy bé Ủn có khuynh hướng không thích tập trung vào chữ và số, bản thân con thích những trò chơi vận động hướng ngoại, có khả năng ngôn ngữ sớm hơn so với tuổi.
Trình Tuấn chia sẻ, tầm tuổi lên 3, bé Ủn bắt đầu quậy bởi bé đã ý thức “cái tôi” của mình nên bướng bỉnh hơn. Ủn là một em bé cá tính, bản năng phòng vệ cao, hễ đi học bị bạn bắt nạt hoặc giành đồ chơi, Ủn thường “đánh trả” bạn. Ba Tuấn sẽ yêu cầu bé úp mặt vào tường và phân tích cho con hiểu về hành động sai của con.
Với ba Tuấn, Ủn đáng yêu nhất ở chỗ rất biết nịnh ba. Khi chơi đồ hàng, Ủn thường nói lớn lên sẽ nấu các món ăn cho ba. Một lần trời mưa rất to, Ủn ở nhà với cô ruột. Khi ba Tuấn tới công ty, vào facebook, thấy cô em gái đưa clip Ủn hát bài “Con không thích ở nhà đâu, con muốn đi với bố cơ” khiến ba Tuấn xao xuyến, lúc đó chỉ muốn về nhà với con ngay lập tức.
3. Trình Tuấn kể, khi hoàn thành cuốn sách “Ba muốn nuôi con bằng sữa mẹ”, trong anh dường như đã nguôi ngoai nỗi đau mất vợ. Trong cuốn sách, Trình Tuấn chia sẻ, sau sự ra đi của người vợ thân yêu, anh cũng có những lần trải qua chuyện tình cảm không thành, anh từng nghĩ rằng mình không thể yêu ai khác được nữa. Nhưng bản năng khao khát có một hạnh phúc lứa đôi là điều ít ai phủ nhận, với Tuấn - điều đó luôn mãnh liệt khiến anh tin rằng, rồi sẽ có một người phụ nữ dành trọn yêu thương cho anh, trở thành người mẹ thứ 2 của bé Ủn. Con gái còn quá nhỏ, chưa từng có ý thức sâu sắc về “mẹ”, nên khi có người yêu thương bé, bé sẽ mở lòng thương yêu. Với Trình Tuấn, đó là điều tuyệt vời nhất. Nhưng anh cũng không vì sự khao khát đó mà thúc ép hay gây áp lực cho mình.