pnvnonline@phunuvietnam.vn
Bỏ hình phạt tử hình với 8 tội danh: Hướng đến hệ thống pháp luật hình sự nhân đạo hơn

Bị cáo Trương Mỹ Lan đã bị tuyên án tử hình nhưng tới 1/7/2025 chưa thi hành án, nên có khả năng giảm xuống chung thân
Khoản 1 Điều 40 Bộ luật hình sự quy định: "Tử hình là hình phạt đặc biệt chỉ áp dụng đối với người phạm tội đặc biệt nghiêm trọng thuộc một trong nhóm các tội xâm phạm an ninh quốc gia, xâm phạm tính mạng con người, các tội phạm về ma túy, tham nhũng và một số tội phạm đặc biệt nghiêm trọng khác do Bộ luật này quy định".
Ngày 25/6/2025, Quốc hội đã biểu quyết thông qua Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Bộ luật hình sự. Theo đó, Luật đã bỏ hình phạt tử hình ở 8 tội danh gồm:
Tội hoạt động nhằm lật đổ chính quyền nhân dân (Điều 109); Tội gián điệp (Điều 110); Tội phá hoại cơ sở vật chất - kỹ thuật của nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam (Điều 114); Tội sản xuất, buôn bán hàng giả là thuốc chữa bệnh, thuốc phòng bệnh (Điều 194); Tội vận chuyển trái phép chất ma túy (Điều 250); Tội tham ô tài sản (Điều 353); Tội nhận hối lộ (Điều 354); Tội phá hoại hòa bình, gây chiến tranh xâm lược (Điều 421).

Luật sư Hà Hải. Ảnh NVCC
"Việc bỏ hình phạt tử hình đối với 8 tội danh lần này đã được thảo luận rất kỹ lưỡng cả về lý thuyết và thực tiễn, thể hiện một sự nhất quán trong chính sách hình sự của nước ta, đồng thời có điều chỉnh cho phù hợp với yêu cầu đấu tranh phòng, chống tội phạm trong tình hình mới đã được tổng kết qua thực tiễn", luật sư Hà Hải đưa ý kiến.
Phóng viên: Thưa luật sư Hà Hải, việc Việt Nam bỏ hình phạt tử hình ở 8 tội danh phù hợp như thế nào đối với xu hướng quốc tế và các công ước quốc tế mà Việt Nam là thành viên?
Luật sư Hà Hải: Việt Nam trở thành thành viên Liên hợp quốc vào năm 1977 và gia nhập Công ước Quốc tế về các Quyền Dân sự và Chính trị (ICCPR), được phê chuẩn vào năm 1982.
Xu hướng toàn cầu về bãi bỏ tử hình hiện nay được ghi nhận bởi các thống kê như sau: Theo báo cáo của Tổ chức Ân xá Quốc tế (Amnesty International), hơn 70% các quốc gia trên thế giới đã bãi bỏ hoàn toàn hoặc không còn thi hành án tử hình trong thực tế. Ngay cả những quốc gia còn duy trì hình phạt này cũng chủ yếu áp dụng trong các trường hợp đặc biệt nghiêm trọng, thường là giết người hàng loạt hoặc khủng bố. Trong 193 quốc gia là thành viên của Liên hợp quốc, hiện chỉ còn hơn 50 quốc gia quy định về hình phạt tử hình.
Việc bỏ hình phạt tử hình nhằm phục vụ hoạt động hợp tác quốc tế của nước ta, nhất là trong bối cảnh hiện nay, khi Việt Nam đang mở rộng hợp tác quốc tế một cách sâu rộng trên tất cả các lĩnh vực của đời sống xã hội, việc xây dựng hệ thống pháp luật tương đồng với đa số các nước trên thế giới sẽ góp phần quan trọng trong việc thúc đẩy các quan hệ hợp tác ngày càng bền chặt và tin tưởng lẫn nhau. Hơn thế nữa, việc này phù hợp với chuẩn mực nhân quyền quốc tế và khẳng định uy tín pháp lý của Việt Nam trên trường quốc tế.
Khoản 2 Điều 6 Công ước quốc tế về các quyền dân sự và chính trị (ICCPR) quy định: "1. Mọi người đều có quyền cố hữu là được sống. Quyền này phải được pháp luật bảo vệ. Không ai có thể bị tước mạng sống một cách tuỳ tiện. 2. Ở những nước mà hình phạt tử hình chưa được xóa bỏ thì chỉ được phép áp dụng hình phạt tử hình đối với những tội ác nghiêm trọng nhất, căn cứ vào luật pháp hiện hành tại thời điểm tội phạm được thực hiện và không được trái với những quy định của Công ước này và của Công ước về ngăn ngừa và trừng trị tội diệt chủng...".
Tòa án nhân quyền Châu Âu, Tòa án tối cao Canada và các tổ chức quốc tế như Ủy ban dân nguyện Liên hợp Quốc cũng đã nhiều lần khẳng định rằng tội phạm kinh tế, ma túy, an ninh quốc gia không gây chết người đều không đáp ứng tiêu chí tội nghiêm trọng nhất.
Khuyến nghị của Ủy ban Nhân quyền Liên Hợp Quốc (HRC) vào năm 2019, kêu gọi Việt Nam xem xét áp dụng lệnh tạm hoãn thi hành án tử hình và tiến tới bãi bỏ hoàn toàn. Mục 23 của văn bản Khuyến nghị như sau: Ủy ban ghi chú với sự quan ngại rằng hình phạt tử hình vẫn được áp dụng với các tội phạm, bao gồm các tội liên quan đến chất gây nghiện, tội phạm kinh tế và các tội phạm khác. Điều này là không đáp ứng giới hạn trong các tội nghiêm trọng nhất theo nghĩa của khoản (2) điều 6 của Công ước.
Phóng viên: Việc bỏ hình phạt tử hình đã phù hợp với Hiến pháp và tinh thần nhân đạo của pháp luật Việt Nam như thế nào? Luận bàn về điều này ra sao, thưa luật sư?
Luật sư Hà Hải: Điều 19 Hiến pháp năm 2013 quy định: "Mọi người có quyền sống. Tính mạng con người được pháp luật bảo hộ. Không ai bị tước đoạt tính mạng trái luật".
Việt Nam đã có những bước đi mạnh mẽ trong suốt 3 thập kỷ qua. Việt Nam đã thể hiện việc bảo vệ nhân quyền thông qua việc giảm dần phạm vi áp dụng hình phạt tử hình, từ 44 tội danh trong Bộ luật Hình sự 1985, xuống 29 tội danh trong Bộ luật Hình sự 1999, xuống 18 tội danh trong Bộ luật Hình sự 2015, sửa đổi 2017.
Hình phạt tử hình là không thể đảo ngược, và trong trường hợp xảy ra sai sót trong quá trình điều tra, xét xử thì hậu quả sẽ không thể khắc phục. Việc loại bỏ hình phạt tử hình đối với 8 tội danh nêu trên là bước đi đúng đắn thể hiện sự khoan hồng và ưu tiên cải tạo, tái hòa nhập xã hội cho người phạm tội, bảo vệ nhân quyền trong tình hình hiện nay.
Ngoài ra việc xác định tính nguy hiểm của hành vi - căn cứ quan trọng để quyết định hình phạt - không chỉ dựa trên mặt khách quan của hành vi phạm tội mà còn dựa vào động cơ, mục đích (mặt chủ quan) của người phạm tội.
Chẳng hạn:
Đối với Tội sản xuất, buôn bán hàng giả là thuốc chữa bệnh, thuốc phòng bệnh, là một hành vi nguy hiểm vừa qua xảy ra khá nghiêm trọng, nhưng mục đích của người phạm tội là kiếm lời bất chính. Người phạm tội không có động cơ, mục đích giết người. Vì vậy việc bỏ án tử hình là phù hợp. Đối với tội vận chuyển trái phép chất ma túy: thường được thực hiện bởi những người nghèo, hiểu biết hạn chế ở những vùng sâu vùng xa. Việc bỏ án tử hình với tội danh này, mở ra cơ hội cho người trót phạm tội được sống, được trở về với xã hội. Hơn nữa họ có thể rút ra khỏi đường dây tội phạm và tố giác, phối hợp với cơ quan điều tra bắt giữ được những kẻ chủ mưu, cầm đầu đường dây buôn bán ma túy.
Cần nhấn mạnh rằng, việc giảm án tử hình không có nghĩa là khoan nhượng với tội phạm. Thay vào đó, hình phạt tù chung thân không giảm án khi được áp dụng đúng vẫn đảm bảo sự cách ly tuyệt đối với những kẻ đặc biệt nguy hiểm, đồng thời gửi đi thông điệp công lý không chỉ được thực thi bằng sự trừng phạt, mà còn bằng tinh thần tôn trọng nhân phẩm con người.
Tôi cho rằng đây là định hướng cơ bản, một mặt yêu cầu Bộ luật hình sự phải là công cụ sắc bén trong quản lý xã hội, phòng ngừa và đấu tranh chống tội phạm; mặt khác cũng thể hiện chính sách của Đảng, Nhà nước trong xử lý người phạm tội, thể hiện mục tiêu hướng đến hệ thống pháp luật hình sự nhân đạo hơn.
Phóng viên: Luật sư nhìn nhận, đánh giá như thế nào về việc định tội, lượng hình của pháp luật đối với đốii tượng yếu thế, ở đây cụ thể là phụ nữ?
Luật sư Hà Hải: Phụ nữ thuộc nhóm yếu thế, chính vì đặc trưng giới nên các nguyên nhân phạm tội trên thực tế thông thường xuất phát từ áp lực kinh tế, tác động từ gia đình và xã hội, do bị bạo lực, tổn thương, gặp biến cố trong cuộc sống... dẫn đến túng quẫn, bế tắc, đẩy họ phạm tội.
Bộ luật hình sự đã có các quy định nhân đạo, thể hiện sự quan tâm của pháp luật đến quyền lợi của phụ nữ và trẻ em, như không áp dụng hình phạt tử hình và không thi hành án tử hình đối với phụ nữ mang thai hoặc đang nuôi con dưới 36 tháng tuổi tại thời điểm phạm tội hoặc xét xử (khoản 2 và điểm a khoản 3 Điều 40).
Và với cách đánh giá của cá nhân tôi, việc bỏ án tử hình với 8 tội danh góp phần bảo đảm tính nhân đạo và phù hợp với nguyên tắc "giảm hình phạt tử hình một cách thận trọng và có lộ trình" theo chủ trương của nhà nước Việt Nam.
Phóng viên: Xin trân trọng cảm ơn luật sư về cuộc bàn luận này.
